QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đức Long Gia Lai báo lãi 50 tỷ đồng, “giấu nhẹm” bản án của Toà án

Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) ghi nhận lợi nhuận 50,2 tỷ đồng sau 9 tháng kinh doanh. Công ty này vừa bị HoSE nhắc nhở chậm công bố bản án của tòa án về tranh chấp khoản nợ với Lilama 45.3.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2023 với tín hiệu khởi sắc.

Trong quý 3, công ty ghi nhận tổng doanh thu thuần 289 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính giảm nhẹ xuống 60 tỷ đồng. Công ty đã cắt giảm gần một nửa các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, song lãi vay vẫn còn khá cao (88,2 tỷ đồng)…

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 18,85 tỷ đồng trong khi quý 3/2022 lỗ 17 tỷ đồng, lãi sau thuế 15,7 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng qua, doanh thu thuần của Đức Long Gia Lai đạt hơn 800 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước và mới đạt 44,4% kế hoạch cả năm nay. Doanh thu tài chính ở mức 176 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 62,5 tỷ đồng và 50,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ “khủng” tới 380,5 tỷ đồng. Song kết quả này cũng mới chỉ đạt 50% kế hoạch năm nay.

 Đức Long Gia Lai có lãi trở lại 50,2 tỷ đồng nhưng số lỗ lũy kế âm 2.033 tỷ đồng đến cuối tháng 9/2023

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của tập đoàn tăng nhẹ lên 5.740 tỷ đồng, trong đó, hàng tồn kho còn 225 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng 25 tỷ đồng); tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn đạt 240 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn 1.111 tỷ đồng. Công ty phải trích lập dự phòng nợ xấu lên tới hơn 1.360 tỷ đồng.

Về nguồn vốn của Đức Long Gia Lai trong 9 tháng qua vẫn rất căng thẳng khi nợ phải trả giữ ở mức cao tới 4.585 tỷ đồng như thời điểm đầu năm. Trong đó, có hơn 2.743 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, 1.841 tỷ đồng nợ dài hạn.

Tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính đến cuối quý 3 vẫn giữ ở mức cao 2.902 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong khối nợ của DLG. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tiếp tục bị “bào mòn” mất tới 61,4%, chỉ còn lại 1.155 tỷ đồng. Mà chủ yếu là do lỗ lũy kế còn hơn 2.033 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho thấy, mặc dù thiếu hụt dòng tiền kinh doanh, vay nợ lớn nhưng Đức Long Gia Lai lại khá “hào phóng” cho các cá nhân vay lượng tiền rất lớn, gây ra nợ khó đòi rất lớn.

Số dư nợ phải thu ngắn hạn đến cuối tháng 9 còn hơn 1.630 tỷ đồng và phải trích dự phòng nợ khó đòi hơn 1.363 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số cá nhân vay nợ lớn như ông Lý Trần Tiến (391 tỷ đồng), ông Nguyễn Tuấn Vũ (133,3 tỷ đồng), ông Huỳnh Quốc Bình (145 tỷ đồng)…

Hàng loạt các công ty đang vay số tiền lớn từ 100-380 tỷ đồng của Đức Long Gia Lai, có thể kể đến như: Công ty TNHH MTV Phạm Linh Gia Lai, Công ty TNHH cung ứng Vật tư nguyên liệu Tây Nguyên, CTCP Trồng rừng và CCN Đức Long Gia Lai, CTCP Công nghiệp KT CB Đá Tây Nguyên, Công ty TNHH Phú Thành Gia Pleiku…

Tuy nhiên, tập đoàn gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền lãi cho vay cá nhân và tổ chức, với giá trị lãi phải thu về cho vay lên tới 566 tỷ đồng.

 Ngày 9/10/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai.

Do tình hình kinh doanh thua lỗ lớn, nợ khó đòi cao, đặc biệt là sự việc “tòa án mở thủ tục phá sản” khiến cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai bị giảm sàn liên tiếp, hiện chỉ còn 2.000 đồng/CP.

Ngày 30/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã nhắc nhở Đức Long Gia Lai về lỗi chậm công bố thông tin bản án của Tòa án về tranh chấp thực hiện hợp đồng kinh tế với Công ty Cổ phần Lilama 45.3.

Tập đoàn cho biết, đã công bố thông tin nhận được bản án của Tòa án tới kèm văn bản giải trình số 140/ĐLGD-QHĐT ngày 27/10/2023 .

Cụ thể, Bản án sơ thẩm số 05/2022/KDTM-ST ngày 7/6/2022 của Tòa án thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) về việc tranh chấp về thực hiện hợp đồng cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công (DLG nhận được ngày 15/6/2022);

Bản án phúc thẩm số 03/2023/KDTTM-PT ngày 08/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc tranh chấp về thực hiện hợp đồng cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công tại Thủy điện Đăk Pô Cô (DLG nhận được ngày 3/3/2023).

Theo bản án sơ thẩm, Đức Long Gia Lai phải trả cho đối tác Lilama 45.3 khoản nợ hơn 17 tỷ đồng. Và phiên tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm này. Tuy nhiên, do DLG chưa trả khoản nợ nêu trên nên Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.

Ngày 9/10/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai.

Bà Nguyễn Thị Sương – người đại diện theo ủy quyền của Lilama 45.3 – cho biết, Đức Long Gia Lai đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán của hợp đồng kinh tế ký kết vào năm 2016. Sau nhiều lần xin gia hạn nợ, DLG vẫn không trả nợ cho Lilama 45.3.

Nhận thấy đối tác mất khả năng thanh toán, Lilama 45.3 đã gửi đơn yêu cầu tòa án tỉnh Gia Lai mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai.

Ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng giám đốc DLG giải thích rằng: do tình hình tài chính khó khăn, mất khả năng thanh toán, không thể trả nợ ngay một lúc nên muốn thanh toán theo từng đợt từ năm 2023-2026, hoặc sớm hơn nếu tình hình kinh doanh dần ổn định.

Ngày 12/10, DLG đã chuyển trả một phần tiền nợ cho Lilama 45.3 do trước đó tài khoản của công ty này bị phong thỏa, nhiều lần chuyển tiền bị chặn…

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/duc-long-gia-lai-bao-lai-50-ty-dong-giau-nhem-ban-an-cua-toa-an-491239.html