QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

El Nino có thể kéo dài và tác động cho đến năm 2024

Nhiều kỷ lục thế giới về thời tiết cực đoan có thể bị phá vỡ trong thời gian tới, trong đó hiện tượng El Nino có thể kéo dài và tác động cho đến năm 2024.

Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), El Nino xảy ra với chu kỳ trung bình khoảng 2 đến 7 năm một lần. Mỗi đợt El Nino thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng, nhưng đôi khi hiện tượng này có thể kéo dài trong một số năm.

Kể từ năm 1900, ít nhất 30 đợt El Nino đã xuất hiện trên thế giới, trong đó đợt mạnh nhất được ghi nhận trong giai đoạn năm 1982-1983, 1997-1998 và 2015-2016.

Đợt El Nino xảy ra trong các năm 1982-1983 và 1997-1998 được đánh giá là những đợt dữ dội nhất trong thế kỷ 20.

Đáng chú ý, dữ liệu của WMO công bố mới đây cho thấy, tuần đầu tháng 7 này được ghi nhận là tuần nóng nhất trên toàn cầu. Theo đó, nguyên nhân của sự nóng lên này là do biến đổi khí hậu và El Nino – hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương.

Ngoài ra, nhiệt độ đang phá kỷ lục cả trên đất liền và đại dương, tiềm ẩn “tác động tàn phá đối với hệ sinh thái và môi trường”. Tổ chức này cảnh báo, tình trạng nóng bức kỷ lục này có thể sẽ tiếp diễn.

Đợt El Nino xảy ra trong các năm 1982-1983 và 1997-1998 được đánh giá là những đợt dữ dội nhất trong thế kỷ 20. (Ảnh minh họa)

Giám đốc dịch vụ khí hậu WMO Christopher Hewitt cảnh báo nhiều kỷ lục thế giới về thời tiết cực đoan có thể bị phá vỡ trong thời gian tới, trong đó hiện tượng El Nino có thể kéo dài và tác động cho đến năm 2024.

Cụ thể, ngày 10/7 Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) lần đầu đưa ra cảnh báo về hiện tượng say nắng trong mùa này đối với người dân ở thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận, do nắng nóng dữ dội đang diễn ra ở các vùng Kanto và Koshin.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết nêu trên cũng có thể là nguyên nhân gây ra những trận mưa lớn cục bộ, với dự báo lượng mưa lên tới 60mm/giờ ở khu vực phía bắc Kanto và 30mm/giờ ở phía nam vùng này. Cơ quan này cũng dự báo 90% khả năng hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục vào mùa thu năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và sự nóng lên toàn cầu.

Tại Trung Quốc, Trung tâm Khí tượng Quốc gia (NMC) tiếp tục giữ mức cảnh báo màu da cam – mức cảnh báo cao thứ hai về nhiệt độ, khi các đợt nắng nóng đang bao trùm hầu hết các vùng của đất nước. Theo NMC, vào ban ngày, nhiệt độ tại các vùng phía bắc Trung Quốc, khu vực các sông Hoàng Hà và sông Hoài Hà, phía nam sông Dương Tử, miền nam Trung Quốc và lưu vực Tứ Xuyên được dự báo sẽ vượt qua 35 độ C.

Tại một số khu vực khác như thủ đô Bắc Kinh, các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Chiết Giang và Phúc Kiến, nhiệt độ thậm chí có thể vượt ngưỡng 40 độ C. Đặc biệt, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, nhiệt độ ở Bắc Kinh đã tăng lên hơn 40 độ C trong hai ngày liên tiếp vào tuần trước, khiến chính phủ phải ban hành “báo động đỏ”, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo ba cấp. 

Còn tại Mỹ, bang Texas đang trải qua hiện tượng “vòm nhiệt” kéo dài và khí nóng bị giữ lại trong bầu khí quyển như một lò đối lưu. Trong 24 ngày liên tiếp, bang Texas ghi nhận mức nhiệt trên 38 độ C, phá kỷ lục 23 ngày liên tiếp được ghi nhận vào năm 1994.

Theo báo cáo về Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của WMO, năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận do “sự kiện kép” bởi hiện tượng El Nino rất mạnh và sự nóng lên do con người gây ra từ khí nhà kính. Ảnh hưởng đối với nhiệt độ toàn cầu thường diễn ra vào năm sau khi hiện tượng El Nino phát triển và như vậy, ảnh hưởng của El Nino năm nay có thể thấy rõ vào năm 2024.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn khoảng 1,15°C so với mức trung bình của những năm 1850-1900 do hiện tượng La Nina.

Kể từ tháng 2, dị thường nhiệt độ mặt nước biển trung bình hàng tháng ở trung tâm đông xích đạo Thái Bình Dương đã ấm lên đáng kể, tăng từ gần nửa độ C dưới mức trung bình (- 0,44 độ C vào tháng 2) lên khoảng nửa độ C trên mức trung bình (0,47 độ C vào tháng 5). Trong tuần có tâm điểm là ngày 14.6, dị thường nhiệt độ bề mặt biển ấm tiếp tục gia tăng, đạt giá trị 0,9 độ C.

Nhiều chuyên gia cảnh báo hiện tượng El Nino có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với “sức khỏe” của rạn san hô Great Barrier tại Australia. Hồi đầu tháng 7, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định, các tác động của hiện tượng El Nino đã lan rộng ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, qua đó nhiều khả năng khiến nhiệt độ toàn cầu tăng và làm xáo trộn các hình thái thời tiết cũng như khí hậu.

Do đó, hiện tượng El Nino dự kiến sẽ khiến nhiệt độ đại dương toàn cầu nhỉnh hơn mức nhiệt trung bình trong dài hạn và khiến thời tiết tại Australia trở nên ấm và khô hơn.

Theo Lan Anh/Kinh tế môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/el-nino-co-the-keo-dai-va-tac-dong-cho-den-nam-2024-78891.html