QC 1
Thứ 3, ngày 25/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Facebook, TikTok… đã nộp 15.600 tỷ tiền thuế thương mại điện tử’

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, diễn ra chiều 4/6.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện quyết liệt thu thuế sàn thương mại điện tử. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bộ Tài chính cũng phối hợp quyết liệt với các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Cụ thể, đã kết nối cơ sở dữ liệu dân cư (hơn 71,37%), với 663.157 lượt kết nối do Bộ Công an quản lý; chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử, kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối; cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước 144 triệu tài khoản, gồm 10 triệu tài khoản tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 ngân hàng.

Kết quả theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022 thu được 83.000 tỷ đồng; năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay thu được 50.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, có 96 nhà cung cấp nước ngoài với những cái tên lớn như Facebook, Google, Tiktok… đã đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử. Hiện, các tập đoàn lớn này đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.

“Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh đồng bộ thu thuế sàn thương mại điện tử, giao dịch ở môi trường điện tử, trọng tâm tại Hà Nội và TP. HCM. Ngành thuế cũng có công văn tới các tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện thu thuế trên sàn thương mại điện tử, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với nhà nước”, ông Phớc nói.

Liên quan đến vấn đề thu thuế trên thương mại điện tử, tại phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam đối mặt 3 thách thức trong thương mại điện tử.

Theo đó, người tiêu dùng đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém, chất lượng… đổ bộ, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng; tỷ lệ thất thu thuế trên thương mại điện tử còn lớn.

Về bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, ông Diên thừa nhận có tình trạng lộ, lọt thông tin và Bộ Công Thương đã nhận diện vấn đề này, tham mưu Chính phủ ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật. Luật này đưa ra nguyên tắc xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng, Luật này có hiệu lực từ 1/7, với kỳ vọng khắc phục bất cập này. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành yêu cầu sàn thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Liên quan tới hàng giả, hàng nhái thâm nhập, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết cơ quan này khuyến nghị người sản xuất nâng cao sản phẩm trong nước để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại; triển khai cơ chế tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Năm 2023, cơ quan chức năng gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm.

Bộ cũng tăng kiểm tra nguồn gốc hàng, để tránh hàng giả, hàng nhái. Cùng đó, Bộ trưởng Diên cho biết, Bộ này sẽ cùng hải quan, tách bạch giữa luồng thông thường để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

“Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xem xét miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ, để tránh nhập khẩu qua thương mại điên tử, cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế”, ông Diên nói.

Về vấn đề thuế, theo quy định, hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế VAT. Trong khi theo khảo sát của cơ quan này, 4 sàn thương mại điện tử lớn đang hoạt động tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 1 tỷ USD hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua đây.

“Có lượng thuế nhất định thất thoát nếu không điều chỉnh chính sách”, ông Diên nói.

Theo Ái Nhi/ VietnamFinance