QC 1
Thứ 6, ngày 17/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giao thông tuần qua: Đề xuất mở lại đường bay quốc tế, dùng công nghệ để chống thất thoát doanh thu BOT

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19; Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam áp dụng các biện pháp khoa học và công nghệ để kiểm soát thu phí của nhà đầu tư, tránh thất thoát doanh thu BOT… là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đề xuất mở lại đường bay quốc tế.

Dừng thu phí BOT cầu Đồng Nai từ ngày 24/8

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng thu phí tại trạm thu phí cầu Đồng Nai từ ngày 24/8.

Đây là dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa theo hình thức BOT, nằm trên Quốc lộ 1, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trong vản bản gửi nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện nay dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa còn nhiều tồn tại, vướng mắc như: lãi vay thời gian thi công của dự án chưa được Bộ Giao thông Vận tải thỏa thuận quyết toán, giá trị đầu tư chưa quyết toán của dự án dự kiến là hơn 24 tỷ đồng;  nhà đầu tư cũng chưa cung cấp đầy đủ chứng từ giải ngân cho dự án; thời điểm tính lợi nhuận vốn chủ sở hữu quy định tại hợp đồng dự án là tạm tính.

Bên cạnh đó, Tổng công ty xây dựng số 1 – CTCP (nhà đầu tư) cũng chưa thống nhất một số nội dung tính toán cơ bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam như: cơ cấu vốn chủ sở hữu để tính lợi nhuận nhà đầu tư; phương pháp xác định hệ số chiết khấu dòng tiền của giai đoạn 1, 2, 3; nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay trong giai đoạn khai thác; phương pháp tính toán phương án tài chính.

Trước các vấn đề còn tồn tại trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thông báo công khai việc tạm dừng thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trạm thu phí. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thu phí, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong quá trình chuẩn bị dừng thu tại trạm thu phí.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoàn thành công tác quyết toán các hạng mục sữa định kỳ phục vụ công tác quyết toán hợp đồng dự án trước ngày 30/9/2020; bổ sung báo cáo, hồ sơ, chứng từ liên quan đến công tác kiểm tra; tính số tiền hoàn trả cho các phương tiện đã mua vé tháng và vé quý còn thời hạn sử dụng tại trạm thu phí cầu Đồng Nai theo quy định.

Trước đó, dự án trạm thu phí cầu Đồng Nai từng được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí còn 7 năm 8 tháng 16 ngày, thay vì 18 năm 4 tháng 10 ngày như trong hợp đồng. Nguyên nhân là nhà đầu tư tính sai lưu lượng xe và xác định sai tổng mức đầu tư.

TP. HCM ‘bật đèn xanh’ xã hội hoá nạo vét hàng hải

UBND TP. HCM vừa đồng ý chủ trương thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải kết hợp tận thu sản phẩm. Đây được coi như “một mũi tên trúng hai đích” khi nhà nước không phải bỏ tiền nạo vét nhưng các tuyến luồng vẫn đảm bảo thông suốt cho tàu 5 vạn tấn đầy tải ra/vào.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) ủng hộ chủ trương nạo vét, thiết lập các khu neo đậu, chờ đợi cho tàu vào các cảng bến trên sông Soài Rạp theo hình thức xã hội hóa, tận thu sản phẩm bù chi phí.

Công văn nêu rõ: “Đề nghị Bộ GTVT, Cục HHVN căn cứ vào tình hình khai thác hàng hải trên tuyến luồng Soài Rạp từ nay đến năm 2030, các điểm neo đậu, tránh trú bão, các bến phao, khu giảm tải đã được thiết lập trên luồng, tình hình xây dựng, khai thác hệ thống cảng biển và chuẩn tắc luồng Soài Rạp để làm cơ sở xem xét, đánh giá, xác định vị trí, quy mô quyết định việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án”.

“Ngoài ra, UBND thành phố cũng đồng ý chủ trương triển khai dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia, đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt sông Gò Gia về phía thượng lưu (tới lý trình 9,5 km) theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không dùng ngân sách do Công ty TNHH Thành Hồng Phát làm chủ đầu tư”.

Đối với dự án xã hội hóa khác là nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắc Ông Cu – Tắc Bài đến sông Gò Gia theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không dùng ngân sách, việc thi công nạo vét đã được triển khai từ năm 2016.

Tuy nhiên, khu vực thi công có dấu hiệu sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ, UBND Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Cục  phối hợp các sở, ngành tại thành phố và các đơn vị liên quan đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ Cần Giờ để làm cơ sở xem xét tiếp tục triển khai dự án này.

Theo lãnh đạo UBND TP. HCM, việc xã hội hoá sẽ đem lại nhiều tích cực và hiện chỉ chờ Bộ GTVT “bấm nút” thực hiện.

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đề xuất mở lại đường bay quốc tế

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam mới đây đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp hàng không từng bước khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra.

Theo hiệp hội này, từ cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương, đặc biệt là TP. Đà Nẵng, khiến nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột, các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không.

Cũng theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50% – 70% so với cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé… nhưng đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.

Để hỗ trợ các hãng hàng không khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm.

Hiệp hội này cũng kiến nghị Thủ tướng kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.

Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021.

Hiệp hội còn đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đáng chú ý, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.

Dùng công nghệ để kiểm soát thu phí của nhà đầu tư, tránh thất thoát doanh thu BOT

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà đầu tư dự án BOT nhằm đôn đốc công tác quản lý vận hành và giám sát chặt việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước và hợp đồng dự án liên quan đến quản lý thu, chi trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao dự án.

“Nhà đầu tư BOT phải xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, không xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu phí. Đảm bảo an toàn, tránh ùn tắc giao thông, không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong thu phí; xử lý kịp thời các hành vi gian lận trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Nhà đầu tư BOT cũng được yêu cầu phải chấp hành nghiêm và phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ công nghệ thu phí theo hình thức tự động không dừng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó cần nghiêm túc tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ GTVT.

Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột việc tổ chức thu, hạch toán và báo cáo doanh thu của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, kịp thời phát hiện tiêu cực và có hình thức xử lý nghiêm vi phạm.

Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải áp dụng các biện pháp khoa học và công nghệ để kiểm soát thu phí của nhà đầu tư để tránh thất thoát doanh thu.

Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 65km

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phê duyệt đề cương, nhiệm vụ chi tiết để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu.

Theo đó, tổng chiều dài toàn tuyến là 65,3km đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai (34,2km) và Bà Rịa – Vũng Tàu (31,1km, bao gồm 22,3km đường cao tốc và 8,8km đường nối vào cảng Cái Mép – Thị Vải).

Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 1A – tuyến tránh thành phố Biên Hoà (vị trí cách điểm giao ngã ba Vũng Tàu 6,5km, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối của dự án tại vòng xoay Vũng Vằn, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo quyết định số 326/QĐ – TTg về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2050, tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đoạn từ Biên Hoà tới Phú Mỹ được đầu tư xây dựng với quy mô 6 làn xe, đoạn từ thị xã Phú Mỹ tới thành phố Vũng Tàu được đầu tư xây dưng với quy mô 4 làn xe.

Tuy nhiên, để phù hợp với lưu lượng dự báo và các tuyến cao tốc trong khu vực đã được đầu tư xây dựng, để đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa của dự án cũng như đảm bảo tính khả thi về tài chính, dự án sẽ có một số đề xuất:

Đoạn cao tốc từ Biên Hoà đến nút giao Long Thành (giao với đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây) sẽ có quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang là 24,5m.

Đoạn cao tốc từ nút giao thông Long Thành đến thị xã Phú Mỹ (điểm đầu nhánh nối vào cảng Cái Mép) sẽ có quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25m.

Đoạn nhánh nối từ Phú Mỹ (điểm đầu đường cao tốc vào cảng Cái Mép – Thị Vải) đến đường vào cảng Cái Mép được đề xuất xây dựng theo quy mô đường cấp III với quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 30,50m.

Đoạn từ thị xã Phú Mỹ đến vòng xoay Vùng Văn được đề xuất xây dựng theo quy mô 4 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 24,5m.

Chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư dự án là 4.942 tỷ đồng, trong đó chi phí quản lý dự án giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi 592 tỷ đồng, chi phí tư vấn 4.247 tỷ đồng; chi phí khác 112 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư của dự án triển khai thực hiện các bước tiếp theo. 

Theo Chí Bình/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/giao-thong-tuan-qua-de-xuat-mo-lai-duong-bay-quoc-te-dung-cong-nghe-de-chong-that-thoat-doanh-thu-bot-20180504224242760.htm