QC 1
Thứ 3, ngày 19/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Tôi không e ngại chuyện từ chức”

Ngay khi vừa được bổ sung vào Quy hoạch điều chỉnh ngành thép (dự thảo), dự án xây nhà máy thép Cà Ná tại Ninh Thuận đã gây phản ứng mạnh trong dư luận với những lo ngại về môi trường.

Dự án thép Cà Ná của tập đoàn Hoa Sen

Ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”

Đó là tuyên bố của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), ông Lê Phước Vũ tại đại hội cổ đông bất thường của công ty sáng 6/9/2017 khi dẫn ra ví dụ về Tập đoàn Hòa Phát lời đến 2.000 tỷ đồng/quý, trong đó lãi từ thép chiếm 80%.

Theo đó, tổ hợp dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, công suất 16 triệu tấn một năm có vốn đầu tư dự kiến 10,6 tỷ USD là dự án mà ban lãnh đạo Hoa Sen đã đặt rất nhiều kỳ vọng. Dự án này được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Theo báo cáo thường niên 2017, Hoa Sen mới chỉ góp 15 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Khu liên hợp luyện cá thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (HSIC) và 3 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (HSIP) và 2,5 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.Để chuẩn bị cho việc phát triển dự án khu liên hợp thép hàng triệu tấn/năm tại Cà Ná, ngày 2/8/2016, HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua quyết định thành lập 5 doanh nghiệp mới trực thuộc tổ hợp dự án Cà Ná (1 công ty do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch, 4 công ty do ông Trần Ngọc Du – Tổng giám đốc Hoa Sen là Chủ tịch HĐQT), với hình thức là công ty TNHH MTV do Hoa Sen nắm giữ 100% vốn.

Như vậy, Hoa Sen đã rót 20,5 tỷ đồng vào các công ty con thực hiện dự án thép Cà Ná. Các công ty còn lại chưa được góp vốn.

Được biết, tổng mức đầu tư của dự án lên tới 10,6 tỷ USD trong khi vốn điều lệ của tập đoàn chỉ là 3.500 tỷ, tổng vốn chủ sở hữu là 5.500 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017. Tuy nhiên, Tập đoàn này dự kiến chỉ đóng góp 15% vốn đầu tư cho dự án này, phần còn lại sẽ đi vay.

Bên cạnh đó, ông Lê Phước Vũ cũng quảng bá rầm rộ đã có nhiều ngân hàng quốc doanh nội địa và quốc tế cho vay và góp vốn như Vietcombank, BIDV, Agribank, ACB, MBBank, HSBC, ANZ Standard Chartered Bank, Commonwealth Bank of Australia (CBA), UOB,… Trong khi sau ấy những tên tuổi HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã rút vốn khỏi Việt Nam.

Thực chất, tính đến ngày 31/12/2017, tổng nợ phải trả của Hoa Sen là 18.608 tỷ đồng, gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu (5.500 tỷ đồng). Trong đó, riêng vay nợ ngắn và dài hạn đã lên đến 17.074 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu kỳ… Đáng chú ý, khi tuyên bố bỏ 10,6 tỷ USD làm siêu dự án thép Cà Ná, ông Lê Phước Vũ cũng khẳng định sẽ không để một giọt nước ô nhiễm nào xuống biển.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Tôi không e ngại chuyện từ chức”

Đó là khẳng định của ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương khi bàn về trách nhiệm liên quan đến dự án thép Cà Ná.

“Nếu hệ luỵ xảy ra ở một dự án có phần trách nhiệm nào đó của Bộ Công Thương thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân… Trước khi là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân và chúng ta bình đẳng trước pháp luật. Nhưng là Bộ trưởng thì phải chịu trách nhiệm cao hơn nữa, tương xứng với hành vi và trách nhiệm của mình”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Đặc biệt, ông Bộ trưởng không quên nhấn mạnh: “Hơn nữa, tôi là Đảng viên của Đảng, tôi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại chuyện từ chức”?

Trước đó, tại phiên họp chất vấn các bộ trưởng của Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã đặt câu hỏi: “Nếu hệ luỵ ở dự án thép Cà Ná xảy ra thì Bộ trưởng có dám cam kết trước Quốc hội rằng mình sẽ từ chức?”. Khi đó, do hết thời gian, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tạm thời “nợ” câu trả lời thẳng về vấn đề từ chức…

Ông Tuấn Anh khẳng định: “Tôi không phải là người sợ trách nhiệm và sẵn sàng đối mặt với trách nhiệm. Nhưng chúng ta phải hiểu đúng câu chuyện… Đây chưa phải là việc một dự án đã được phê duyệt, đã được đầu tư để thực hiện”, ông lưu ý.

Chính bởi vậy, “Ngay tại thời điểm này, chưa thể nói đến bất kỳ một chi tiết nào về dự án hay coi đó là dự án oan nghiệt (như lời chia sẻ của TS Lê Đăng Doanh trên trang facebook cá nhân) hay là dự án có hiệu quả. Bởi nói đến, sẽ là võ đoán”, bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.

Đặc biệt, vị tư lệnh của ngành công thương nhấn mạnh: “Điều quan trọng hơn tất thảy đó là nhiệm vụ của Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng, với công cụ pháp lý và bằng ý thức trách nhiệm của mình, phải đảm bảo không để xảy ra, không được phép xảy ra bất kỳ một hệ luỵ nào ở dự án thép Cà Ná. Bởi nếu xảy ra hệ luỵ, lúc đó, không còn cơ hội để mà ngồi tính xem, hình thức như vậy (từ chức) là đã phù hợp chưa, đã tương xứng với các hệ luỵ đã xảy ra chưa?”.

Nói thêm về quan điểm phát triển ngành thép và ngành công nghiệp nói chung, ông Trần Tuấn Anh thẳng thắn: “Nếu không có dự án thép này, hay bất kỳ dự án phát triển công nghiệp nào, kể cả như dự án nhiện điện thì đất nước Việt Nam có phát triển được hay không? Đất nước của chúng ta có thể chỉ phát triển bằng hạt muối của Cà Ná và hạt thóc của Tây Nam Bộ không… ? Một đất nước mà không có nền công nghiệp, không có cơ sở công nghiệp thì có thể tiếp tục phát triển được không? Và như vậy, chúng ta đang tự đánh mất đi những lợi thế, nguồn lực hiện có? Nếu chỉ e sợ những hệ luỵ xảy ra, không làm gì cả, vậy thì vai trò của các nhà quản lý, nhà làm chính sách ở đâu?”.

Dừng dự án, tránh Formosa thứ 2

Tháng 4/2017, Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự án thép Hoa Sen – Cà Ná, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chính thức về kết luận của Thủ tướng với 3 nội dung được yêu cầu xem xét lại.

Thứ nhất, tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị thường để xác định quy mô công suất và thời điểm phát triển dự án hợp lý.

Thứ hai, đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, đảm bảo dự án an toàn, không xảy sự cố tương tự như Formosa.

Thứ ba, xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó có tính đến cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ, đồng thời xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án…

Bàn về câu chuyện dự án xây nhà máy thép tại Cà Ná, TS Lê Đăng Doanh cho biết, những điểm chưa rõ của dự án được Thủ tướng nêu lên đều trùng hợp với những lo lắng của các nhà khoa học đưa ra trước đây.

Theo ông Doanh, lý lẽ của Bộ Công Thương rằng Việt Nam thiếu thép cơ khí, chế tạo để triển khai dự án này là không hợp lý vì Trung Quốc ngay bên cạnh Việt Nam đang dư thừa thép, phải đóng cửa nhiều nhà máy… Nếu Việt Nam cố gắng hướng đến tự chủ trong khi sản phẩm làm ra không bán được thì sẽ là thảm họa… Và thực tế, thép sản xuất trong nước đang rất khó cạnh tranh với thép Trung Quốc giá rẻ.

Một góc nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh

Cũng theo ông Doanh, Thủ tướng mới chỉ đạo tạm dừng dự án, nghĩa là dự án vẫn có thể được trình lên lần nữa. Mặc dù người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết sẽ chịu trách nhiệm nếu dự án xảy ra sự cố nhưng vẫn cần phải có một hội đồng khoa học để thẩm định độc lập dự án này.

Ông Doanh nhận định: “Việc tạm dừng dự án là nhằm tránh sa vào một vụ Formosa thứ hai” đồng thời “đề nghị Liên hiệp Các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam và các nhà khoa học cần lưu ý đến dự án này và tiếp tục có ý kiến phản biện”.

Ngày 8/1/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có thư xin lỗi sau khi xẩy ra việc xe biển xanh của Bộ này vào tận khu vực hạn chế của sân bay để đón người nhà.

“Thông qua các cơ quan báo chí và truyền thông, cho phép tôi và gia đình được gửi lời xin lỗi tới toàn thể quý vị hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối ngày 4/1/2019. Đặc biệt, tôi xin lỗi đến Nhân dân, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công Thương”- bức thư có đoạn viết.

Theo Linh Trang/Thời báo Chứng khoán