QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Góc nhìn chứng khoán: Tròn 70 phiên, nhiều blue-chip sắp ‘trở lại mặt đất’

Tính đến hôm nay, thị trường đã trải qua tròn 70 phiên chìm trong “khủng hoảng” của dịch Covid-19. Mức độ tàn phá của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp là khác nhau và sau 27 phiên phục hồi kể từ cuối tháng 3, các blue-chip bắt đầu tìm về mức giá trước khủng hoảng.

Biểu đồ so sánh biến động theo % của các chỉ số với mốc ngày 22/1/2020.

Nếu thống kê trên toàn thị trường thì có hàng trăm cổ phiếu thậm chí đã vượt cả giá trước khủng hoảng (tính từ thời điểm 22/1/2020 khi thị trường tạm dừng để nghỉ Tết). Tuy nhiên phần lớn các cổ phiếu có giá đi ngược khủng hoảng là những mã quá nhỏ, thanh khoản quá ít, thậm chí tăng “không rõ lý do” và khó có thể coi là phản ứng giá bình thường.

Chẳng hạn VN-Index giảm tối đa 33,2% trong khủng hoảng Covid-19, kéo dài từ 30/1 tới 31/3 thì GAB tăng gần 234%. Nói chung cổ phiếu đầu cơ dạng này dễ tăng bất chấp “thời tiết”. Hoặc như VTX, SIV giao dịch vài trăm cổ mỗi ngày thì giá lên xuống không hẳn là hợp lý.

Nếu nhìn vào biểu đồ so sánh biến động giá nói trên, có thể thấy ngay các cổ phiếu nhỏ – đại diện là chỉ số VNSmallcap – hiện chỉ còn thấp hơn thời điểm 22/1/2020 có 7,13% (số liệu tính đến ngày 11/5/2020). Trong khi đó VN-Index vẫn còn thấp hơn 16,45%, VN30-Index thấp hơn 14,52%, VNMidcap thấp hơn 15,01%. Điều này thể hiện đặc tính của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp rất dễ tăng nhanh.

Ngược lại, các blue-chip hay cổ phiếu có thanh khoản tốt – phản ánh trung thực hơn cung cầu hàng ngày – có mức tăng chậm hơn. Nhóm VN30 tính đến hôm nay có 11/30 cổ phiếu có mức chênh lệch nhỏ hơn chỉ số, trong đó 3 cổ phiếu đạt mức dương (đã cao hơn mốc giá ngày 22/1/2020) và 4 cổ phiếu còn thấp hơn dưới 10%.

3 cổ phiếu trong rổ VN30 đã vượt giá ngày 22/1 là CTD, MSN và VPB. CTD và MSN có đặc thù là giá giảm trong giai đoạn thị trường tăng tháng 1/2020. Riêng VPB lại tăng ngược thị trường. Cổ phiếu này đạt đỉnh ngày 21/2/2020 rồi mới giảm. 4 cổ phiếu chỉ còn thấp hơn dưới 10% là NVL (-3,57%), FPT (-4,42%), POW (-8,56%) và HPG (-8,94%).

Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 nhưng trừ Trung Quốc, các quốc gia khác chưa bị ảnh hưởng. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có tháng 1/2020 tăng khá cao đến trước khi tạm nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ sau khi giao dịch trở lại vào ngày 30/1, thị trường mới bắt đầu thể hiện tác động của dịch bệnh.

Nếu coi mức giảm của giá cổ phiếu cũng như các chỉ số từ ngày 30/1 là phản ánh lo ngại của thị trường về ảnh hưởng của Covid-19 thì mức phục hồi hiện tại cũng có thể xem là phản ánh kỳ vọng về khả năng “trở lại bình thường” sau khi dịch bệnh kết thúc. Tuy nhiên biến động giá hay cổ phiếu đôi khi dựa quá nhiều trên cơ sở cung cầu từng thời điểm nên kỳ vọng thậm chí có thể vượt cả mức lạc quan, dù ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như khả năng phục hồi các hoạt động kinh tế ở tốc độ nào vẫn chưa thể chứng minh được.

Thị trường chứng khoán trong tình huống này có thể không phản ánh được thực tế mà phản ánh kỳ vọng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều thị trường chứng khoán khác và tạo ra mâu thuẫn giữa số liệu thống kê với tình trạng thị trường. Chẳng hạn chỉ số S&P 500 của Mỹ hiện chỉ còn thấp hơn đỉnh cao lịch sử tháng 2/2020 có 13,5%, thậm chí còn thấp hơn nếu tiếp tục tăng trong những ngày tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán gần như bỏ qua rủi ro tác động của dịch bệnh và đặt cược rằng các doanh nghiệp sẽ đạt mức lợi nhuận bằng hoặc cao hơn thời điểm trước khi có dịch bệnh.

Kỳ vọng là yếu tố co dãn và chủ yếu dựa trên suy luận nên không thể lấy logic hay định lượng để xem xét. Các biện pháp hỗ trợ, ví dụ các gói kích cầu, sẽ tác động đến tâm lý mạnh hơn, dù không có bằng chứng nào thể hiện hiệu quả ở mức độ nào cũng như thời điểm hiệu quả đó xảy ra. Việc giảm lãi suất hay các gói hỗ trợ cho vay được cho là sẽ giúp doanh nghiệp có thêm vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và từ đó vượt khủng hoảng rồi tăng trưởng. Tuy nhiên khả năng hấp thụ lượng vốn này lại chỉ có thể định lượng được khi có các chỉ số như tăng trưởng tín dụng – thường chậm hơn hàng tháng trời sau đó.

Thị trường chứng khoán diễn biến theo “cái lý riêng” và chừng nào thị trường còn tăng thì các nhà đầu tư còn cảm thấy hài lòng, bất kể là nó vượt xa thực tế đến mức nào. Tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa là “thị trường luôn luôn đúng”, vì khi VN-Index ở đỉnh cao lịch sử như thời 2007 hay 2018, lượng tiền trong thị trường quá lớn mới là điều tạo nên đà tăng, chứ không phải đó là mức định giá hợp lý.

Theo Song Tử/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/goc-nhin-chung-khoan-tron-70-phien-nhieu-blue-chip-sap-tro-lai-mat-dat-20180504224238397.htm