QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Habeco: ‘ì ạch’ không thoái nổi vốn Nhà nước, tài sản ‘bốc hơi’ 2.379 tỷ đồng

Trong khi Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thoái vốn Nhà nước thành công với nguồn thu ngân sách “siêu khủng” thì Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vẫn trong giai đoạn “ì ạch”. Kết quả là sau hơn 5 năm ‘thay tướng’, tài sản Habeco “bốc hơi” 2.379 tỷ đồng.

Sau 10 năm, Sabeco tăng gấp đôi lợi nhuận; còn Habeco giảm 48,7% lãi, tài sản “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

“Ì ạch” không thoái nổi vốn Nhà nước

Thoái vốn Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp Nhà nước trong suốt 2 thập niên qua. Trong đó, bia rượu không phải ngành Nhà nước cần nắm giữ nên được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cả hai ông lớn Sabeco và Habeco đều khá ì ạch trong việc thoái vốn Nhà nước. Đặc biệt là Habeco. Theo kế hoạch, lẽ ra nhiệm vụ này đã hoàn thành trong năm 2016 nhưng phải tới năm 2017, Bộ Công Thương mới giảm thành công tỷ lệ sở hữu tại Sabeco.

Theo đó, cuối tháng 12/2017, thương vụ thoái vốn khỏi Sabeco của Bộ Công Thương đã trở thành “bom tấn” khi Công ty TNHH Vietnam Beverage – công ty liên quan tới tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đấu giá thành công và trở thành chủ nhân mới của 343,66 triệu cổ phiếu SAB (tương đương tỷ lệ nắm giữ 53,59% vốn điều lệ).

Mức đấu giá thành công mới là chủ đề chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Tỷ phú Thái Lan sẵn sàng chi 320.000 đồng cho mỗi cổ phiếu SAB. Điều đó có nghĩa, Nhà nước đã thu về 110.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4,8 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục.

Sau phiên đấu giá thành công ngoài mong đợi của Sabeco, thị trường kỳ vọng Habeco sẽ sớm thể hiện bản lĩnh “anh hai” của mình. Thế nhưng, cho tới nay, đa số vốn của Habeco (81,79% vốn) vẫn thuộc về Bộ Công Thương, chỉ 17,34% thuộc về cổ đông chiến lược Carlsberg Breweries A/S.

Việc thoái vốn của Habeco “lằng nhằng” hơn Sabeco rất nhiều vì bị ràng buộc bởi cam kết với cổ đông chiến lược Carlsberg Breweries A/S. Carlsberg Breweries A/S đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sở hữu 30% vốn Habeco. Thế nhưng, mức giá mong muốn của hai bên quá chênh lệch nhau nên không tìm được tiếng nói chung. Trong khi Carlsberg Breweries A/S cho rằng 48.000 đồng/CP là hợp lý thì thị giá Habeco có thời điểm gần đạt 230.000 đồng/CP.

“Thay tướng” xong vẫn “giậm chân tại chỗ”

Có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra cho sự ì ạch trong việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco. Một trong những lý do quan trọng mà ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương (trước đây) chỉ ra chính là “yếu tố đầu tiên, then chốt nhất vẫn là yếu tố con người. Người đứng đầu rất quan trọng không chỉ là chịu trách nhiệm trước pháp luật mà có những chiến lược đầu tư kinh doanh có hiệu quả cũng như khắc phục những tồn tại”.

Kết quả là Bộ Công Thương đã thực hiện thay đổi nhân sự chủ chốt tại Habeco.

Trong khoảng thời gian của “deadline” đầu tiên (năm 2016), bộ đôi lãnh đạo cao cấp nhất tại Habeco là Chủ tịch HĐQT Đỗ Xuân Hạ và Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh.

Từ ngày 21/8/2017, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh đã bị “Tạm dừng thực hiện nhiệm vụ điều hành không hạn định”. Phó Tổng giám đốc Ngô Quế Lâm tạm “ngồi ghế nóng” thay ông Linh.

Trong năm 2018, hàng loạt biến động lớn tại bộ phận nhân sự cao cấp diễn ra. Từ ngày 21/5/2018, ông Nguyễn Hồng Linh đã hết nhiệm kỳ giữ chức vụ Tổng giám đốc. Từ ngày 28/6/2018, ông Ngô Quế Lâm chính thức trở thành Tổng giám đốc Habeco; ông Đỗ Xuân Hạ rời ghế Chủ tịch HĐQT và người thay thế ông là ông Trần Đình Thanh.

Cho thời điểm này, ông Trần Đình Thanh và ông Ngô Quế Lâm vẫn là những người đứng đầu Habeco.

Và thực tế cho thấy, sau khi “thay tướng”, Habeco vẫn giậm chân tại chỗ trong việc thoái vốn Nhà nước.

Sabeco tăng gấp đôi lợi nhuận – Habeco giảm 48,7% lãi, tài sản “bốc hơi” hàng nghìn tỷ

Sau hơn 5 năm – quãng thời gian đủ dài ngồi “ghế nóng” Habeco, Chủ tịch Trần Đình Thanh và Tổng giám đốc Ngô Quế Lâm vừa không giúp công ty thực hiện thoái vốn Nhà nước vừa khiến tài sản công ty “bốc hơi” tỷ đồng.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Tài sản tại Habeco chỉ còn 7.233 tỷ đồng, giảm 2.379 tỷ đồng, tương đương 24,8% so với năm 2017 – thời điểm ngay trước khi ông Thanh và ông Lâm bắt đầu “triều đại” của mình tại Habeco.

Tài sản Habeco đi lùi khi doanh thu và lợi nhuận của công ty cùng hao hụt đáng kể.

Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của Habeco chỉ đạt 8.525 tỷ đồng, giảm 1.317 tỷ đồng, tương đương 13,4% so với năm 2017, lợi nhuận sau thuế giảm 155 tỷ đồng, tương đương 23,6% xuống chỉ còn 503 tỷ đồng.

Không phải đến “triều đại” ông Thanh – ông Lâm Habeco mới suy giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh. Trước đó, ở “triều đại” ông Hạ – ông Linh, Habeco cũng liên tục “cài số lùi”.

Tính chung sau 10 năm, Habeco chứng kiến tài sàn giảm 628 tỷ đồng, tương đương 8%, Doanh thu giảm 394 tỷ đồng, tương đương 4,4%, lợi nhuận sau thuế giảm 478 tỷ đồng, tương đương 48,7%.

Trong khi đó, trong cùng thời kỳ, Sabeco lại có sự đi lên mạnh mẽ. Sau 10 năm, tại ngày 31/12/2022, Tài sàn của Sabeco đạt 34.465 tỷ đồng, tăng 16.740 tỷ đồng, tương đương 94,4%; doanh thu tăng 10.108 tỷ đồng, tương đương 40,2% lên 35.236 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 2.714 tỷ đồng, tương đương 97,4% lên 5.500 tỷ đồng.

Có thể thấy, sau 10 năm, lợi nhuận tại Sabeco tăng gấp đôi còn tại Habeco giảm 50%.

Theo Thùy Chi/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/habeco-i-ach-khong-thoai-noi-von-nha-nuoc-tai-san-boc-hoi-2379-ty-dong-post140510.html