QC 1
Thứ 7, ngày 18/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hậu COVID-19 có nguy hiểm không?

Nhiều BN F0 sau khi khỏi bệnh gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu, đi lại “như trên mây”. Có nhóm người lại bị kém tập trung, nhớ nhớ quên quên điều vừa diễn ra, trong khi một số trường hợp bị hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, kèm theo đó là tình trạng nghẹn, khó thở, trào ngược dạ dày.

Phòng khám Hậu COVID, bệnh viện Đa khoa Đức Giang đi vào hoạt động từ ngày 22/1 đến ngày 9/2 đã tiếp nhận khoảng 120 bệnh nhân tới khám.

BS Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp cho biết, “Bệnh nhân tới khám với các triệu chứng hậu Covid chủ yếu là liên quan đến hệ hô hấp (ho, khàn giọng, khó thở, hụt hơi, đau tức ngực), hoặc toàn thân (mệt mỏi, giảm năng lượng, sương mù não, khó tập trung), hoặc các triệu chứng tâm lý (lo âu, căng thẳng, stress, mất ngủ)”.

Tương tự, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga – Bộ Quốc phòng, chia sẻ: Trong quá trình tư vấn, bác sĩ đã gặp các F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng sau khi khỏi bệnh có thể gặp một số biểu hiện như bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ.

Lý giải nguyên nhân vì sao khi đang dương tính bệnh nhân thấy bình thường nhưng khỏi rồi lại rất mệt mỏi, chân tay yếu…, BS Hoàng cho biết: Do lúc đầu, tình trạng viêm chưa lan tỏa toàn thân mà còn khư trú ở một số cơ quan trên cơ thể. Sau đó, tình trạng viêm dù nhẹ nhưng lan tỏa toàn thân, kết hợp với tình trạng rối loạn đông máu ở các mạch máu nhỏ khiến cơ thể có những triệu chứng trên đây, dù người bệnh đã âm tính cả tháng. Điều này có nghĩa là, tình trạng viêm có thể đã diễn ra từ khi bệnh nhân dương tính nhưng không biểu hiện rầm rộ mà khi âm tính rồi mới “phát tác”.

Ngoài ra, trong giai đoạn cấp khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch phải “gồng lên để chiến đấu” với virus, huy động toàn bộ cơ thể “xung trận”, nhưng sau đó hậu quả là, cơ thể bị kiệt quệ năng lượng.

Tình trạng viêm toàn thân lan tỏa này khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm. Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân vẫn còn. Trên các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông có thể gây ra những nguy cơ như đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi… còn trên các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức giảm đi.

Hai vấn đề này (viêm toàn thân và rối loạn đông máu) ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, gây ra tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu não. Lúc này khả năng điều chỉnh đường máu, điện giải (như natri, kali, clo, magie…) khiến khả năng co bóp của cơ, khả năng dẫn truyền thần kinh suy giảm, nên bệnh nhân cảm thấy tay chân yếu, sức lực giảm, không còn sung sức như trước.

Từ những triệu chứng và một số nguy cơ có thể gặp phải ở bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, BS Hoàng khuyên những người xuất hiện triệu chứng hậu Covid-19 điều chỉnh chế độ ăn uống, cố gắng vận động nhẹ nhàng, kiên trì, phù hợp sức khỏe; dùng những loại thuốc hỗ trợ như vitamin, khoáng chất…

Ngoài ra, các biện pháp tâm lý cũng rất quan trọng. “Nếu được điều trị tốt, các triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh thực vật sẽ ổn định sau khoảng 3 – 4 tuần” -BS Hoàng cho biết.

Theo PV/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/hau-covid-19-co-nguy-hiem-khong-post117958.html