QC 1
Thứ 7, ngày 29/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Khi nào cổ phiếu POM của Thép Pomina thoát án hạn chế giao dịch?

Bị hủy niêm yết trên HOSE và phải về lại thị trường UPCoM, cổ phiếu POM còn mang theo án hạn chế giao dịch…

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu cuối tuần qua (24/5), cổ phiếu POM của Công ty CP Thép Pomina tăng kịch trần (39,29%) lên mức 3.900 đồng/cổ phiếu với hơn 9 triệu cổ phiếu được sang tay và còn dư mua giá trần gần 1 triệu đơn vị.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc chuyển niêm yết gần 280 triệu cổ phiếu POM từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sang sàn UPCoM kể từ ngày 23/5/2024 với lý do đơn vị chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán trong 3 năm liên tiếp. Ngày 23/5, cổ phiếu POM không xuất hiện giao dịch.

Theo quy định, biên độ phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM là 40%, tuy nhiên phiên 23/5 mã này không có giao dịch nên đã tạo điều kiện để POM có phiên tăng mạnh ngày 24/5.

Một thông tin cũng không mấy “vui vẻ” với các cổ đông Pomina là việc cổ phiếu POM đã bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch. Theo đó, cổ phiếu POM sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Phản hồi lại quyết định đưa cổ phiếu POM vào diện hạn chế giao dịch của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 22/05, Công ty CP Thép Pomina cho biết, năm 2021, khi dịch bệnh bùng nổ cũng là giai đoạn Pomina đang xây dựng dự án lò cao dẫn đến dự án bị kéo dài thời gian lắp đặt, chạy thử, chuẩn bị đi vào hoạt động. Đại dịch Covid-19 gây phát sinh nhiều chi phí khiến cho vốn đầu tư dự án tăng lên rất nhiều so với dự toán ban đầu.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và chính sách zero Covid của Trung Quốc, toàn nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng, ngành bất động sản đóng băng khi nguồn huy động vốn bị siết chặt, lãi suất vay tăng mạnh, tình hình lạm phát kèm theo các chính sách thắt chặt tiền tệ khiến cho Pomina vừa phải cắt giảm sản lượng sản xuất, vừa bị bào mòn lợi nhuận dẫn đến vốn lưu động bị âm.

Trước tình hình khó khăn đó, Pomina phải sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp. Vì vậy, việc thu thập thông tin, đối chiếu tài liệu, xác nhận công nợ, đàm phán với nhà cung cấp để được giãn hoãn các khoản thanh toán đã làm mất rất nhiều thời gian cho việc kiểm toán BCTC của Pomina.

Dù tiến trình tái cấu trúc của Pomina đến thời điểm này tuy có chuyển biến tích cực nhưng cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến quy định pháp lý, sự thận trọng của nhà đầu tư, các điều kiện tiên quyết được đưa ra. Cụ thể, việc chuyển nhượng cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đã bị vướng bởi tỷ lệ chuyển nhượng không vượt quá 50% theo quy định của UBCKNN. Quy định này đã không thể đáp ứng theo yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài như thoả thuận ban đầu với Pomina theo tỷ lệ chuyển nhượng 51% cổ phiếu, buộc Pomina phải xoay qua tìm cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư trong nước.

Trong thời gian qua, Pomina cũng đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 01/03/2024 để xin cổ đông thông qua cho phép Pomina được chuyển nhượng một phần tài sản hợp tác với nhà đầu tư thông qua pháp nhân mới và thông qua điều chỉnh tăng vốn đầu tư dự án, đã được cổ đông đồng thuận thông qua.

Đây là cơ sở để Pomina làm việc với các nhà đầu tư trong kế hoạch tái cấu trúc cũng như cung cấp cho kiểm toán xem xét đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục thông qua các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn lưu động.

Vì vậy, Pomina đang tích cực đẩy nhanh tiến độ làm việc với nhà đầu tư sớm có bản thỏa thuận hợp tác đầu tư để cung cấp cho công ty kiểm toán. Do đó, đến nay Pomina chưa thể phát hành được báo cáo tài chính. Hiện công ty đang trong giai đoạn cuối cùng với nhà đầu tư và công ty kiểm toán để khẩn trương hoàn thiện BCTC năm 2023 nên sẽ công bố ngay sau khi hoàn tất chậm nhất 20/6/2024.

Đồng thời Công ty đã và đang nỗ lực để có đầy đủ các tài liệu báo cáo ĐHĐCĐ thường niên dự kiến sẽ tổ chức đại hội trong thời gian sớm nhất.

Theo Linh Đan/ Kinh Tế Chứng Khoán