QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương nhìn từ hình mẫu các “con rồng”

Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) được ví như 4 “con rồng” châu Á với giai đoạn phát triển thần tốc từ 1960-1990.

Với mức tăng trưởng hai con số, các nền kinh tế này cũng lần lượt dắt tay nhau tham gia vào hàng ngũ các quốc gia giàu có nhất thế giới. Kinh tế Châu Á cũng nhờ đó mà có sự “thay da đổi thịt” và tìm được chỗ đứng trên trường quốc tế.  

Theo đó Hàn Quốc và Đài Loan là những trung tâm sản xuất linh kiện điện tử, ô tô cũng như công nghệ lớn của thế giới thì Hong Kong và và Singapore là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu. 4 ‘con rồng’ châu Á trở thành hình mẫu lý tưởng, để lại nhiều “di sản” cho các nước đang phát triển noi theo, bao gồm cả Việt Nam. Trước khi bước sang năm mới, cùng nhìn lại nền kinh tế châu Á nhưng thông qua sự lớn mạnh và thành tựu mà các nền kinh tế này đạt được. 

Sự diệu kỳ của Châu Á 

Chỉ trong vòng 3 thập kỷ tính từ những năm 1980, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã từng bước vượt qua đói nghèo, bất ổn chính trị và thất nghiệp để trở thành những đầu tàu kinh tế của châu Á. Điều này còn được ví như điều kỳ diệu của thế kỷ XX.  

Đầu tiên ta phải nhắc Hàn Quốc với “Kỳ tích sông Hán” và thời kỳ công nghệ hóa thần tốc của Hàn Quốc diễn ra từ giai đoạn giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. Hàn Quốc chỉ mất một nửa thời gian để chuyển mình từ nước nông nghiệp lạc hậu trở thành cường quốc nông nghiệp so với các quốc gia khác. Đây cũng là quốc gia châu Á thứ hai trong lịch sử có nền kinh tế đạt tới ngưỡng phát triển, chỉ sau Nhật Bản.

Hàn Quốc sở hữu nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai. 

Trước đó Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người vỏn vẹn 64 USD/năm. Đến năm năm 2022, GDP của Hàn Quốc ước tính là 1,6733 nghìn tỷ USD, đứng thứ 13 trên thế giới. Thậm chí năm 2018, GDP của Hàn Quốc đã lọt vào top 10, đứng thứ 4 châu Á.  

Năm 2020, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng cao thứ ba trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, kết quả khả quan nhất trong số các nước phát triển nhóm G20. Ngoài ra, đất nước này đứng thứ 6 thế giới về dự trữ ngoại hối, và đứng thứ 2 về ngành công nghiệp đóng tàu với hai nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu là Samsung Electronics và Hynix chiếm gần 50% thị trường toàn cầu.

Chính những cải cách mạnh mẽ khiến Hàn Quốc trở thành một cường quốc về công nghiệp và dịch vụ. So với 3 con rồng khác, không ngoa khi nói Hàn Quốc chính là anh cả. 

Tiếp đến là Đài Loan với sự lớn mạnh sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1999. Trong khi cả thế giới đang lao đao thì Đài Loan nhanh chóng hồi phục với GDP tăng 11% năm 2010 và 5% trong năm 2011. Nhiều tên tuổi lớn hàng đầu của thế giới như TSMC là ông vua ngành bán dẫn. Foxconn là ông trùm chế tạo smartphone. China Steel thuộc top đầu ngành thép đều nằm trong tay Đài Loan. Ngoài ra, Đài Loan còn nổi tiếng với cơ khí chính xác, 3Dm robot, trí tuệ nhân tạo đi kèm hệ thống sinh thái phụ trợ sống động. 

Đài Loan là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. 

Đài Loan vẫn là một trong số hiếm hoi các nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới bị thiệt hại nặng nề vì Covid-19.

Cùng chung cảnh ngộ đi lên từ chiến tranh và chia cắt, 10 năm kể từ khi trở về với Trung Quốc Hong Kong phải đối mặt nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó chính quyền Đặc khu Hong Kong đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp kiềm chế sự xuống dốc của kinh tế. Dần dần từ quý hai năm 1999, kinh tế Hong Kong đã được hồi phục, năm 2000, GDP của Hong Kong đã tăng trưởng 10,2%. 

Kinh tế Hồng Kông hiện nay theo GDP danh nghĩa ước tính đạt mức 373 tỷ USD, tuy không được xếp hạng chính thức nhưng vẫn là nền kinh tế lớn trong top 30 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 48,517 USD/người, xếp trong top 20 toàn cầu.

Cho đến năm 2016 tổng sản phẩm quốc nội của Hong Kong đạt 320 tỷ USD, tăng 81% so với năm 1997. Năm 2016, Hong Kong cũng trở thành thực thể kinh tế thương mại mậu dịch lớn thứ 7 toàn cầu. Hơn 700 công ty, tập đoàn tầm cỡ thế giới đặt trụ sở ở Hong Kong. Trong vòng 28 năm liên tiếp. Hong Kong luôn giữ vững vị trí nền kinh tế tự do nhất thế giới. Vị thế của Hong Kong với tư cách là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới ngày một được khẳng định. 

Cuối cùng là con rồng duy nhất không thuộc khu vực Đông Bắc Á, Singapore từ quốc gia phải đi nhập khẩu nước sạch vì lượng mưa quá thấp đã vươn mình trở thành một trong số các quốc gia giàu có nhất thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, tổng tài sản đến năm 2023 của Singapore vào khoảng 1,766 nghìn tỷ USD. Có thể nói từ nửa sau thế kỷ 20, Singapore  đã dần trở thành quốc gia phát triển bậc nhất Đông Nam Á về mọi mặt. 

Những năm 1960, 1,3 triệu dân Singapore sống tại các khu đất lấn chiếm, chưa kể đến hàng ngàn người khác phải sống trong khu nhà ổ chuột và các tòa nhà cũ đã xuống cấp. Singapore liên tục thay đổi và phát triển để khẳng định bản thân trong vòng xoáy tăng trưởng kinh tế của thế giới. Vào giữa những năm 1960 và 1970, Singapore đã trở thành một trung tâm sản xuất chi phí thấp. Sau đó, đảo quốc tiến hành chuyển dịch cơ cấu vào ngành công nghiệp điện tử và sản xuất linh kiện bán dẫn khi các trung tâm sản xuất chi phí thấp khác ở châu Á bắt đầu xuất hiện.

Trong thời gian 1960 – 2014, GDP Singapore tăng từ 0,7 tỷ USD lên tới 307,86 tỷ USD, tức tăng gần 440 lần; GDP đầu người từ 428 tăng lên tới 56.264 USD (số liệu của Singapore Department of Statistics), luôn là một trong 10 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Bình quân GDP tính trên đầu người của Singapore luôn nằm trong top 5 thế giới lên đến mức 55.000 USD/người (chỉ đứng sau 2 quốc gia là Qatar và Luxembourg). Đây cũng là một trong số các quốc gia có ít tham nhũng nhất trên thế giới với môi trường pháp lý nổi tiếng minh bạch. 

Cần nói thêm rằng, Singapore có dân số thua kém nhiều thành phố của các nước khác nhưng sở hữu nền kinh tế mở, năng động bất nhất thế giới. Từ giữa thập niên 80 trở lại đây Singapore là trung tâm tài chính thứ tư của thế giới sau New York, London và Tokyo. Singapore được ví như “con đại bàng tài chính phương Đông”, trung tâm dịch vụ, thương mại và là thị trường trao đổi ngoại tệ bậc nhất toàn cầu. Trên trường quốc tế, tiếng nói của đảo quốc nhỏ bé được đánh giá chẳng thua kém bất cứ cường quốc nào. 

Sự lớn mạnh của Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan từng khiến thế giới phải nói chuyện nhiều về cách mà họ thay đổi cả một nền kinh tế để đi lên trở thành các ông lớn của thế giới. Nhìn sâu vào các số liệu kinh tế, ta sẽ thấy rõ cách những thành tựu và kết quả vượt bậc mà các quốc gia này đạt được. 4 nền kinh tế có dân số khác nhau, cơ cấu kinh tế khác nhau, hệ thống chính trị khác nhau, xương sống khác nhau nhưng vẫn có rất nhiều điểm chung. Họ cùng thuộc nhóm cởi mở nhất thế giới, có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp và cùng chung chuyện câu chuyện “cổ tích giữa thời hiện đại”. 

Hong Kong là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới.

Mặc dù thời đại của 4 “con rồng” châu Á được cho là đã qua nhưng sức mạnh đáng gờm và vai trò quan trọng trong thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung vẫn còn nguyên. Hàn Quốc tiếp tục nắm giữ vị thế quốc mắt xích quan trọng bậc nhất của chuỗi cung ứng – sản xuất hàng hoá cao cấp toàn cầu, đặc biệt là với ngành điện tử và chất bán dẫn. Hồng Kông và Singapore trở thành cảng thương mại và trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới. 

“Kinh nghiệm xương máu” dành cho Việt Nam 

Với Việt Nam tham vọng “hóa rồng” dường như vẫn còn rất cháy bỏng, bởi lẽ về nguồn lực con người, nguồn lực xã hội và ý chí chính trị, xét ở tiềm năng, không thể nói Việt Nam có gì thua kém. Do đó việc Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành một “con rồng châu Á” là điều không quá viển vông. Đặc biệt khi mới đây dự báo cả năm tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,8% năm 2023 (theo ADB dự báo tháng 9/2023), cao nhất khu vực Đông Nam Á. 

2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn và biến động, Việt Nam dù nhận được nhiều tín hiệu tích cực nhưng cũng sẽ gặp phải không ít trở ngại. Những lúc này ta có thể nhìn lại đàn anh đi trước, nhìn về hình mẫu các con rồng châu Á và đúc kết nhiều bài học quý báu.  

Theo giáo sư Layne Hartsell tại Viện châu Á, các yếu tố như đầu tư quốc tế, phát triển công nghệ, lực lượng lao động trong nước và hệ thống chính sách xã hội là chìa khóa giúp một nền kinh tế bật lên vị thế hàng đầu. Đối chiếu với 4 “con rồng” châu Á ta có thể nhận thấy rõ điều đó. 

Trở về quá khứ, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia phát triển tránh được suy thoái kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Điều này đạt được là từ tháng 6/1989, một hội đồng Hàn Quốc bao gồm các quan chức chính phủ, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cùng nhau lập kế hoạch sản xuất đối với các sản phẩm trong mảng vật liệu mới, kỹ thuật điện tử, điện tử, hóa học, hàng không vũ trụ và cơ điện tử, bao gồm robot công nghiệp. Sự bứt phá về khoa học và công nghệ chính là điểm mấu chốt giúp Hàn Quốc đạt đến tăng tốc thần kỳ. 

Ngoài ra Hàn Quốc là quốc gia từng sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài rất hiệu quả. Thực hiện chính sách tăng trưởng trong đó xuất khẩu là chủ đạo và chính sách công nghiệp theo từng thời kỳ. Với một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, Việt Nam có thể học tập cách phân phối theo khu vực kinh tế, quản lý dòng vốn và giám sát các dự án thực hiện dựa trên nguồn vốn viện trợ. Hàn Quốc tập trung nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp lớn hoàn toàn định hướng xuất khẩu. 

Xuất khẩu cũng là khía cạnh được các “con rồng” châu Á xem trọng. Singapore là một ví dụ với chiến lược xuất khẩu rất thông minh với một lộ trình rõ ràng, đi từ xuất khẩu nguyên liệu, khoáng sản, sang xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng lao động lớn, và cuối cùng là xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.  

Cũng giống như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan với xuất phát điểm là nền kinh tế nghèo về tài nguyên đã tiến hành đẩy mạnh công nghệ cao. Xuất khẩu trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển. Khởi đầu Đài Loan chỉ xuất khẩu hạn hẹp chủ yếu chỉ là chuối và đường sau đó tiến sâu vào thị trường thế giới với giày dép, thiết bị gia dụng, tivi, bảng mạch in,… Chìa khóa mở ra cơ hội tăng trưởng cho Đài Loan chính là khu vực kinh tế tư nhân được coi trọng, được xem là trụ cột của kinh tế thay vì khu vực công. Bài học này được Hàn Quốc học tập ứng dụng vào đề án cải cách sâu rộng kinh tế những năm 1960 khi khu vực tư nhân được phép trở thành đầu tàu dẫn dắt tiến trình công nghiệp hóa.

Singapore luôn nằm trong top các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Một đặc điểm chung có thể thấy trong quá trình phát triển thần tốc của 4 “con rồng” châu Á chính là chú trọng vào giáo dục và thu hút nhân tài. Singapore là ví dụ cụ thể nhất với nền giáo dục được đánh giá hàng đầu thế giới. Tập trung giáo dục cho các thế hệ để có được kiến thức sâu rộng, thúc đẩy đào tạo tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ thông dụng tiện cho tiếp cận thị trường toàn cầu. 

Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói, “Tôi không cho phép bất kỳ thành viên gia đình nào không có tài năng được giữ chức vụ quan trọng, bởi đó sẽ là thảm họa đối với Singapore và di sản của tôi”. Cố thủ tướng đã ban hành hàng loạt chính sách giáo dục, trong đó có sử dụng tiếng Anh bắt buộc trong trường học – một quyết định cực kỳ nhạy cảm tại một quốc gia đa dạng về sắc tộc như Singapore.

Tại Đài Loan, giáo dục nghề tại đã được triển khai từ trường trung học kỹ thuật, cao đẳng kỹ thuật cho tới các trường đại học công nghệ và khoa học. Cứ gần 5 sinh viên trong số 10 sinh viên trung học là đăng kí vào trường cao đẳng nghề. Triển khai chương trình “Thúc đẩy người lao động và nuôi dưỡng tài năng” nhằm xây dựng một đội ngũ doanh nhân Đài Loan cốt lõi xứng tầm quốc tế; thu hút nhân tài quốc tế tới Đài Loan nhằm phát triển nước này. Tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học và tổ chức công nghiệp quốc tế, hỗ trợ hệ sinh thái của các doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Hàn Quốc cũng dành 20% chi tiêu của chính phủ dành cho giáo dục, đa dạng mô hình đào tạo. Nội dung giáo dục tập trung vào phát triển khoa học công nghệ và kiên định mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục với kế hoạch và tầm nhìn xa, cử người giỏi ra nước ngoài học tập làm chủ công nghệ. 

Từ hình mẫu của 4 “con rồng” châu Á, Việt Nam cũng đã có những hướng đi đúng đắn như đẩy mạnh xuất khẩu, mở cửa nền kinh tế và quan tâm đến giáo dục nước nhà. Ta cũng đang cùng lúc thực hiện hành trình kép, vừa phát triển công nghiệp hóa đất nước hướng tới tính tự chủ, tự cường lại vừa đi tắt, đón đầu hướng tới nền kinh tế tri thức sáng tạo hơn, bắt kịp xu thế hàng đầu của thế giới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Nhìn nhận và đúc kết bài học kinh nghiệm từ các nền kinh tế lớn của châu Á, cụ thể là Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan là những gì Việt Nam đã và sẽ làm trong tương lai. 

Việt Nam đang cất cánh và vẫn chưa mất cơ hội để hóa rồng. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thiên tai nghiêm trọng diễn ra trong năm 2023 sẽ phần nào cản bước Việt Nam trên con đường phía trước. Khó khăn nhưng không thể tuyệt vọng, với sự chung sức của toàn xã hội, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước nền kinh tế sẽ lần lượt vượt qua bao trùm khó khăn và sớm ngày hiện thực giấc mơ “hóa rồng”. 

Theo Nhật Hạ/Kinh tế Môi Trường