QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãi suất chỉ từ 5,6%/năm: Vay trả nợ ngân hàng khác không hề dễ dàng

Với mức lãi suất chỉ từ 5,6%/năm, việc vay vốn để trả nợ tại các ngân hàng khác là cơ hội cho những người đi vay đang phải gánh mức lãi suất cao. Nhưng việc này cũng không dễ dàng do khoản lãi phạt đắt đỏ và thủ tục không hề đơn giản.

Đua cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất thấp

Gần đây, thông tin nhiều ngân hàng cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất thấp chỉ từ 6%/năm thu hút được sự quan tâm của nhiều người trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Nhiều khách hàng đang chịu mức lãi suất vay từ 12-17%/năm.

Động thái này diễn ra ngay sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/9.

Trước đây, nếu muốn đảo nợ, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ. Nhưng từ 1/9, các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác.

Khách hàng có thể dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại ngân hàng khác hoặc tiền gửi, bất động sản của khách hàng hoặc người thân, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu. Đặc biệt, quy định này không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có cả vay mua nhà, mua xe.

Một số ngân hàng bắt đầu tung ra các chương trình cho vay mới từ đầu tháng 9 nhằm phục vụ khách muốn trả nợ ngân hàng khác. Thời gian cho vay của nhiều ngân hàng kéo dài tới 30 năm, điều kiện là không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông báo, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm.

Theo đó, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6% (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7,5%/năm (đối với vay tiêu dùng). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Còn BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung dài hạn (từ 12 tháng trở lên) và mức cho vay 100% dư nợ gốc còn lại. 

Sau khi 3 “ông lớn” trong nhóm Big4 tung ra chương trình ưu đãi, một số ngân hàng cổ phần đã công bố mức lãi suất hấp dẫn để thu hút người đi vay chuyển khoản nợ cũ.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng. 

Techcombank cũng đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm. 

Chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác có dễ dàng?

Với việc vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, người dân có thể được hưởng lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khó có việc khách hàng ào ạt chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác do các ngân hàng cũng sẽ cố gắng giữ lại khách hàng tốt bằng việc cạnh tranh giảm lãi suất, các chương trình ưu đãi. Hơn nữa, việc này cũng không dễ dàng do khoản lãi phạt đắt đỏ và thủ tục không hề đơn giản.

Ở hầu hết ngân hàng, trong khoảng 5 năm đầu khoản vay khi khách hàng trả nợ gốc sẽ phải trả phí trả trước hạn từ 0,5-3%/số tiền trả nợ trước hạn. Do đó, nếu tất toán khoản vay trước hạn, ngoài các chi phí phát sinh cho khoản vay mới, khách hàng sẽ phải trả thêm phí trước hạn từ 0,5-3%, tất cả các chi phí này cũng sẽ làm tăng thêm từ 1-4% lãi suất khoản vay (tính trên năm đầu tiên khoản vay).

Hơn nữa, khi muốn thực hiện vay mới, khách hàng sẽ phải chịu phí thẩm định tài sản, phí giải chấp sổ đỏ, phí công chứng tài sản, phí đăng ký thế chấp tài sản, hợp đồng bảo hiểm mới… Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ.

Anh Quang Anh (Hà Nội) chia sẻ anh vẫn chưa vội chuyển vay ngân hàng khác vì dù vay ngân hàng mới với lãi suất thấp ưu đãi năm đầu nhưng cộng thêm chi phí tất toán, phí trả trước hạn, chi phí thực hiện khoản vay mới… lãi suất thực cũng đã nhảy vọt lên 10-11%/năm.

Thêm nữa, để vay mới, khách hàng phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian. Khách hàng sẽ phải tiến hành lại toàn bộ thủ tục vay vốn ở ngân hàng mới, đôi khi khắt khe hơn ngân hàng cũ và có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn vay của ngân hàng đó, bởi khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng sẽ khác nhau. 

Ngoài ra, để được phê duyệt vay từ phía ngân hàng mới, khách hàng vay cũng thực sự phải là khách hàng tốt với lịch sử trả nợ đúng hạn, có nguồn thu nhập đủ thực hiện các nghĩa vụ nợ và tài sản bảo đảm tốt.

Có thể thấy, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác không thực sự dễ dàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định mới này sẽ thúc đẩy các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để nâng cao sức cạnh tranh. Các ngân hàng phải công khai minh bạch về thủ tục, lãi suất, về phí cũng như làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, tư vấn, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Còn người vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác.

Theo Minh Dũng/Vietnam Finance

Nguồn: https://m.vietnamfinance.vn/lai-suat-chi-tu-56nam-vay-tra-no-ngan-hang-khac-khong-he-de-dang-20180504224288617.htm