QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Làm sao để quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán?

Đầu tư chứng khoán cũng như mọi khoản đầu tư khác, đều yêu cầu nhà đầu tư cần có kiến thức, kinh nghiệm và chiến lược quản trị rủi ro rõ ràng để bảo toàn vốn và thu về lợi nhuận tối ưu.

Đầu tư chứng khoán luôn được biết đến là một kênh đầu tư có thể mang về lợi nhuận lớn, tuy nhiên lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao. Vì vậy, nhà đầu tư cần nhận diện những rủi ro, quản trị rủi ro thật tốt để trang bị cho mình một kế hoạch đầu tư hiệu quả.

Những rủi ro chực chờ

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán đến từ nhiều yếu tố khác nhau như lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tình hình tài chính… Chủ yếu có 2 loại rủi ro chính là rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống. 

Rủi ro hệ thống hay còn gọi là rủi ro thị trường, đây là những rủi ro không đến từ ngành công nghiệp hay doanh nghiệp, mà rủi ro này đến từ những yếu tố bên ngoài như chiến tranh, lạm phát, sự kiện kinh tế và chính trị… Điều này tác động đến toàn thị trường, nhà đầu tư mua cổ phiếu ngành nào thì cũng không thể tránh khỏi loại rủi ro này. Trong rủi ro hệ thống, có thể nhận diện 4 loại đó là rủi ro giá hàng hóa, rủi ro mô hình, rủi ro thanh khoản, rủi ro lạm phát và rủi ro lãi suất.

Với rủi ro giá hàng hóa, giá cả hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu. Khi giá hàng hóa thay đổi sẽ tạo nên những biến động và rủi ro khi đầu tư vào các cổ phiếu của loại hàng hóa đó.

Về rủi ro mô hình, việc xây dựng mô hình sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kỹ thuật thị trường. Tuy nhiên, thị trường lại biến động không theo quy tắc nhất định, vì vậy nó dễ tạo ra các rủi ro chứng khoán.

Một rủi ro khác là rủi ro thanh khoản, rủi ro thanh khoản là rủi ro phát sinh khi thiếu khả năng chi trả tại một thời điểm nào đó, rủi ro xảy ra khi điều kiện giao dịch thay đổi. Cụ thể, số lượng chứng khoán càng lớn thì khả năng thanh khoản và đặt lệnh sẽ càng cao. 

Cuối cùng là rủi ro lạm phát và rủi ro lãi suất, loại rủi ro này được tạo ra bởi sự chênh lệch của lãi suất trái phiếu chính phủ làm đồng tiền bị mất giá và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà đầu tư. Giá trị của đồng tiền thay đổi bởi lạm phát, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà đầu tư trong tương lai. 

Về rủi ro phi hệ thống, đây là những rủi ro đặc trưng của từng ngành, từng doanh nghiệp riêng lẻ, nó có sức ảnh hưởng nhất định đến đối tượng doanh nghiệp hay công ty và những nhà đầu tư đặt tiền vốn đến các doanh nghiệp này. Có 5 loại rủi ro trong đầu tư chứng khoán của rủi ro phi hệ thống như: rủi ro truyền thống, rủi ro xếp hạng, rủi ro pháp lý, rủi ro lỗi thời, rủi ro kiểm toán.

Rủi ro truyền thông phát sinh khi doanh nghiệp phải đối mặt với những sự kiện xấu, việc truyền thông xấu từ nhiều phía hoặc sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng tới thương hiệu cũng như giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Về loại rủi ro xếp hạng, sự thay đổi, lên xuống thứ hạng giữa các công ty cùng lĩnh vực sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Nhà đầu tư không nắm vững về luật chứng khoán thường đối mặt với rủi ro pháp lý, do luật chứng khoán luôn được điều chỉnh để nâng cao tính minh bạch cho thị trường. Rủi ro lỗi thời là khi doanh nghiệp không bắt kịp xu hướng và thay đổi sẽ khiến lợi nhuận tăng trưởng chậm, bị đối thủ vượt mặt. Điều này dẫn đến giá trị cổ phiếu sẽ bị thay đổi.  Quảng cáo

Cuối cùng là rủi ro kiếm toán, nếu kiểm toán và đánh giá nguồn vốn của doanh nghiệp không được chú trọng sẽ gây thiệt hại cho các hoạt động kinh doanh, đồng thời làm giá cổ phiếu cũng giảm theo.

Những biện pháp quản trị rủi ro

Khi tham gia thị trường, rủi ro là điều luôn hiện diện mà khi tham gia bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ gặp phải, tuy không loại bỏ hoàn toàn được nhưng nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro bằng nhiều cách.

Về vấn đề làm sao để quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán, bà Thái Thị Hồng, Trưởng phòng Cấp cao về Đào tạo và Phát triển của VinaCapital đã nhấn mạnh tại Hội thảo “Đầu tư chứng khoán – Kiểm soát rủi ro, dẫn lối thành công”, các nhà đầu tư chỉ nên đầu tư vào các doanh nghiệp mà mình hiểu rõ (như khách hàng của doanh nghiệp đó, quá trình lịch sử phát triển, về ban lãnh đạo doanh nghiệp…), hạn chế margin và vay vốn vì việc sử dụng đòn bẩy quá cao sẽ có rủi ro rất lớn.

Đồng thời, các nhà đầu tư nên xác định đầu tư dài hạn, kiên nhẫn tập trung theo dõi các mục tiêu trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ về thị trường kỹ lưỡng, việc tìm hiểu kiến thức về những rủi ro trong kinh doanh chứng khoán, các yếu tố ảnh hưởng đến giá, các yếu tố và chỉ số có thể thao túng thị trường là rất cần thiết.

Nhà đầu tư cần chấp nhận 1 khoản lỗ khi cổ phiếu không diễn biến đúng như kỳ vọng ban đầu

Một điều cốt lõi trong quản trị rủi ro là cắt lỗ, nhà đầu tư cần chấp nhận 1 khoản lỗ khi cổ phiếu không diễn biến đúng như kỳ vọng ban đầu. Khi cổ phiếu đang trong một xu hướng giảm và không có bất kỳ một tin tức hay yếu tố nào để củng cố niềm tin giá cổ phiếu sẽ bật tăng trở lại. Vì vậy, lúc này nhà đầu tư cần học cách cắt lỗ để tìm kiếm một cơ hội khác tốt hơn.

Nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, nếu đầu tư quỹ cũng nên đầu tư vào nhiều quỹ khác nhau. Việc đầu tư đa dạng chứng khoán, mã ngành là một trong những cách để giảm thiểu rủi ro phi hệ thống, hạn chế tối ưu các rủi ro về lỗi thời, xếp hàng…tuy vậy, nhà đầu tư cũng không nên đầu tư quá nhiều vào các ngành khác nhau, tập trung phân tích thị trường và lựa chọn cho mình các loại cổ phiếu phù hợp và tiềm năng nhất.

Mặt khác, nên lập kế hoạch tài chính dài hạn, đầu tư theo kế hoạch tài chính của cuộc đời và tuân thủ kỷ luật đầu tư, bình tĩnh và cẩn thận tại những thời điểm thị trường quá sôi động, nhà nhà đều đầu tư chứng khoán.

Cuối cùng là đầu tư thông qua các quỹ chuyên nghiệp, với các phương pháp hạn chế rủi ro, quỹ sẽ đầu tư vào một danh mục nhiều mã chứng khoán thuộc các ngành nghề khác nhau, để tránh những ảnh hưởng của việc tăng hoặc giảm giá của một vài mã chứng khoán.

Các chủ điểm đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2023

Theo công ty quản lý quỹ VinaCapital đánh giá, thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen, có 5 chủ điểm và các ngành đầu tư đáng quan tâm trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, chủ đề đầu tiên là đầu tư hạ tầng, liên quan đến nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng, khu công nghiệp, dầu khí, thứ hai là nhóm các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa như dịch vụ hàng không, xuất khẩu chọn lọc, hàng hóa. Tiếp theo là nhóm ngành liên quan đến chuyển dịch sản xuất toàn cầu như khu công nghiệp, dịch vụ hậu cần, cảng biển.

Nhóm các ngành hưởng lợi từ chính sách nới lỏng, giảm lãi suất như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán chọn lọc cũng nên được chú ý. Cuối cùng là nhóm phòng thủ với cổ tức cao, có mức lợi nhuận ổn định và có thể dự báo như tiêu dùng, công nghệ, điện nước, bảo hiểm, y tế.

Theo Như Quỳnh/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/lam-sao-de-quan-tri-rui-ro-trong-dau-tu-chung-khoan-58393.htm