QC 1
Chủ nhật, ngày 30/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãnh đạo Năng lượng Trường Thịnh nói gì về độ nhạy của cổ phiếu TTE?

Cổ phiếu TTE của Năng lượng Trường Thịnh đang nắm giữ chuỗi giảm dài nhất trên thị trường chứng khoán với 44 phiên liên tiếp mất điểm…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/6, cổ phiếu TTE của Công ty CP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (HOSE) tiếp tục có cho mình thêm một phiên tăng trần (+6,69), đưa thị giá lên mức 13.550 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đây đã là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này, thị giá theo đó tăng 47,8% sau khoảng một tuần, từ 9.170 đồng/cp (kết phiên 10/6) lên mức thị giá hiện tại.

Cùng chiều tăng giá, thanh khoản khớp lệnh của TTE trong các phiên gần đây cũng có sự cải thiện

Cùng chiều tăng giá, thanh khoản khớp lệnh của TTE trong các phiên tăng trần đạt trung bình hơn 3.000 đơn vị mỗi phiên, trong khi giai đoạn trước đó phần lớn các phiên ghi nhận đứng giá và không có thanh khoản.

Giải trình về việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp, công ty cho biết hoạt động kinh doanh ổn định, việc giá cổ phiếu TTE tăng trần là do cung cầu của thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu do các nhà đầu tư quyết định, nằm ngoài kiểm soát của công ty.

Nói thêm về “độ nhạy” của TTE, từ vài năm trở lại đây, trong các phiên giao dịch, chỉ cần từ vài trăm đến vài nghìn đơn vị “sang tay” cũng đủ làm cổ phiếu này tăng hoặc giảm hết biên độ.

Còn nhớ hồi đầu năm 2023, thị trường chứng khoán chứng kiến chuỗi giảm kỷ lục 44 phiên liên tiếp của TTE, đưa thị giá cổ phiếu này từ 12.250 đồng/cổ phiếu mở cửa phiên giao dịch ngày 16/2/2023 về còn 9.090 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4/2023.

Trước đó, từ phiên giao dịch ngày 5/12/2022 đến phiên giao dịch ngày 15/2/2023, cổ phiếu TTE cũng chỉ có đúng 2 phiên tăng điểm vào ngày 13/2/2023 và 15/2/2023, còn lại là chuỗi ngày giảm điểm triền miên.

Theo tìm hiểu, Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh tiền thân là Nhà máy Thủy điện Đăk Ne và được tách ra từ Công ty CP Tấn Phát. TTE được đăng ký lần đầu ngày 21/05/2014 với tên gọi là Công ty CP Thủy điện Đăkne và vốn điều lệ 25.384.000.000 đồng.

Tháng 01/2015, Công ty đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 25.384.000.000 đồng lên 83.384.000.000 đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Tháng 05/2016, ông Hồ Ngọc Dung đã không còn là cổ đông sáng lập Công ty và thay thế là ông Nguyễn Văn Quân. Công ty đã thực hiện thay đổi Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp lần 2 do thay đổi cổ đông sáng lập vào ngày 16/05/2016.

Tháng 06/2016, Công ty đã thực hiện thành công tăng vốn lần thứ 2 nâng mức vốn điều lệ lên 253.904.000.000 đồng, theo hình thức hoán đổi cổ phần lấy phần vốn góp tại Công ty TNHH Trung Việt, nắm giữ 98% Vốn điều lệ của Công ty TNHH Trung Việt qua đó tham gia đầu tư, vận hành và kinh doanh các nhà máy điện Đăk Pia, thủy điện Đăk Bla 1.

Đến tháng 08/2016, Công ty thực hiện trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu và chào bán cho cổ đông hiện hữu nâng mức vốn điều lệ của công ty là 284.904.000.000 đồng. Công ty đã sử dụng nguồn tiền từ việc tăng vốn điều lệ này để mua lại nhà máy Tà Vi vào tháng 12/2016 và chính thức đưa nhà máy vào hoạt động từ tháng 01/2017.

Tháng 08/2017, Công ty hoàn tất đổi tên từ Công ty CP Thủy điện Đăk Ne thành Công ty CP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh. Tình đến thời điểm hiện nay, Đầu tư năng lượng Trường Thịnh đang trực tiếp vận hành 04 nhà máy thủy điện với tổng công suất phát điện là 28,3 MW/h.

Ngày 10/12/2018 là ngày giao dịch đầu tiên TTE giao dịch trên sàn HOSE với giá tham chiếu là 13.500 đồng/cổ phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, thị giá cổ phiếu này đã mất tới hơn 32% so với phiên chào sàn HOSE.

Tại Đại hội thường niên 2024 của TTE vừa qua, cổ đông đã thông qua một nội dung đáng chú ý là việc cho phép Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) nhận chuyển nhượng cổ phiếu dẫn đến sở hữu trên 25% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của TTE mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Danh sách cổ đông dự kiến chuyển nhượng cổ phần cho VPG gồm 11 người, sở hữu lên đến gần 11,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 40,92% vốn tại TTE. Trong danh sách này, đáng chú ý có ông Phương Thừa Vũ – Chủ tịch HĐQT TTE và sở hữu trực tiếp 4,39% vốn, hay ông Nguyễn Bá Cảnh là anh rể của ông Vũ đang sở hữu 1,75% vốn, theo thông tin trên Báo cáo quản trị (BCQT) năm 2023 của TTE.

Giao dịch dự kiến được thực hiện trong năm 2024, thông qua hình thức mua khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Thực tế, vấn đề này đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên việc chuyển nhượng đến nay vẫn chưa thực hiện và tiếp tục triển khai trong năm 2024.

Cũng theo thông tin trong BCQT năm 2023, nội bộ TTE không thiếu những cái tên liên quan trực tiếp đến VPG, điển hình như ông Đinh Xuân Hoàng vừa là Tổng Giám đốc TTE vừa là Phó Tổng Giám đốc VPG. Hay như bà Lê Thị Thu Hường vừa là Thành viên HĐQT độc lập TTE vừa là trợ lý Tổng Giám đốc VPG.

TTE làm ăn “đi lùi”

Năm 2024, với dự báo tình hình thủy văn tiếp tục có xu hướng khó khăn, TTE đặt mục tiêu sản lượng điện đi ngang 124 triệu kwh, do đó doanh thu cũng không thay đổi đáng kể so với năm 2023, khoảng 143 tỷ đồng.

Với kỳ vọng doanh thu tài chính giảm 46%, chi phí tài chính giảm 15% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10%, TTE ước lãi trước thuế gấp 3,7 lần năm 2023, tương ứng gần 17,5 tỷ đồng.

Quý 1 vừa qua, TTE ghi nhận kết quả hơn 34 tỷ đồng doanh thu, hơn 2,8 tỷ đồng lãi trước thuế và hơn 2,4 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 13%, 23% và 25% so với cùng kỳ. Với kết quả này, TTE thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lãi trước thuế đề ra cho năm 2024.

Ngược thời gian về năm 2023, TTE mang về gần 143 tỷ đồng doanh thu và hơn 4,7 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 7% và 82% so với năm 2022, chỉ hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lãi trước thuế năm.

Theo Lưu Lâm/ Kinh Tế Chứng Khoán