QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãnh đạo Tập đoàn EVN nói gì về tình trạng thua lỗ tỷ đô?

Chưa rõ Tập đoàn EVN sẽ khắc phục số lỗ 43.845 tỷ đồng như thế nào, nhưng vẫn xin tăng giá điện. Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN than thở rằng giá bán lẻ điện ở vùng sâu xa chỉ 1.900 đồng/kWh dù giá thành lên tới 7.000 đồng/kWh.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 ghi nhận khoản lỗ sau thuế là 29.107 tỷ đồng; tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt cả số lỗ hơn 20.000 tỷ đồng của cả năm 2022.

Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là gần 30.000 tỷ đồng.

Do liên tục kinh doanh thua lỗ nên tổng số lỗ lũy kế của Tập đoàn EVN đến ngày 30/6/2023 lên tới 43.845 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8 tỷ USD.

Do đó, vốn chủ sở hữu đã giảm gần 13,7% còn 194.456 tỷ đồng.  

Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6 giảm nhẹ còn 437.962 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn 306.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng vay nợ.

Lâu nay, Tập đoàn EVN liên tục báo lỗ rất lớn dù đã nhiều lần đề xuất điều chỉnh tăng giá điện, khiến các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tình trạng “điệp khúc báo lỗ” của ngành điện, gây bức xúc cho doanh nghiệp và người tiêu dùng điện.

Tại Toạ đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới” do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức ngày 26/9, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Đảng, Chính phủ và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ, không chỉ nhiệm vụ kinh tế. Do đó, EVN phải cung ứng đủ điện cho đời sống nhân dân và cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cả thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo…

  Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN

Theo ông Nam, hiện nay tại khu vực vùng sâu, vùng xa, EVN chỉ bán điện với mức giá bán lẻ từ 1.900 đồng/KWh, mặc dù chi phí đầu tư tốn kém khiến giá thành lên tới 7.000 đồng/KWh.

Đó chỉ là một ví dụ về khó khăn mà tập đoàn này đang phải đối mặt. Vì phục vụ cuộc sống người dân là ưu tiên hàng đầu nên tập đoàn chấp nhận việc giá điện bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành.

Năm 2022 là một năm rất khó khăn đối với Tập đoàn do những sự bất ổn địa chính trị ở trên thế giới, ví dụ xung đột Nga – Ukraine, khiến các mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất điện như than, khí, dầu… đều tăng cao, nhất là giá dầu, giá than.

“Có lúc giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn, giá dầu cũng tăng gấp đôi. Điều này khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào cũng tăng theo, gây ra những khó khăn tài chính cho EVN”, ông Nam trần tình và cho biết, sang năm 2023, giá các mặt hàng đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.

Theo lãnh đạo EVN, mặc dù giá điện cũng đã được tăng 3% sau 4 năm nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào khó khăn.

Năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thua lỗ nên EVN không thể trả nợ đúng hạn các ngân hàng. Trong khi lãi suất tăng cao cùng các chi phí tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm với bên cho vay.

Việc này khiến tập đoàn gặp khó trong huy động, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án, đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo.

Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân 2022 không được điều chỉnh kịp thời khiến EVN bị lỗ hơn 36.200 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi các khoản tiết kiệm đầu tư, sửa chữa lớn và tài chính khác, mức lỗ là trên 26.200 tỷ đồng. Do đó, EVN đề nghị Chính phủ, các bộ chấp thuận khoản lỗ hai năm (2022-2023) là do thực hiện chính sách.

 Tính đến 30/6/2023, số lỗ lũy kế của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tới 43.845 tỷ đồng. 

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, EVN mua điện đầu vào theo giá thị trường, nhưng bán ra theo giá mà Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành quy định. Sau 4 năm tập đoàn này mới được tăng 3% giá điện (doanh thu của EVN tăng khoảng 8.000 tỷ đồng sau đợt tăng giá điện này).

“Nếu cộng lạm phát của 4 năm vừa rồi thì việc tăng 3% như thế có đủ để bù lạm phát không?”, ông Kiên đặt câu hỏi và cho rằng, ngoài yếu tố lạm phát, EVN còn phải đối mặt với những rủi ro như chênh lệch tỷ giá, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Dẫn chứng là Nhà nước đi vay nước ngoài để EVN có tiền xây dựng hạ tầng cung cấp điện lúc giá 1 USD chỉ khoảng 16.000 đồng, nhưng bây giờ đã lên hơn 24.000 đồng. EVN đang phải chịu khoản chênh lệch tỷ giá này.

Ngoài ra, trong lúc đại dịch, EVN đã trợ giá điện cho hộ dân với tổng chi phí hơn 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đơn vị bán điện cho EVN vẫn giữ nguyên giá bán và chiết khấu như cũ.

Theo EVN, nếu tình hình thủy văn tiếp tục diễn biến bất lợi, giá các loại nhiên liệu vẫn giữ như hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp thì dự kiến cả năm 2023 EVN sẽ lỗ khoảng 51.468 tỷ đồng. Tổng lũy kế số lỗ của EVN cả năm 2022 – 2023 là gần 78.000 tỉ đồng.
Tập đoàn EVN cho biết nếu tiếp tục thua lỗ, EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền thanh toán. Cụ thể, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì theo tính toán, dự kiến bắt đầu từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền 22.000 tỷ đồng. Trong tháng 7 vừa qua, EVN lại đề xuất tăng giá điện.
Để đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện, hiện EVN đang còn nợ tiền của các đơn vị phát điện. Trong thời gian tới EVN có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.
EVN hiện đang kinh doanh dưới vốn, khi doanh thu 6 tháng năm 2023 là 229.880 tỷ đồng,  nhưng giá vốn lên tới 245.068 tỷ đồng.

Theo Hải Hà/Tạp chí Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/lanh-dao-tap-doan-evn-noi-gi-tinh-trang-thua-lo-ty-do-490733.html