QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Liên tục giảm lãi suất: Ngân hàng âm thầm hưởng lợi, đến thời thu lợi cao

Trước áp lực tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu gia tăng nhưng nhiều ngân hàng vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng lạc quan của ngành. Có một số ngân hàng đặt kế hoach kinh doanh tăng trưởng cao gần 30%, mức thấp cũng tăng15%. Nửa cuối 2023 được dự báo là thời điểm ngân hàng tăng tốc lợi nhuận.

Nửa đầu năm: Tín dụng bế tắc, nợ xấu dâng lên

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2023, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tín dụng 5 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm lại do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản suy yếu, hoạt động sản xuất giảm tốc do sự suy yếu từ các thị trường xuất khẩu chính cũng như lãi suất ở mặt bằng cao làm giảm nhu cầu tín dụng.

Song mặt bằng lãi suất huy động đang giảm khá nhanh và kỳ vọng sẽ tác động làm giảm dần lãi suất cho vay cùng với đó là nền kinh tế có thể phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm 2023. BVSC kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 13% trong năm 2023.

Trong nửa đầu năm 2023, NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần và lãi suất huy động cũng đã giảm nhanh từ mức đỉnh của đầu năm 2023. Điều này giúp cho NIM của các ngân hàng sẽ ổn định lại trong Quý II và có thể tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2023.

Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, người dân cũng như doanh nghiệp tăng quản lý dòng tiền chặt chẽ hơn cũng như gia tăng sử dụng nguồn tiền sẵn có để hạn chế vay vốn đã làm cho tỷ lệ CASA suy giảm, đặc biệt giảm mạnh trong quý I/2023. Trong ngắn hạn, tỷ lệ CASA đang chịu áp lực tuy nhiên khi lãi suất giảm nhiều hơn thì áp lực suy giảm CASA sẽ bớt dần. Cùng với đo,́ tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ cũng như sự thúc đẩy không sử dụng tiền mặt từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì CASA sẽ gia tăng trở lại trong dài hạn.

Chất lượng tài sản của ngành ngân hàng đã có sự sụt giảm trong vài quý vừa qua, đặc biệt suy giảm nhanh hơn trong Quý IV/2022 và Quý I/2023. Áp lực suy giảm chất lượng tài sản vẫn đang tiếp diễn nhưng áp lực này sẽ giảm bớt phần nào nhờ Thông tư 02 cho phép tái cơ cấu các khoản vay. Cùng với đó lãi suất đang hạ nhiệt cũng như nếu nền kinh tế phục hồi lại từ nửa cuối năm thì chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ ổn định và bắt đầu khôi phục trở lại.

Trong khi đó, kết quả khảo sát từ các ngân hàng thương mại mới đây của Vietnam Report cho thấy, hầu hết ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận và đặt kế hoạch kinh doanh một cách thận trọng. Điều này chỉ ra 2023 là năm có nhiều thử thách cho toàn ngành ngân hàng.

Những vấn đề như mặt bằng lãi suất, nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thị trường bất động sản và trái phiếu đóng băng chưa được phản ánh đầy đủ trong kết quả kinh doanh năm ngoái sẽ để lại tác động đáng kể đến hoạt động của ngân hàng trong năm nay.

Tuy nhiên, đi cùng với những thách thức, ngành ngân hàng vẫn có cơ hội cho sự tăng trưởng năm 2023. Trong đó, cơ hội lớn tới từ những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo thống kê của NHNN, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam duy trì ở mức 40%, thuộc những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số.

Hưởng lại lớn từ lãi suất thấp

Chia sẻ tại Hội thảo “Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2023: Thách thức và Cơ hội” do Chứng khoán HSC tổ chức mới đây, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của Chứng khoán HSC, cho rằng cơ hội lớn nhất đối với ngành ngân hàng trong nửa cuối năm là lãi suất. Trong khi đó, thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm là vấn đề nợ xấu.

Theo đó, lãi suất giảm tương đối nhanh và mạnh trong nửa đầu năm, lãi suất điều hành đã thấp hơn giai đoạn trước dịch, lãi suất liên ngân hàng tương đương trước dịch. Việc lãi suất huy động giảm sẽ tác động giảm chi phí vốn của ngân hàng. Xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nửa cuối năm cũng như 2024.

Đánh giá triển vọng của ngành ngân hàng, bà Phạm Liên Hà cho biết HSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 12 – 14% và công ty chứng khoán đang thiên về con số 12%. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức 3%. HSC dự báo chỉ tiêu này đạt 3% trong quý III và 6% trong quý IV, nghĩa là tăng mạnh nhất vào quý cuối năm. HSC ước tính lợi nhuận nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ.

Còn theo Công ty Chứng khoán Guotai Junam Việt Nam, bán lẻ sẽ giữ nhiệt triển vọng cho ngành ngân hàng cuối năm 2023. NIM của các ngân hàng đã chịu áp lực trong ngắn hạn do tác động của việc tăng lãi suất huy động, nhưng thu nhập dịch vụ dự kiến tăng trưởng 30%/năm nhờ động lực tổng hòa từ mảng phí thẻ tín dụng và hoạt động thanh toán.

Theo ước tính, tổng kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của 17 ngân hàng niêm yết trung bình khoảng 13%. Có một số ngân hàng đặt kế hoach kinh doanh tăng trưởng cao như HDBank khoảng gần 30%, còn lại đều khoảng 11-15%.

Có thể thấy, trước áp lực tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu gia tăng, ngành ngân hàng vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng tốt cho thấy dấu hiệu lạc quan của ngành.

Ông Quản Trọng Thành – Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho hay, 4 năm vừa qua, các ngân hàng đã tăng trưởng lợi nhuận tốt, 2 năm gần đây tăng trưởng lợi nhuận trên 30%. Vì thế, trong năm 2023, lợi nhuận của các ngân hàng có thể bị điều tiết lại.

Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh quý III/2023 do Vụ Chức năng của NHNN vừa thực hiện cho thấy, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý II/2023 có cải thiện nhưng tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định “cải thiện” thấp hơn so với nhận định và kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý III/2023 nhưng “tăng” với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán; nhưng vẫn có 11% tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu vay vốn “giảm” trong năm 2023 so với năm 2022.

Tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 tiếp tục ”cải thiện” chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Các tổ chức tín dụng điều chỉnh thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.

Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý III/2023 và tăng 10,6% trong năm 2023, điều chỉnh tăng nhẹ so với mức kỳ vọng 9,2% tại kỳ điều tra trước.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6% so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.

Trong khi đó, BVSC dự báo lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận khoảng 7% trong năm 2023 và tăng trưởng khoảng 17,6% trong năm 2024 dựa trên kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.

Theo Minh Anh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/lien-tuc-giam-lai-suat-ngan-hang-am-tham-huong-loi-den-thoi-thu-loi-cao-20180504224286392.htm