QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lợi nhuận ‘mỏng’, ABBank vẫn cho Công ty họ Geleximco vay tiền để làm du lịch?

Dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm “rơi tự do” và nợ xấu “nhảy dựng” nhưng Ngân hàng ABBank vẫn cho Công ty Vạn Hương, thành viên Tập đoàn Geleximco vay vốn. Đáng chú ý, nguy cơ phá sản tại Vạn Hương ngày càng tăng cao.

Dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm “rơi tự do” và nợ xấu “nhảy dựng” nhưng Ngân hàng ABBank vẫn cho Công ty Vạn Hương, thành viên Tập đoàn Geleximco vay vốn. Đáng chú ý, nguy cơ phá sản tại Vạn Hương ngày càng tăng cao. 

Bức tranh ngành ngân hàng quý II/2022 đang có xu hướng bớt tích cực. Theo đó, nhiều đơn vị chứng kiến các chỉ tiêu kinh doanh đi lùi, còn nợ xấu tiến về phía trước. Điển hình là Ngân hàng TCMP An Bình (ABBank) là một trong những đơn vị có tốc độ giảm lợi nhuận sâu nhất và tốc nợ xấu mạnh nhất. 

Lợi nhuận “rơi tự do”

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, trong kỳ, ABBank ghi nhận Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng nhẹ từ 1.928 tỷ đồng lên 2.682 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng từ 3.621 tỷ đồng lên 5.198 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của ABBank chỉ đạt 52,5 tỷ đồng, giảm 816 tỷ đồng, tương đương 94% so với quý 2/2022 xuống chỉ còn 52,5 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 541 tỷ đồng, giảm 788 tỷ đồng, tương đương 59,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ABBank, nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế quý II/2023 giảm sâu chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng từ việc trích lập dự phòng tín dụng theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN. 

Cụ thể, ABBank đã dành 698 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý II/2023, tăng 524 tỷ đồng, tương đương 301% so với quý 2/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng từ 218 tỷ đồng lên 815 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có một lý do khác mà ABBank không nhắc tới chính là ABBank có Chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng rất mạnh, tăng 953 tỷ đồng, tương đương 100% so với quý 2/2022 lên 1.905 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng tăng từ 1.817 tỷ đồng lên 3.631 tỷ đồng.

Chi phí lãi tăng mạnh hơn rất nhiều so với thu nhập lãi nên Thu nhập lãi thuần tại ABBank giảm từ 976 tỷ đồng xuống chỉ còn 777 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm giảm từ 1.804 tỷ đồng xuống 1.567 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận sau thuế tại nhà băng này lao dốc.

Chi phí lãi tăng mạnh khi ABBank thực hiện chính sách lãi suất huy động rất cao. Hiện tại, trong khi mặt bằng chung lãi suất huy động kỳ hạn dài “thủng” mốc 7%/năm thì tại ABBank, mức cao nhất vẫn là 10,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và có số tiền gửi trên 1.500 tỷ đồng. 

Nợ xấu “nhảy dựng”, cắt giảm nhân sự

Theo đó, trong giải trình về lợi nhuận giảm sau, ABBank chỉ nhắc đến việc ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN. Tuy nhiên, trên thực tế, dự phòng của ABBank tăng vọt khi nợ xấu của ngân hàng này nhảy dựng.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2023, nợ xấu của ABBank là 3.820 tỷ đồng, tăng 1.454 tỷ đồng, tương đương 61,5% so với hồi cuối năm 2022; chiếm 4,55% tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu tăng 57,4% so với con số 2,89% tại ngày 31/12/2022.

Nợ xấu tại ABBank “nhảy dựng” dù tín dụng của ngân hàng tăng trưởng rất chậm. Hồi cuối quý 2/2023, chỉ tiêu Cho vay khách hàng chỉ là 84.020 tỷ đồng, tăng 2.009 tỷ đồng, tương đương 2,45% so với cuối năm 2022.

Phối cảnh tổng thể Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng 

Cùng với nợ xấu gia tăng, ABBank mạnh tay cắt giảm nhân sự. Hồi cuối quý II/2023, tổng số người lao động tại nhà băng này là 4.559 người, giảm 167 người so với cuối năm 2022.

Dù vậy, ABBank vẫn tăng mạnh quỹ lương khi Chi phí lương và phụ cấp 6 tháng đầu năm tăng từ 409 tỷ đồng lên 531 tỷ đồng. Như vậy, trung bình, mỗi người lao động ABBank được trả 116 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 19,4 triệu đồng/người/tháng.

Cho thành viên Geleximco vay tiền để phát triển du lịch?

Có một nghịch lý đang xảy ra tại ABBank, đó là: trong những ngày cuối cùng của quý II/2023 – thời điểm mà bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm đã hiện lên rõ nét, thì ABBank vẫn cấp tập rót vốn cho Công ty CPĐầu tư và Du lịch Vạn Hương (Công ty Vạn Hương), thành viên thuộc tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền. Ông Vũ Văn Tiền cũng đồng thời chính là Phó Chủ tịch HĐQT của ABBank.

Đáng chú ý, tại Công ty Vạn Hương, nguy cơ phá sản đang tăng cao. Cụ thể, 30/6/2023 là ngày Hợp đồng số 0053/23/TC/BB/027 có hiệu lực. Hợp đồng được ký giữa Vạn Hương và ABBank – Chi nhánh TP.HCM. 

Tài sản đảm bảo là “Toàn bộ Quyền tài sản là lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc phân khu X (Zone 10) Dự án KDL Quốc tế Đồi Rồng thuộc khu đất ký hiệu ND-BT76-1 đến ND-BT76-9; ký hiệu ND-BT77-1 đến ND-BT77-13; ký hiệu ND-BT78-1 đến ND-BT78-14; ký hiệu ND-BT79-1 đến ND-BT79-9; ký hiệu ND-BT80-1 đến ND-BT80-9; ký hiệu ND-BT81-1 đến ND-BT81-7 và ND-BT82-1 đến ND-BT82-6 tại địa chỉ phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng; Các khoản phải thu, các khoản phí mà mà Chủ đầu tư (Bên bảo đảm) thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển Dự án; Quyền được nhận số tiền bảo hiểm, số tiền bồi thường mà Bên bảo đảm được nhận, các lợi tức, lợi ích khác thu được từ Dự án và các quyền tài sản khác phát sinh và/hoặc liên quan từ Dự án”.

Trước đó, Hợp đồng 0040/23/TC/BB/052 có hiệu lực trong ngày 29/6/2/2023; Hợp đồng 0033/23/TC/BB/052 có hiệu lực từ ngày 6/6/2023. Cả hai hợp đồng đều được ký kết giữa ABBank – Chi nhánh TP.HCM và Vạn Hương. Tài sản thế chấp cũng là tài sản liên quan đến dự án Đồi Rồng. 

Bên cạnh đó, trước thời điểm ABBank ký hàng loạt hợp đồng tín dụng với Vạn Hương, công ty này đã lộ bức tranh tài chính vô cùng bết bát của năm 2022. Cụ thể, năm 2022, Vạn Hương thua lỗ 5,5 tỷ đồng, giảm sâu so với số lỗ 15,5 tỷ đồng của năm 2021. Tại ngày 31/12/2022, Vạn Hương gánh lỗ lũy kế 31,8 tỷ đồng.

Nhưng điều đáng lo ngại nhất của công ty này không phải thua lỗ mà là nợ quá lớn, lớn tới mức khả năng trả nợ yếu. Theo đó, hồi cuối năm 2022, Vạn Hương ghi nhận Nợ ngắn hạn tăng sốc từ 2.439 tỷ đồng lên 11.639 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn chỉ đạt 2.250 tỷ đồng.

Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Vạn Hương chỉ là 0,19. Theo lý thuyết, hệ số này nhỏ hơn 1 thể hiện “Khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.

Theo Thuỳ Chi/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/loi-nhuan-mong-abbank-van-cho-cong-ty-ho-geleximco-vay-tien-de-lam-du-lich-post136842.html