Bị kẹp giữa chủ đầu tư và các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu, không ít tập đoàn xây dựng đang lâm vào tình cảnh khốn cùng chưa từng thấy trong suốt một thập niên qua.
Cháy thành lây vạ
Trong một cuộc trò chuyện với Đầu tư Tài chính đầu tháng 4/2023, H – trưởng ban một tập đoàn xây dựng lớn, đã buông thõng tiếng thở dài khi nói về tình hình thị trường xây dựng: “Hơn 20 năm trong ngành, chưa bao giờ thấy khó khăn như năm nay”.
Tập đoàn nơi H làm việc chỉ đạt doanh số vài nghìn tỷ đồng trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Nhưng những diễn biến trong quý I/2023 khiến tập đoàn này còn không dám đặt kỳ vọng, bởi thị trường gần như đứng im.
Căn nguyên của tình trạng nêu trên là thị trường bất động sản – nguồn hàng chính của các doanh nghiệp xây dựng – đã suy thoái từ 2020 và chính thức sụp đổ vào quý IV/2022. Điều này khiến đơn hàng xây dựng vốn dĩ đã ít ỏi, do hàng nghìn dự án bị ách tắc pháp lý trong suốt 2 năm qua, lại càng trở nên khan hiếm. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà thầu cũng vì vậy mà tăng cao, tới mức khốc liệt. Các nhà thầu đua nhau cạnh tranh bằng cách bỏ giá thấp, thậm chí chấp nhận làm dưới giá vốn, hình thành nên một “cuộc đua xuống đáy” trong ngành xây dựng. Cộng với tình trạng “bão giá” nguyên vật liệu, biên lợi nhuận của không ít doanh nghiệp teo tóp chỉ còn 1% – 2%.
Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp xây dựng còn “khiếp đảm” hơn là tình trạng nợ đọng của chủ đầu tư. Do khó khăn tài chính, các chủ đầu tư không còn tiền để thanh toán cho nhà thầu. Hệ lụy là các nhà thầu rơi vào cảnh khát tiền nghiêm trọng, do đã ứng trước vốn để thi công, chi trả cho thầu phụ và các nhà cung cấp.
Bi hài hơn, các chủ đầu tư đã đem các sản phẩm bất động sản, mà phần nhiều trong số đó chưa hoàn thiện về pháp lý, gán nợ cho nhà thầu chính. Đến lượt mình, nhà thầu chính lại đem các sản phẩm đó, cùng với máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu trong kho, gán nợ lại cho các thầu phụ và nhà cung cấp. Tất cả đã tạo nên tình cảnh dở khóc dở cười chưa từng thấy trong mười mấy năm qua.
Tình trạng nợ đọng dâng cao đã mang lại những hậu quả tai hại cho các nhà thầu. Một là nợ xấu tăng cao, khiến doanh nghiệp phải trích lập dự phòng lớn (Coteccons dự phòng cả nghìn tỷ đồng, Hòa Bình dự phòng hơn 700 tỷ đồng…). Khoản dự phòng này được tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp, do đó lợi nhuận có được đã bị “ăn mòn” đến “ăn sạch”. Minh chứng là năm qua Coteccons có khoản lãi rất nhỏ bé (chỉ 20 tỷ đồng), còn Hòa Bình thì chịu khoản lỗ khổng lồ (lỗ 1.140 tỷ đồng).
Hai là nợ đọng khiến dòng tiền kinh doanh âm nặng nề, đẩy doanh nghiệp xây dựng vào tình thế phải đi vay nhiều hơn và còng lưng gánh lãi suất. Trong trường hợp xấu hơn, điều này còn có thể khiến doanh nghiệp đối diện với rủi ro mất cân đối nghiêm trọng, mà với bối cảnh năm 2023, không ai dám nói trước rằng sẽ không có những điều tồi tệ hơn xảy ra. Mới đây, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã thốt ra giữa TP. HCM rằng, ông đã gặp 40 nhà thầu và họ đều nói “thành phố này chẳng có gì để làm, mọi thứ đứng tại chỗ”.
Một điều cũng khá lo lắng khác đối với ngành xây dựng là năng suất của ngành. Đại diện một tập đoàn xây dựng rất lớn nói với Đầu tư Tài chính rằng đã 10 năm nay, năng suất ngành xây dựng không có gì thay đổi. Chủ tịch một tập đoàn xây dựng lớn khác cũng thừa nhận rằng mấy năm trở lại đây, đơn vị này đã không còn sức để cập nhật về công nghệ nữa. Điều này có thể kéo lùi bước tiến của ngành xây dựng Việt Nam trong dài hạn, nếu như không có sự thay đổi.
Thận trọng như đi trên băng mỏng
Trước tình cảnh khó khăn trập trùng, phải “đổ thóc giống ra ăn”, các doanh nghiệp xây dựng cũng buộc phải thực hiện các biện pháp đau đớn như: “buông” dự án, cắt giảm nhân sự ồ ạt, giảm lương nhân viên… Tuy nhiên, đây đều là những biện pháp “chữa cháy” tạm thời.
Về cơ bản, các doanh nghiệp xây dựng đang trông ngóng những chính sách “giải cứu” thị trường bất động sản được thực thi nhanh chóng, kịp thời. Bởi thị trường bất động sản có sống lại, doanh nghiệp xây dựng mới có cơm ăn. Những tín hiệu tích cực gần đây của Chính phủ đang thắp lên hi vọng cho các doanh nghiệp này, song cơ hội không chia đều cho tất cả.
Minh chứng rõ nét là sự phân hóa giữa các doanh nghiệp xây dựng về kế hoạch kinh doanh năm 2023. Trong khi Coteccons với vị thế là nhà thầu số 1, tự tin đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ (16.249 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng, tăng 1.010%) thì Hòa Bình rụt rè hơn khi “cài số lùi” mục tiêu doanh thu (giảm 11,5%, đạt 12.500 tỷ đồng) dù cho vẫn kỳ vọng lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Bi quan hơn, SCG chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, bằng 47,6% và 15,9% năm 2022. Tương tự là Cotana với mục tiêu doanh thu 1.024 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 190 tỷ đồng, giảm lần lượt 41% và 58% so với năm trước.
Một số doanh nghiệp xây dựng cỡ lớn khác thậm chí cho tới giờ vẫn chưa thể hoạch định được kế hoạch kinh doanh. Trên thực tế, điều này cũng là dễ hiểu, bởi 2023 vẫn là một năm có quá nhiều ẩn số và niềm hi vọng (vào sự phục hồi của thị trường bất động sản) không nên là một tiêu chí để xét kế hoạch kinh doanh.
Để cứu vãn tình thế, các doanh nghiệp xây dựng tốp đầu đều đã và đang tính tới việc mở rộng lĩnh vực hoạt động, như sang xây dựng hạ tầng giao thông (cầu đường, bến bãi, sân bay…), xây dựng công nghiệp (nhà xưởng, nhà máy), tham gia sâu rộng hơn vào các dự án đầu tư công. Được biết có nhà thầu lớn từng khẳng định sẽ không tham gia dự án công nhưng trước tình cảnh hiểm nghèo hiện nay cũng phải “quay xe” chiến thuật, dù cho đầu tư công chưa bao giờ là miếng bánh dễ ăn.
Dự án của khối ngoại được xem là “ngon” hơn cả, bởi doanh nghiệp nước ngoài thường sẵn tiền tươi thóc thật, tránh được nợ đọng, nhưng “hồng thì có gai”, cuộc chơi này hầu như chỉ dành cho những “đại gia” tốp đầu, như Coteccons, Hòa Bình, Newtecons… doanh nghiệp nhỏ khó lòng chen vào được.
Hướng ngoại cũng là một phương án, nhưng hiện nay, ngoài Hòa Bình vẫn kiên trì, chưa có thêm doanh nghiệp hàng tốp nào tham gia, bởi không chỉ đòi hỏi nhiều yếu tố về năng lực, đây còn là câu chuyện đường dài, không phải đơn vị nào cũng đủ kiên nhẫn.
Nhìn chung, các doanh nghiệp xây dựng hiện nay đang ở ngã ba đường, loay hoay chọn lựa, loay hoay chuyển đổi. Thế cục này sẽ còn phải chờ ít nhất vài năm nữa mới có thể sáng rõ hơn, ổn định hơn. Nhưng nói như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, nếu những khó khăn hiện thời không được giải quyết sớm, e rằng chỉ 5 năm nữa, chẳng còn doanh nghiệp xây dựng nào tồn tại.
Theo Ái Châu Tử/Vietnam Finance
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/loi-ra-nao-cho-ong-lon-xay-dung-20180504224283386.htm