QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Một doanh nghiệp họ DOJI chi 477 tỷ đồng mua cổ phiếu TPBank

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Dragon, có liên quan đến Tập đoàn DOJI đã mua gần 27,61 cổ phiếu TPB của ngân hàng TPBank. Việc nhóm công ty DOJI của ông Đỗ Minh Phú gia tăng sở hữu tại ngân hàng này có gì bất thường?

Ngày 11/12, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố thông tin về giao dịch của cổ đông lớn thuộc hệ sinh thái DOJI tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã: TPB).

Cụ thể, ngày 6/12, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Dragon đã mua gần 27,61 triệu cổ phiếu TPB, tương ứng với 1,25% vốn điều lệ của TPBank. Mục đích mua cổ phần là nhằm mở rộng danh mục đầu tư của Dragon.

Ước tính theo giá cổ phiếu TPB đóng cửa phiên 6/12 là 17.450 đồng/cp, Công ty Dragon đã chi ra khoảng 477 tỷ đồng để sở hữu cổ phiếu TPB.

Động thái mua vào của Công ty Bất động sản Dragon diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu TPB đang có sự hồi phục tích cực sau đợt sụt giảm khoảng 20% hồi tháng 9. Hiện giá cổ phiếu TPB đã tăng hơn 27% so với hồi đầu năm, với thanh khoản trung bình 5,9 triệu cổ phiếu/phiên.

Giới đầu tư khá bất ngờ khi Công ty Bất động sản Dragon mới chỉ 11 ngày tuổi (thành lập ngày 25/11/2023, có địa chỉ tại Lô 3C Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã mạnh tay chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu TPBank. Bởi thay vì dành vốn để phát triển dự án bất động sản, thì công ty này lại “bắt đáy” cổ phiếu TPB.  

Nhưng cũng không hề lạ bởi Công ty Bất động sản Dragon là “công ty cháu” của hệ sinh thái DOJI, được ra đời nhằm thực hiện đầu tư dự án Diamond Crown Hai Phon. Dự án này là của DOJI Land – thành viên của Tập đoàn DOJI, do Hải Phòng Invest là chủ đầu tư trực tiếp.

Công ty Bất động sản Dragon đặt địa chỉ trụ sở tại khu đất dự án này. Chủ sở hữu công ty là bà Lê Thị Hiền (Tổ 18D, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm Người đại diện pháp luật, còn bà Đặng Thanh Huyền làm Tổng giám đốc.

Một doanh nghiệp họ DOJI chi 477 tỷ đồng mua cổ phiếu TPBank 

Theo công bố thông tin, Công ty Bất động sản Dragon là công ty có liên quan đến nhóm cổ đông lớn tại TPBank là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, bà Đỗ Vũ Phương Anh, Tổng giám đốc DOJI và Công ty cổ phần Hải Phòng Invest.

Sau giao dịch của Dragon, nhóm cổ đông lớn Tập đoàn DOJI gia tăng sở hữu tại TPBank lên 250,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,38% vốn ngân hàng). Cùng với nhóm SBI Ven Holdings thuộc Tập đoàn SBI (Nhật Bản) sở hữu 20% vốn, là hai nhóm cổ đông lớn nhất của TPBank.  

Mối quan hệ sở hữu của nhóm DOJI càng “khăng khít” hơn với việc ra đời hàng loạt công ty trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, xây dựng… và thông qua đó, sở hữu chi phối ngân hàng TPBank.

Như ở trường hợp Công ty Bất động sản Dragon đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào cổ phiếu TPB, cũng là một “công ty cháu” của cổ đông lớn DOJI mới thành lập.

Trong đó, Công ty Bất động sản Dragon có vốn điều lệ đăng ký là 1.650 tỷ đồng do 3 cổ đông góp vốn gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land (sở hữu 66%), Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh (33,9%) và ông Dương Anh Tuấn (0,1%) là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DOJI đồng thời là Chủ tịch của Hải Phòng Invest.

Ở lĩnh vực bất động sản, năm 2014 Tập đoàn DOJI thành lập Công ty bất động sản DOJI Land nhằm phát triển hàng loạt dự án lớn nằm ở các khu đất vàng như tòa tháp DOJI Tower (Hà Nội), dự án chung cư – khách sạn The Saphire Residence (Quảng Ninh), dự án Diamond Crown Hai Phong (Hải Phòng) có diện tích 12.868m2 do Vietcombank bảo lãnh đầu tư với giá trị cấp tín dụng 4.000 tỷ đồng…

Đầu năm 2023, Hải Phòng Invest đã trúng đấu giá khu đất 9.165m2 tại Lô 4/10A Khu đô thị mới ngã 5 –sân bay Cát Bi, Hải Phòng với giá 634 tỷ đồng.

Trong thời gian diễn ra thương vụ đấu giá khu đất vàng này, Hải Phòng Invest đã tăng vốn điều lệ lên 1.520 tỷ đồng với sở hữu lớn nhất thuộc về cổ đông DOJI Land. Ông Đỗ Minh Đức, con trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI cũng từng đảm nhận chức Chủ tịch Hải Phòng Invest vào năm 2021.

Ngoài ra, DOJI thành lập Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh, có vốn điều lệ ban đầu 160 tỷ đồng và mới đây, đầu tháng 12 nâng vốn lên 1.450 tỷ đồng, trong đó DOJI Land sở hữu 99,84% vốn.  

Có thể thấy, hệ sinh thái DOJI của gia đình doanh nhân Đỗ Minh Phú hiện đã phát triển nhanh chóng, lớn mạnh và bao trùm sở hữu ở ngân hàng TPBank, trong khi các công ty bất động sản, xây dựng của DOJI liên tục được “bơm tiền” để tăng quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Trên thực tế, các tập đoàn tư nhân đã và đang sở hữu cổ phần lớn tại các ngân hàng gây lo ngại về những sai phạm, hệ lụy của sở hữu chéo, cho vay “công ty sân sau” rất nhức nhối. Điểm danh những gia tộc sở hữu ngân hàng – bất động sản như SHB- Tập đoàn T&T, ABBank- Geleximco, Bac A Bank – TH, TNG – MSB, MIK- VPBank, Thaiholdings-LPBank, Him Lam- Sacombank, Nam A Bank- Hoàn Cầu, Techcombank – Masan và Masterise, Sunshine – NCB…  
Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định giới hạn sở hữu của nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 20% vốn điều lệ ngân hàng, nhưng nhóm thâu tóm vẫn “lách” sở hữu cổ phần chi phối dưới hình thức nhờ cá nhân, công ty khác đứng tên.
Sở hữu chéo ngân hàng ngày càng tinh vi hơn, ẩn nấp trong mạng lưới hệ sinh thái phức tạp hơn dẫn tới khó phát hiện, bóc gỡ sở hữu. Và do đó rất khó để ngăn chặn hành vi lạm quyền, điều chuyển vốn cho vay công ty sân sau, gây rủi ro mất vốn như đã xảy ra tại các vụ đại án Bầu Kiên – ACB, Hà Văn Thắm – Oceanbank, Phạm Công Danh – VNCB và mới đây là Trương Mỹ Lan – SCB.  

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/mot-doanh-nghiep-ho-doji-chi-477-ty-dong-mua-co-phieu-tpbank-491824.html