QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Một năm của cổ phiếu ngân hàng: Sóng ngầm dưới mặt biển lặng

Ở bề mặt, cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá yên ả trong năm 2023 nhưng ẩn sâu bên dưới lớp bề mặt đó là những con “sóng ngầm” chưa biết khi nào sẽ “trồi lên” để phản ánh đúng hơn và đủ hơn vào giá cổ phiếu.

Một năm của cổ phiếu ngân hàng: Sóng ngầm dưới mặt biển lặng

Nếu nhìn vào biến động giá cổ phiếu ngân hàng từ lúc mở phiên đầu năm 2023 đến ngày 13/12/2023 thì năm 2023 giống như là một năm thành công rực rỡ của cổ phiếu ngân hàng. Thống kê đối với 15 cổ phiếu ngân hàng tiêu biểu trên sàn HoSE (gồm: VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, ACB, SHB, EIB, VIB, OCB, MSB, STB, TPB, LPB) cho thấy có tới 12 cổ phiếu tăng mạnh hơn VN-Index, thậm chí khoảng cách rất xa.

Cụ thể, trong khi VN-Index tăng gần 11% thì LPB tăng tới 55%. Rất nhiều cổ phiếu tăng trên 20% như: SHB và VIB đều tăng 29%, TPB và MBB đều tăng 25%, VCB tăng 24%, STB, ACB và BID đều tăng 22%. Các cổ phiếu còn lại gồm: TCB tăng 18%, OCB tăng 14% và VPB tăng 13%.

3 cổ phiếu ghi nhận màn trình diễn kém hơn VN-Index là CTG tăng 10%, MSB tăng 2% còn EIB giảm 4%.

Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian của năm 2023, giới đầu tư lại không cảm nhận được sự vượt trội của cổ phiếu ngân hàng. Đó là bởi vì sau “hào quang” tháng 1/2023, giá cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá ảm đạm. 

Thống kê từ giá kết phiên 31/1/2023 đến kết phiên 13/12/2023 cho thấy, trong số 15 cổ phiếu ngân hàng, có 10 cổ phiếu ghi nhận tăng trưởng giá từ 5% trở xuống (tức là thấp hơn gửi tiết kiệm ngân hàng – thời điểm cuối tháng 1/2023 vào khoảng 7-10%/năm, tương đương mức lãi tiết kiệm sau 10 tháng vào khoảng 6-9%); riêng CTG và MSB giảm lần lượt 2% và 6%. 5 mã tăng trên 5% gồm: VCB tăng 8%, MBB tăng 9%, OCB tăng 9%, SHB tăng 17% và LPB tăng 37%.

Điều gì tạo ra sự khác biệt giữa tháng 1/2023 và phần còn lại của năm 2023? Xét bối cảnh chung, chỉ số VN-Index tăng hơn 10% trong tháng 1/2023 trong khi phần còn lại của năm 2023 “giậm chân tại chỗ”. Diễn biến tương đối đồng pha với VN-Index, cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh trong tháng 1/2023 và ảm đạm hơn nhiều trong phần còn lại của năm.

Xét bối cảnh riêng, tháng 1/2023 là thời gian cổ phiếu ngân hàng “hấp thụ” kết quả kinh doanh quý IV/2022 với tổng lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sang đến quý I, quý II và quý III năm 2023, lợi nhuận sau thuế toàn ngành có xu hướng suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu ngân hàng theo đó cũng “thăng hoa” trong thời gian hấp thụ kết quả kinh doanh quý IV/2022 và đà tăng dần hạ nhiệt khi kết quả kinh doanh các quý tiếp theo không được như kỳ vọng.

Đồ thị lợi nhuận sau thuế toàn ngành ngân hàng qua các quý. Nguồn: VPBankS

Tuy vậy, vẫn cần lưu ý rằng dù ảm đạm hơn sau tháng đầu năm nhưng cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn diễn biến tương đối tích cực so với chỉ số VN-Index, bất chấp sâu bên trong, không chỉ lợi nhuận toàn ngành có chiều hướng suy giảm mà nợ xấu cũng liên tục dâng cao.

Đồ thị tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng qua các quý. Nguồn: VPBankS

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã tăng quý thứ 3 liên tiếp. Tính đến hết quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng trung bình của các ngân hàng niêm yết ở mức 2,2%, tăng 0,2 điểm % so với quý trước. Xét theo giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ở mức khoảng 424.600 tỷ đồng, tăng 0,25% so với quý trước đó. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) toàn ngành suy giảm liên tục trong 4 quý gần đây, từ mức đỉnh 143% cuối quý III/2022 xuống còn 93,8% vào cuối quý III/2023.

Trong báo cáo ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) nêu ra 3 lý do khiến chất lượng tài sản của các ngân hàng suy giảm. Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng chậm. Thứ hai là kinh tế suy yếu rõ rệt. Thứ ba là thị trường trái phiếu và bất động sản vẫn chưa rã băng từ quý II/2022 đến nay khiến cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động vốn để đảo nợ, đồng thời hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. 

Bên cạnh đó, VPBankS cũng lưu ý tình trạng nợ nhóm 4 (có nguy cơ chuyển sang nhóm nợ có khả năng không thu hồi được) tính đến hết quý III/2023 đã tăng đột biến 31,4% so với quý liền trước.

VPBankS dự báo nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2024 nhưng mức độ tăng sẽ nhẹ đi.

Một điểm cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải suy ngẫm là phản ứng khá “thờ ơ” của cổ phiếu ngân hàng trước các thông tin gây sốc liên quan đến đại án SCB – Vạn Thịnh Phát, dù rằng số tiền thiệt hại mà ngành ngân hàng phải gánh lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, vượt xa mọi dự báo trước đây.

Có thể thấy, ở bề mặt, cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá yên ả trong năm 2023 nhưng ẩn sâu bên dưới lớp bề mặt đó là những con “sóng ngầm” chưa biết khi nào sẽ “trồi lên” để phản ánh đúng hơn và đủ hơn vào giá cổ phiếu. Lớp phòng thủ đáng kể nhất của cổ phiếu ngân hàng hiện tại có lẽ là mức định giá khá thấp so với lịch sử. Hiện hệ số định giá P/E của cổ phiếu ngân hàng đang ở mức dưới 10 lần trong khi trung bình lịch sử khoảng 12 lần; còn hệ số định giá P/B đang ở mức khoảng 1,5 lần trong khi trung bình lịch sử khoảng 1,8 lần.

Theo Thanh Long/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/mot-nam-cua-co-phieu-ngan-hang-song-ngam-duoi-mat-bien-lang-20180504224292767.htm