QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Một quỹ ngoại “máu mặt” chuẩn bị chi 700 tỷ đồng thực hiện quyền mua cổ phiếu HCM

Trước giao dịch, quỹ ngoại tỷ đô này đang là cổ đông lớn nhất tại Chứng khoán TP.HCM với tỷ lệ sở hữu là 20,956% vốn, tương đương hơn 158 triệu cổ phiếu.

Mới đây, theo văn bản từ Dragon Capital Markets Limited (DC), quỹ này dự kiến bỏ ra 687,4 tỷ đồng nhằm thực hiện quyền mua hơn 68,7 triệu cổ phiếu HCM của Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC). Từ ngày 6/3 đến 18/3 là thời gian dự kiến thực hiện quyền mua với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1 (tức sở hữu 1 cổ phiếu tương đương 1 quyền mua và 2 quyền mua được mua thêm 1 cổ phiếu mới). Giá chào bán được HSC đưa ra là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 65% so với thị giá 28.400 đồng/cp mở cửa phiên 28/2.

Diễn biến giá trị cổ phiếu HCM.

Tính tới hiện tại, Dragon Capital Markets Limited đang là cổ đông lớn nhất của HSC khi sở hữu hơn 158 triệu cổ phiếu, tương ứng với 20,956% vốn. Dự kiến, sau khi thực hiện quyền mua, tổng số lượng Dragon Capital Markets Limited nắm giữ sau thực hiện quyền là 226,8 triệu cổ phiếu.

Diễn biến trong quá khứ, Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chốt quyền chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (228,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 2:1) và phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 2 năm 2021 (68,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 15%).

Giá chào bán cho cổ đông hiện hữu là 10.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị vốn huy động dự kiến hơn 2.286 tỷ đồng. Nguồn vốn thu được từ từ đợt cháo bán dự kiến được phân bổ 78,13% cho hoạt động giao dịch ký quỹ (margin), tương đương 1.786 tỷ đồng; còn lại 21,87% cho hoạt động tự doanh. Thời gian đăng ký mua dự kiến từ ngày 16/1 đến ngày 26/2/2024.

Dự kiến sau khi thực hiện tăng vốn thành công, Chứng khoán HSC sẽ nâng vốn điều lệ từ gần 4.581 tỷ đồng lên hơn 7.552 tỷ đồng, xếp thứ 5 trong ngành. Dù vẫn còn khiêm tốn so với những cái tên top đầu như SSI, VPBankS, VNDirect nhưng động thái tăng vốn rõ ràng là một tín hiệu lạc quan, hứa hẹn mang đến những thay đổi tích cực trong tình hình kinh doanh của công ty trong thời gian tới.

Đáng chú ý, trong đợt tăng vốn lần này, cổ đông Nhà nước là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) – cổ đông lớn nắm giữ gần 105,77 triệu cổ phiếu HCM (tỷ lệ 23,09% vốn) nhiều khả năng sẽ không tham gia. Tổ chức này mới đây đã đăng ký bán toàn bộ 105,77 triệu quyền mua hiện có theo phương thức bán đấu giá thông qua HoSE trong thời gian dự kiến từ ngày 28/2 đến 13/3 tới đây. Trong trường hợp Chứng khoán HSC tăng vốn thành công và HFIC bán hết quyền mua, tỷ lệ sở hữu của cổ đông này sẽ giảm xuống còn 14%.

Trong báo cáo chiến lược 2024 mới công bố, nhóm nhà nghiên cứu đến từ SSI đánh giá những CTCK có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh hoạt động cho vay ký quỹ, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các CTCK khác.

Theo báo cáo phân tích này, các CTCK đã đẩy mạnh hoạt động tăng vốn kể từ quý 2/2023 nhằm chuẩn bị cho nhu cầu của thị trường sắp tới. Ngoại trừ một số lượng nhỏ các CTCK tăng vốn nhằm tái cấu trúc danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của mình, việc tăng vốn sẽ mở rộng khả năng cho vay ký quỹ của các CTCK và duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh, cũng như đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn mà UBCK đưa ra.

Cuộc đua tăng vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vốn của các CTCK thời gian tới. Cũng theo nhóm này, mặc dù tỷ lệ dư nợ cho vay ký quỹ/vốn hóa thị trường hiện tại đang ở mức cao, khả năng của việc lặp lại kịch bản giải chấp mức độ rộng như giai đoạn cuối 2022 là khó có thể xảy ra nếu nhìn vào tỷ lệ/vốn chủ sở hữu của thị trường (được kiểm soát tốt). Đồng thời, mức độ cho vay ký quỹ/vốn hóa chưa phản ánh toàn diện tốc độ tăng trưởng nội tại của thị trường.

Trên thị trường, thị giá HCM tăng 20% kể từ đầu năm lên mức gần 28.000 đồng/cp (phiên 29/2). Thanh khoản của mã này cũng ở mức khá cao, bình quân 10 phiên gần nhất, khối lượng giao dịch của HCM đạt tới gần 12 triệu đơn vị/phiên.

Theo Mộng Diệp/Kinh tế Chứng khoán