QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mỹ sẽ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu

Theo kênh truyền hình CNBC ngày 11/8, Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng dầu nhằm hạn chế giá xăng dầu “leo thang”.

Theo CNBC, các quan chức Mỹ đã đàm phán với đại diện của OPEC là Saudi Arabia (A-rập Xê-út) trong tuần này, cũng như với đại diện từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các thành viên OPEC+ khác.

Ngày 11/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đã nói rõ với OPEC rằng “việc cắt giảm sản lượng được thực hiện trong thời kỳ đại dịch nên được đảo ngược” khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi “để giảm giá cho người tiêu dùng”.

Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Joe Biden, chỉ trích các quốc gia dầu mỏ lớn, bao gồm cả Saudi Arabia, đã không cung cấp đủ dầu. “Vào một thời điểm quan trọng trong phục hồi kinh tế toàn cầu, sản lượng hiện nay là chưa đủ”, ông Sullivan tuyên bố.

Ảnh minh họa

Năm ngoái, OPEC + đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng mỗi ngày, khoảng 10% nhu cầu thế giới, do nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm trong đại dịch. Họ nâng dần sản lượng kể từ đó, với mức cắt giảm xuống còn khoảng 5,8 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 7/2021.

OPEC + đã đồng ý tăng sản lượng lên 400.000 thùng mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 8 cho đến khi phần còn lại của việc cắt giảm 5,8 triệu thùng kết thúc. Họ dự kiến tổ chức một cuộc họp vào ngày 1/9 để xem xét tình hình.

Hồi tháng 7/2021, OPEC+ tuyên bố 23 thành viên của nhóm nhất trí từ tháng 8-12/2021 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức là hàng tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.

OPEC+ sẽ “đánh giá các diễn biến thị trường” vào tháng 12 tới. OPEC+ cũng nhất trí kéo dài thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022, thay vì đến tháng 4/2022 như kế hoạch trước đó.

Theo Hiệp hội Ôtô Mỹ, giá xăng tại nước này đang ở mức khoảng 3,18 USD mỗi gallon, tăng hơn một USD so với năm ngoái, thời điểm đại dịch làm giảm nhu cầu đi lại.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ cố gắng kiềm chế việc giá cả tăng cao và tắc nghẽn nguồn cung trên toàn nền kinh tế làm dấy lên lo ngại lạm phát. Từ khi nhậm chức, Biden đã coi việc phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch là ưu tiên hàng đầu.

Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 1%, lên hơn 71 USD mỗi thùng vào ngày 11/8. Mức giá này thấp hơn mức giá trên 77 USD vào đầu tháng 7, nhưng vẫn tăng gần một phần ba so với đầu năm.

Kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng nhưng chính quyền lại không có động thái tương tự với các nhà sản xuất nội địa. Sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã bị đình trệ ở mức khoảng 11 triệu thùng mỗi ngày kể từ đại dịch, sau khi chạm mức kỷ lục 12,3 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2019.

Biden đã đặt mục tiêu giải trừ cacbon cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2050 và đã tạm dừng các cuộc đấu giá cho thuê giàn khoan mới trong khi chờ xem xét các tác động môi trường và khí hậu của nó. Một nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã chỉ trích về các ưu tiên gây xung đột lợi ích kinh tế.

Nhà Trắng cũng vừa chỉ đạo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), cơ quan điều tra hành vi chống cạnh tranh, để điều tra xem các hành vi bất hợp pháp có góp phần làm tăng giá xăng hay không.

Viện Dầu mỏ Mỹ, đại diện cho ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước, coi các hành động của chính quyền là quay trở lại những ngày phụ thuộc vào OPEC. “Thay vì yêu cầu điều tra các thị trường vốn được quản lý và giám sát hàng ngày hoặc cầu xin OPEC tăng nguồn cung, hãy dỡ bỏ các hạn chế đối với ngành năng lượng của Mỹ ngay lập tức”, Frank Macchiarola, Phó chủ tịch cấp cao về các vấn đề pháp lý của tổ chức này tuyên bố.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/my-se-keu-goi-opec-tang-san-luong-dau-100188.html