QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường chứng khoán ngày 06/8: Thông tin trước giờ mở cửa

Thị trường chứng khoán Mỹ Dow Jones mất hơn 760 điểm, S&P 500 giảm mạnh nhất từ đầu năm do chiến tranh thương mại; Giá vàng lập đỉnh cao mới trong hơn 6 năm do Mỹ-Trung Quốc đang ở trong tình trạng căng thẳng; Trung Quốc ra đòn mạnh tay, đánh thẳng vào nông sản Mỹ; Còn 72% doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch; khuyến nghị cổ phiếu ngày 06/8…
Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán Mỹ: Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/8 lao dốc, Dow Jones mất hơn 760 điểm, S&P 500 giảm mạnh nhất từ đầu năm. Dow Jones giảm 767,27 điểm, tương đương 2,9%, xuống 25.717,74 điểm. S&P 500 giảm 87,31 điểm, tương đương 2,98%, xuống 2.844,74 điểm. Nasdaq giảm 278,03 điểm, tương đương 3,47%, xuống 7.726,04 điểm. Phiên 5/8 là ngày giảm tương đối mạnh nhất của S&P 500 kể từ ngày 4/12/2018, đồng nghĩa giá trị của chỉ số này bốc hơi 766 tỷ USD, theo số liệu từ Refinitiv. S&P 500 đã giảm 6 phiên liên tiếp và đang thấp hơn 6% so với đỉnh lịch sử hôm 26/7. Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 5/8 là 9,41 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 6,8 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch trước đó. Diễn biến này tạo thành một trận bán tháo kéo dài từ tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp thêm thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc được nhập vào Mỹ.

Giá vàng: Tính đến 7h00 (giờ Việt Nam) đang ở mức 1486,50 USD/ounce tăng 10,00 USD/ounce tương đương 0,6773%. Giá vàng thế giới tiếp tục tăng dựng ngược lên đỉnh cao mới trong hơn 6 năm trước bối cảnh căng thẳng thương mại và chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 5/8 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 trong nước thêm khoảng 1 triệu đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên áp cuối tuần trước. Tính tới cuối phiên giao dịch 5/8, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 40,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 40,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 40,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 40,57 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá dầu: Đã giảm hơn 3% do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Giá dầu Brent tương lai giảm 2,08 USD, tương đương 3,36%, xuống 59,81 USD/thùng.nGiá dầu WTI tương lai giảm 97 cent, tương đương 1,74%, xuống 54,69 USD/thùng. Tồn kho tại Cushing, bang Oklahoma, cửa ngõ giao dầu WTI giảm gần 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 2/8, theo số liệu từ Genscape. Chênh lệch giá giữa WTI và Brent hiện thấp nhất kể từ tháng 7/2018. Lo ngại chiến tranh thương mại tiếp tục ảnh hưởng thị trường chứng khoán thế giới trong ngày 5/8, xu hướng đầu tư vào tài sản an toàn như vàng, yên Nhật, trái phiếu chính phủ gia tăng.

US Index: Tính đến 7h05 (giờ Việt Nam) USD Index ở mức 97.018 điểm giảm 0.293 điểm tương đương 0.30%. Đầu giờ sáng, đồng USD trên thị trường thế giới giảm nhanh, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tụt giảm trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại cuộc chiến Mỹ-Trung sẽ kéo sâu 2 nền kinh tế này. Trên thị trường trong nước phiên ngày 5/8, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 23.220 đồng/USD và 23.340 đồng/USD. Tới cuối phiên 5/8, BIDV: 23.210 đồng/USD và 23.330 đồng/USD. Vietinbank: 23.220 đồng/USD và 23.340 đồng/USD. Vietcombank: 23.215 đồng/USD và 23.335 đồng/USD. ACB: 23.205 đồng/USD và 23.325 đồng/USD. Tính từ đầu năm 2019, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng giảm 55-65 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Trung Quốc ra đòn mạnh tay, đánh thẳng vào nông sản Mỹ: Trung Quốc xác nhận các thông tin nước này ngừng mua nông sản Mỹ để đáp trả sự “vi phạm nghiêm trọng” các thỏa thuận mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được. Xác nhận trên được một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra. Theo đó, các công ty Trung Quốc đã ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để trả đũa mức thuế mới 10% mà Washington vừa áp lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc. Trong bản tin đêm 5/8, Tân Hoa xã mô tả mức thuế 10% này là “vi phạm sự đồng thuận của lãnh đạo hai nước” và Trung Quốc “không loại trừ khả năng đánh thuế lên các mặt hàng nông sản Mỹ mua sau ngày 3/8 và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu nông sản từ Mỹ”. Cùng ngày 5/8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Tuyên bố được đưa ra sau khi Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ.

Còn 72% doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch: Tính đến hết quý II/2019, mới có 35/127 doanh nghiệp nhà nước trong danh mục được duyệt – thực hiện cổ phần hóa. Như vậy, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch. Theo Bộ Tài chính, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa. Trong khi đó, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị về các cổ phiếu đáng chú ý trong ngày 06/8

Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu ACB – CTCK KIS Việt Nam (KIS)

KIS ước tính lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) đạt 8.050 tỷ đồng trong 2019 và 9.804 tỷ đồng vào 2020. EPS tương ứng sẽ là 3.900 đồng và 4.800 đồng; BVPS lần lượt là 16.900 đồng và 20.700 đồng cho năm 2019 và 2020. Với ước tính giá cổ phiếu ACB sẽ đạt 32.300 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019 và 39.500 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020, KIS duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu này.

Khuyến nghị tích cực đối với DVP – CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu quý II/2019 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã DVP) đạt 157,9 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 288.8 tỷ đồng, giảm 6,9%. Tổng sản lượng container 6 tháng đầu năm đạt khoảng 285 nghìn TEU, hoàn thành 51.8% kế hoạch năm. Số lượng tàu cập bến 6 tháng đầu năm đạt 257 lượt tàu, giảm 16% do mất đi đối tác lớn là hãng tàu Mitsui OSK Line sau khi hãng này cùng với 2 hãng khác là K Line và NYK hợp nhất thành một hãng tàu duy nhất với tên ONE (Ocean Network Express). Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 140.8 tỷ VND, tăng 5% yoy. Trong quý II/2019, DVP ghi nhận 36,4 tỷ đồngdoanh thu tài chính, tăng 4,3 lần so với cùng kì. Đây là khoản cổ tức đến từ công ty TNHH Tiếp vận SITC – Đình Vũ. Thông thường DVP sẽ nhận khoản cổ tức này vào Quý 3 nhưng năm nay lại nhận vào quý 2 dẫn tới sự thay đổi đột biến ở khoản mục doanh thu tài chính. Mặc dù đang gặp khó khăn khi lượng tàu cập cảng giảm, DVP vẫn đặt kì vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra đầu năm với tổng sản lượng là 550 nghìn TEU. Cổ tức chi trả cho năm 2019 kì vọng duy trì ở mức 40% – 50% tương đương lợi suất cổ tức đạt khoảng 10% – 12% so với mức giá cổ phiếu hiện tại.

Đối với DVP, chúng tôi đánh giá tích cực trong trung hạn dựa trên 2 yếu tố: (1) Mức lợi suất cổ tức cao, đạt 10% – 12% / năm; (2) Hoạt động doanh nghiệp vẫn được duy trì, mặc dù gặp phải cạnh tranh gay gắt nhưng với tệp khách hàng khá ổn định, đặc biệt là khách hàng lớn là HITC đóng góp khoảng 40% doanh thu.

Khuyến nghị trung lập đối với VSC – CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Đối với VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam, KBSV đánh giá trung lập trong trung – dài hạn dựa trên các yếu tố: (1) Doanh nghiệp hiện thiếu động lực tăng trưởng do đã hết dư địa để tăng công suất cùng với đó là sản lượng cảng Green đang suy giảm mạnh do cạnh tranh và vị trí không thuận lợi; (2) Kế hoạch xây mới cảng tại khu vực Lạch Huyện trong giai đoạn 2023 – 2024 hiện vẫn còn nhiều nghi vấn về tính khả thi.

Theo Anh Khang T/h/Thời Báo Chứng Khoán