QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Năm 2020, gần 63.000 tỷ đồng rót vào 490 dự án khu công nghiệp tại Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến hết năm 2020, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh gần 490 dự án, với tổng vốn đăng ký là 62.900 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất hàng dệt may, sản phẩm gỗ, giày dép, linh kiện máy móc, nông sản…

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đang hoàn tất các thủ tục để trình Chính phủ cập nhật các khu công nghiệp mới của tỉnh vào quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam để triển khai các bước tiếp theo trong thời gian tới. Động thái này được đưa ra sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh phát triển thêm 6.500 ha đất công nghiệp.

Thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Đồng Nai có 35 khu công nghiệp. Đến nay tỉnh đã thành lập 32 khu công nghiệp, trong đó có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng. 3 khu công nghiệp còn lại mới ở giai đoạn hoàn tất hồ sơ để mời gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng.

Đến hết năm 2020, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh gần 490 dự án, với tổng vốn đăng ký là 62.900 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Trước đó, tại hội nghị giao chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2021, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, Đồng Nai vẫn xác định công nghiệp là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong giai đoạn tới, Đồng Nai đã đề xuất mở thêm 6 khu công nghiệp mới. Trong số đó, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Xuân Quế (xã Xuân Quế, Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) sẽ có diện tích lớn nhất tỉnh, gần 4.000 ha.

Theo ông Dũng, đây sẽ là khu công nghiệp tổng hợp, gồm có khu vực cho doanh nghiệp thứ cấp thuê làm nhà xưởng sản xuất, khu nhà ở, trung tâm thương mại, trường học… Sau khi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, huyện sẽ phối hợp với tỉnh hoàn thành các hồ sơ và mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu muốn tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Xuân Quế. Ngoài phát triển các khu công nghiệp có diện tích lớn đi kèm nhiều tiện tích, tỉnh Đồng Nai cũng xây dựng huyện Long Thành trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, huyện Long Thành đã có 5 khu công nghiệp và tới đây sẽ quy hoạch thêm 4 khu công nghiệp với diện tích gần 2.500. Như vậy trong tương lai gần, Long Thành sẽ có 9 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp. Trong đó, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Bình An nằm trên địa bàn xã Bình An có diện tích lớn nhất, khoảng 1.135 ha. Khu công nghiệp này cũng sẽ phân ra thành khu sản xuất công nghiệp, khu căn hộ, trường học, siêu thị và các dịch vụ khác đi kèm để phục vụ nhu cầu của người lao động làm việc trong khu công nghiệp Bình An.

Theo ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, các khu công nghiệp mở mới đều được huyện cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới. Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, huyện sẽ thực hiện nhanh các dự án để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Đồng thời, với việc mở thêm khu công nghiệp diện tích lớn, UBND tỉnh Đồng Nai dự tính trong năm 2021 sẽ làm 4 tuyến đường giao thông kết nối qua các huyện, TP. Long Khánh và các khu công nghiệp, để rút ngắn thời gian lưu thông và vận chuyển hàng hóa.

Theo Đại Dương/ Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nam-2020-gan-63000-ty-dong-rot-vao-490-du-an-khu-cong-nghiep-tai-dong-nai-87686.html