QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng Eximbank đặt mục tiêu lãi 5.200 tỷ đồng năm 2024

Mặc dù năm 2023 Ngân hàng Eximbank chỉ thực hiện được 54,4% lợi nhuận đề ra, đạt 2.720 tỷ đồng, nhưng nhà băng này vẫn đặt mục tiêu rất cao với lợi nhuận ở mức 5.200 tỷ đồng năm nay.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 (dự kiến) để trình cổ đông xem xét tại Đại hội đồng cổ đông năm nay. 

Ngân hàng Eximbank đặt mục tiêu lãi 5.200 tỷ đồng năm 2024 

Theo đó, Eximbank cho biết kết quả kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu cải thiện tích cực. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng tăng 11% lên mức 201.399 tỷ đồng.

Huy động vốn đạt 158.329 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% và cũng không hoàn thành kế hoạch là 165.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đạt 140.524 tỷ đồng, chỉ tăng 7,6% so với đầu năm, thuộc top dưới trong ngành ngân hàng. Đồng thời, Eximbank cũng chưa hoàn thành chỉ tiêu này trong năm 2023. 

Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,7% dư nợ cho vay khách hàng, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 1,8% và dư nợ xấu tăng cao. 

Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm 2022. Kết quả này chỉ thực hiện được 54,4% kế hoạch mà Đại hội cổ đông năm trước đã thông qua với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.000 tỷ đồng.

Nếu đối chiếu với lũy kế lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 là 1.712 tỷ đồng, thì ước tính ngân hàng đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2023. Đây là quý ghi nhận lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2011 của Eximbank.

Eximbank đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2024

Dựa trên tình hình thực tế và dự báo những khó khăn chung của nền kinh tế, ban lãnh đạo Eximbank đã đề xuất kế hoạch trong năm 2024 với mức tăng trưởng hợp lý.

Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả của năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.

Trên thực tế, Eximbank đã ghi nhận sự nỗ lực trong hoạt động kinh doanh sau thời gian dài “trượt” trong biến cố tranh đấu quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng sa sút, lợi nhuận đi xuống, có năm báo lãi không đáng kể. 

Lợi nhuận sụt giảm chủ yếu là do chi phí vốn huy động và chi phí dự phòng tăng cao do gánh nặng xử lý nợ xấu lớn. 

Từ năm 2019 đến năm, Eximbank đã cải thiện lợi nhuận vượt trên mức 1.000 tỷ đồng trong 3 năm (2019-2021) và ghi nhận sự đột biến trong năm 2022-2023, lần lượt đạt hơn 3.550 tỷ đồng và 2.720 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Eximbank. Nguồn: Stockbiz

Đáng lo ngại là quy mô nợ xấu của Eximbank ngày càng tăng, nhất là nợ có nguy cơ mất vốn lớn. Đến ngày 23/9/2023, tổng nợ xấu của nhà băng này lên tới 3.592 tỷ đồng, tăng 53% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) gấp 2,5 lần, lên tới 675 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp 3,1 lần lên tới 1.438 tỷ đồng. 

Riêng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ghi nhận có sự cải thiện khi giảm gần 10% xuống còn 1.478 tỷ đồng.

FTuy nhiên, chất lượng nợ vay có phần đi lùi khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,79% đầu năm lên hơn 2,6% ở thời điểm cuối tháng 9. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 55% xuống còn 38%.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ