Sáng ngày 19/4, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, CEO Ngân hàng Quân đội (MB – HOSE: MBB) – ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan tới kế hoạch hoạt động trong năm 2024.
Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết, ngân hàng MB đã hoàn tất mọi thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, kỳ vọng xong trong năm nay hoặc 2025, nếu Chính phủ phê duyệt.
Tổng Giám đốc MB cho biết, ngân hàng mong muốn “chốt” thương vụ chuyển giao này trong năm nay hoặc 2025 để “mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng”.
Theo Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cho biết, phương án nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được phê duyệt trong tháng 4. Ngân hàng đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại mục tiêu theo định hướng chỉ đạo của NHNN, nhằm chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao bắt buộc, có thể sẽ được thực hiện trong năm nay.
Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng mục tiêu vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, ngân hàng có thể lựa chọn sáp nhập hoặc thoái vốn khỏi ngân hàng này.
Theo lãnh đạo Ngân hàng MB, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng sẽ có một số không gian mở ra, đặc biệt là “room” tín dụng để phát triển trong giai đoạn 5 năm tới.
Chủ tịch HĐQT MB nói thêm, nhà băng này “sẵn sàng với nhiệm vụ được giao, chỉ còn chờ Chính phủ duyệt”. Cùng với đó, MB vẫn tận dụng tốt room tăng trưởng được giao của NHNN để đạt được mức tăng trưởng mục tiêu thận trọng 6-8% trong năm 2024, phấn đấu đạt trên 10%.
Lợi nhuận đạt được của ngân hàng trong năm 2023 là 26.306 tỷ đồng, như vậy với mục tiêu thận trọng 6-8% thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất đặt ra cho năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
“Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong nhiệm kỳ mới 2024-2029 của MB là 15%/năm. Nếu nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank, MB dự kiến con số tăng trưởng thực sẽ vượt mức này. Ngân hàng sẽ báo cáo bổ sung tới cổ đông khi có quyết định của Chính phủ và NHNN”, Chủ tịch MB thông tin thêm.
Hiện tại, ngoài Oceanbank, thị trường còn 4 tổ chức cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Tên ngân hàng mà MB sẽ nhận chuyển giao vẫn chưa được lãnh đạo nhà băng này đề cập tại phiên họp đại hội đồng cổ đông hôm nay. Tuy nhiên, tháng 4/2023, một lãnh đạo đơn vị này hé lộ thông tin cơ bản về chất lượng tài sản của đơn vị sẽ nhận, như lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%. Vì vậy, nhiều khả năng đây có thể là Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) – nhà băng mua lại 0 đồng với lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Đại hội, Tổng Giám đốc MB cho biết, ngân hàng dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau. Vị lãnh đạo nhà băng này cũng đã thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh của MB trong quý I/2024. Theo đó, Tổng Giám đốc MB cho biết ước tính doanh thu tập đoàn đạt khoảng 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng gần 5.800 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu Ngân hàng mẹ đạt 9.782 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 5.258 tỷ đồng. Doanh thu các công ty thành viên đạt 5.218 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 550 tỷ đồng.
Trong khi đó, trong quý I/2023, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 6.500 tỷ đồng. Như vậy, theo thông tin được ông Phạm Như Ánh chia sẻ, ước tính lợi nhuận quý 1/2024 của MB tăng trưởng âm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.