QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã cấp thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm.

Ngày 29/11, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng để thông báo mức tăng trưởng tín dụng bổ sung cho các tổ chức tín dụng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng tín dụng năm 2022.

Đồng thời, cơ quan này sẽ ưu tiên tăng thêm tín dụng cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.

Mức tăng tín dụng trong năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu đã xác định song vẫn đảm bảo dư địa tăng trưởng.

 Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng. Ảnh: Tạp chí Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cấp tín dụng an toàn, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, cũng như cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng.

Các nhà băng tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và tích cực giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng cũng cần tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, vừa đảm bảo tuân thủ quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm nay của hệ thống ngân hàng là khoảng 14 – 15%.

Mục tiêu này được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế, liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành, ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, đơn giản thủ tục cho vay…

Đến tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 14,5% để phù hợp với tình hình thực tế.

Ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước lại điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Các ngân hàng kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023.

Tính đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 8,21%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng cũng không đồng đều, một số tăng trưởng khá cao nhưng số khác lại tăng trưởng chậm, thậm chí là tăng trưởng âm.

Nguyên nhân là do huy động tiền gửi vào hệ thống vẫn tăng, nhưng cho vay ra gặp khó khăn, do nền kinh tế tăng trưởng khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu.

Hầu hết động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều suy giảm kéo theo nhu cầu vay vốn cũng giảm.

Tín dụng tăng thấp do chịu tác động của nhiều yếu từ bên ngoài như giá xăng, dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào biến động mạnh; thiếu hụt nguồn cung đầu vào; thị trường xuất khẩu thu hẹp dần do sức cầu tại các thị trường lớn suy yếu…

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 4,3%.

Thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền và tiếp cận nguồn vốn, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân.

Riêng gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, kết quả giải ngân chậm, mới chỉ được 110 tỷ đồng. Gói hỗ trợ lãi suất 2% của các ngân hàng thương mại được triển khai cũng còn chậm.

Theo Hải Hà/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/ngan-hang-nha-nuoc-se-noi-han-muc-tin-dung-cho-nhieu-ngan-hang-491662.html