QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngày đầu chào sàn HOSE, vốn hóa của VTP vượt mốc 9.500 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch chào sàn HOSE, VTP tiếp tục tăng trần, qua đó đưa vốn hóa doanh nghiệp vượt 9.500 tỷ đồng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, chỉ số VN-Index tăng nhẹ nhưng áp lực bán vẫn chiếm ưu thế đã khiến chỉ số này nhanh chóng quay đầu giảm điểm. Tính tới 10h30, nhóm ngân hàng là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số, gồm TCB, HDB và CTG.

Ba ông lớn ngành bất động sản là VIC, BCM và VHM cũng góp phần vào tình thế này. Ở nhóm chứng khoán, VCI và FTS đang là những mã hiếm hoi tăng giá dù mức tăng khá nhẹ. Còn lại phần lớn đều đang giảm, VIX giảm hơn 2%, VND giảm hơn 1%, MBS, CTS, VDS cũng giảm hơn 1%.

Trong số này, VIX đang bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. HPG và MWG cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh. HPG đang giảm nhẹ dù mới công bố kế hoạch lãi 10 ngàn tỷ đồng và phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu.

Ngày đầu chào sàn HOSE, vốn hóa của VTP vượt mốc 9.500 tỷ đồng

Đáng chú ý, điểm nhấn trong phiên sáng nay đến từ cổ phiếu VTP. Tính tới hiện tại, VTP hiện đang tăng trần lên mốc 78.400 đồng cùng với khối lượng dư mua trên 2,6 triệu đơn vị. Đà tăng trần của VTP đã đưa vốn hóa của doanh nghiệp vượt mốc 9.500 tỷ đồng trong ngày đầu tiên chào sàn HOSE. Cùng chiều với VTP, cổ phiếu CTR của Tổng Công ty CP Công trình Viettel cũng ghi nhận mức tăng trên 5%, qua đó tiến về mốc 120.00 đồng, đưa vốn hóa doanh nghiệp vượt 12.800 tỷ đồng.

Đà tăng của hệ sinh thái Viettel diễn ra trong bối cảnh VTP sẽ mở rộng thị trường sang Lào và mở văn phòng đại diện tại Thái Lan. Ngoài ra, doanh nghiệp này đã ký kết thoả thuận xây dựng 2 trung tâm logistics tại Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Viettel Post sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng và mạng lưới cho lĩnh vực cung cấp dịch vụ. Theo ban lãnh đạo Viettel Post, công ty hiện đã sử dụng tới 80% công suất của hạ tầng đã đầu tư và khoảng 120% công nghệ đã xây dựng. Tính chung thị trường thương mại điện tử, mỗi ngày có khoảng 6 – 7 triệu đơn hàng.

Với công suất hệ thống hiện tại, Viettel Post có thể đáp ứng được khoảng 4 triệu đơn hàng/ngày. Với kế hoạch tăng trưởng khoảng 30%/năm, nếu hiện tại không đầu tư thêm gì thì hệ thống có thể chịu tải hết 2025 và đầu năm 2026 bắt buộc phải đầu tư mới. Do đó, trong giai đoạn 2024 – 2025, Viettel Post dự kiến sẽ chi khoảng 3.000 tỷ đồng để mở rộng hạ tầng kho bãi, đầu tư hệ thống chia chọn tại loạt địa phương.

Trong quý 4/2024, dự kiến Trung tâm khai thác hàng hóa tại Đà Nẵng với tổng diện tích gần 10 ha dự kiến sẽ đi vào hoạt động, tập trung vào các nhóm hàng FMCG và dược phẩm, giúp hàng hóa lưu thông thêm thuận tiện giữa các vùng miền trên cả nước. Vừa qua, Viettel Post đã ký kết thoả thuận hợp tác với chính quyền TP.Bằng Tường và TP.Nam Ninh tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc về việc mở văn phòng đại diện và xây dựng các trung tâm logistics tại hai thành phố này.

Theo kế hoạch, Viettel Post sẽ kết nối hàng hóa nông sản của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN (Lào, Myanmar, Campuchia) thông qua tuyến đường sắt. Hàng hóa được tập kết tại Nam Ninh sau đó phân phối sang các tỉnh của Trung Quốc. Ngoài ra, Viettel Post dự kiến mở công ty chuyển phát tại thị trường Lào, mở văn phòng đại diện tại Thái Lan.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của VTP

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo Viettel Post cho biết, hiện doanh thu từ khối khách hàng B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp – khách hàng) chiếm khoảng 40% tổng doanh thu công ty, còn lại là đến từ khối khách hàng C2C (người dùng – người dùng). Trong năm 2023, khối B2B và B2C ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 34% so với năm 2022.

Trong năm nay, Viettel Post sẽ tiếp tục tăng cường khai thác thị trường B2B và B2C, đưa mức tỷ trọng doanh thu này lên 50% tổng doanh thu. Hiện công ty đang đẩy mạnh hợp tác với loạt sàn giao dịch thương mại điện tử, hướng đến mục tiêu chiếm 20% thị phần chuyển phát tại Việt Nam trong năm nay và tiến dần đến vị trí số 1 thị trường, ban lãnh đạo Viettel Post cho biết.

Đáng chú ý, Viettel Post dự kiến sẽ duy trì mặt bằng giá vận chuyển như hiện nay, không giảm giá sâu so với thị trường để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Trong năm ngoái, cuộc chiến cạnh tranh gay gắt về giá giữa các đơn vị chuyển phát là nguyên nhân chính khiến doanh thu của Viettel Post giảm hơn 9% so với năm 2022.

Ban lãnh đạo Viettel Post chia sẻ, dù đã đầu tư về hạ tầng, tối ưu hoạt động song công ty không thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh về giá để lấy khách hàng. Trong năm nay, Viettel Post đặt kế hoạch doanh thu là 13.000 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2023, chủ yếu do dự kiến ngừng kinh doanh mảng thẻ cào. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận ở mức 480 tỷ đồng, tương đương năm 2023. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ dự kiến tăng 20%, đạt 12.000 tỷ đồng.

VDSC hiện nhận định bất chấp cuộc chiến về giá vẫn đang diễn ra, nhờ đầu tư hạ tầng đồng bộ, áp dụng công nghệ hiện đại giúp tối ưu quãng đường vận chuyển, qua đó nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành sản xuất, biên lợi nhuận của Viettel Post sẽ được cải thiện rõ rệt trong năm 2024.

Theo Minh Hiếu/Kinh tế Chứng khoán