QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ sự kiện giá dầu

Theo nhiều chuyên gia, các ngành sản xuất nhựa, phân bón, hóa chất, năng lượng… sử dụng nguyên liệu từ ngành công nghiệp hóa dầu có thể sẽ được hưởng lợi lớn khi giá dầu sụt giảm.

Trước sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu thế giới, nhiều doanh nghiệp nằm trong tốp đầu chuỗi cung ứng ngành dầu tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng (ở các mức độ khác nhau), các kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận đều bị biến động giảm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các ngành sản xuất nhựa, phân bón, hóa chất, năng lượng… sử dụng nguyên liệu từ ngành công nghiệp hóa dầu có thể sẽ được hưởng lợi lớn khi giá dầu sụt giảm.

Bên cạnh đó, giá dầu ở mức thấp có tác động tích cực tới nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng. Một số ngành khác được hưởng lợi như luyện kim, khai thác và đánh bắt thủy sản, xây dựng công trình giao thông, do xăng dầu chiếm tỷ lệ không nhỏ trong chi phí đầu vào.

Trên bình diện vĩ mô, Việt Nam trở thành nước nhập siêu xăng dầu từ năm 2015 đến nay. Vì thế, giá dầu giảm góp phần giảm nhập siêu và tiết kiệm ngoại tệ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Dẫn nguồn tinnhanhchungkhoan.vn, theo phân tích của Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, giá dầu Việc đưa giá dầu xuống mức âm được cho là nhằm giải phóng lượng hàng tồn kho trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt, nhưng điều này chỉ đúng một phần, việc bán khống và bán giải chấp từ những người bắt đáy do mua giá thấp mới là nguyên nhân chính trong ngắn hạn.

Vì sau đó 1 ngày, chính giá dầu WTI giao tháng 5 trước thời điểm đáo hạn đã tăng tới 50 USD/thùng để về mức dương 10 USD/thùng do tất toán các hợp đồng trên.

Giá hợp đồng giao tháng 6, các tháng sau đó và giá dầu WTI giao ngay đều là con số dương, còn giá dầu Brent vẫn quanh mốc 20 USD/thùng.

Tuy vậy, điều đáng nói lớn nhất ở đây là nhu cầu về dầu giảm rất mạnh, bất chấp OPEC+ và Mỹ cắt giảm sản lượng, cho thấy triển vọng xấu của nền kinh tế thế giới và giới đầu tư mất niềm tin.

Theo đó, thị trường chứng khoán bị tác động tiêu cực, chung tình trạng với bất động sản, nhưng vàng và trái phiếu chính phủ hấp dẫn hơn.

Về lý thuyết, khi giá dầu giảm, nhiều ngành được hưởng lợi vì chi phí đầu vào giảm, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động bất lợi, kinh tế thế giới suy thoái, các doanh nghiệp hạn chế hoạt động, người dân hạn chế đi lại, nên không tận dụng được nhiều.

Ông Trần Ðức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán Việt Nam

Còn theo ông Trần Ðức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán Việt Nam, biến động thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong ngắn hạn có mối tương quan cao đối với biến động giá dầu.

Ðiều này không chỉ thể hiện ở giai đoạn sụt giảm của thị trường ở thời điểm hiện tại, mà đã từng lặp lại nhiều lần trong quá khứ, trong đó đáng kể nhất có thể kể đến nhịp lao dốc của thị trường giai đoạn cuối năm 2014, khi giá dầu thế giới lao dốc do sự phát triển của công nghệ dầu đá phiến.

Mức tương quan cao này đến từ 2 nguyên nhân chính. Một là, giá dầu sụt giảm tác động trực tiếp đến nguồn thu của các doanh nghiệp dầu khí, vốn là nhóm có vốn hóa tương đối lớn và có tầm ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán. Hai là, giá dầu sụt giảm phần nào cho thấy khả năng tiêu thụ dầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp.

Ở thời điểm hiện tại, yếu tố thứ hai được khuếch đại khi mà kinh tế toàn cầu đang chịu tổn thương sâu sắc bởi dịch Covid-19, trong bối cảnh các yếu tố bất định đã xảy ra từ trước đó liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Brexit…

Ðối với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao, các rủi ro về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đều sẽ có ảnh hưởng lớn và thị trường chứng khoán phản ứng mạnh trong các phiên vừa qua là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tạm thời bỏ qua các lo ngại về tăng trưởng kinh tế hay việc sụt giảm nguồn thu ở nhóm doanh nghiệp dầu khí, việc giá dầu xuống mức thấp trên thực tế có những tác động tích cực và thiết thực đối với kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Giá dầu sụt giảm sẽ giúp kiềm chế lạm phát, qua đó Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để thực hiện các chính sách kích thích tiền tệ phù hợp đồng thời cũng gián tiếp giúp chi tiêu hộ gia đình gia tăng từ phần tiết kiệm chi phí đi lại giảm.

Hơn thế nữa, giá dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế và sự sụt giảm của giá dầu có thể coi tương đương với một gói kích thích lớn, giúp vực dậy các lĩnh vực chịu tổn thương sau dịch COVID-19. Các ngành được hưởng lợi trực tiếp có thể kể đến như vận tải, nhiệt điện khí, nhựa, phân bón…

Theo Quốc Trung/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nhieu-doanh-nghiep-huong-loi-tu-su-kien-gia-dau-65188.html