QC 1
Thứ 7, ngày 07/12/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhờ dòng Bank tăng trưởng, danh mục của Pyn Elite Fund tăng gần 7% trong tháng 1

Trong báo cáo hoạt động gần đây, quỹ ngoại đến từ Phần Lan – Pyn Elite Fund công bố tại thời điểm cuối tháng 1/2024, tổng tài sản ở mức 702 triệu Euro (khoảng 17.900 tỷ đồng), đi ngang so với cuối năm 2023.

Tính trong tháng 1/2023, danh mục Pyn Elite Fund có hiệu suất tăng trưởng đạt 6,8%, tốt hơn mức tăng 3% của chỉ số VN-Index. Quỹ đầu tư cho biết đóng góp chính cho hiệu suất danh mục là mã cổ phiếu ACV (+17,3%) và nhóm cổ phiếu ngân hàng là MBB và CTG với cùng mức tăng là 16,6%.

Đại diện quỹ Pyn Elite Fund phát biểu “Tổng lợi nhuận các mã ngân hàng trong danh mục của chúng tôi tăng 31% trong quý IV/2023 và tăng 18% ở cả năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, phần còn lại của VN-Index (không bao gồm các ngân hàng) trong năm 2023 ghi nhận giảm 13%”.

Top 10 khoản đầu tư tại cuối tháng 1 và hiệu suất đầu tư đến tháng 1.

Chiều ngược lại, các cổ phiếu trong danh mục quỹ giảm mạnh gồm SCS (-0,6%), CMG (-8,3%), SAB (-8,5%).

Đặc biệt, top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund ghi nhận sự xuất hiện của Công ty CP Chứng khoán DNSE, với tỷ trọng 5,4%. Mới đây, vào cuối tháng 12/2023, PYN Elite Fund và DNSE đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác. Chi tiết, quỹ ngoại đến từ Phần Lan sẽ nắm giữ 12% vốn và trở thành cổ đông lớn thứ hai của DNSE. Ngoài ra, danh mục của Pyn Elite Fund còn có STB, HDB, CTG, MBB, TPB, ACV, SHS, VEA và VHC.

Báo cáo của Pyn Elite Fund cho rằng vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB vào quý IV/2022 đã gây áp lực trong ngắn hạn với thị trường tài chính, đặc biệt là nhóm các Ngân hàng. Chính phủ theo đó đã quản lý tốt sự việc này. Các ngân hàng niêm yết không liên quan, không bị ảnh hưởng, và dự kiến sẽ có một năm tăng trưởng tích cực trong 2024.

Về kinh tế vĩ mô, hoạt động thương mại tăng trưởng trong tháng 1/2023 với xuất khẩu tăng 6,7% so với tháng trước, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó nhập khẩu tăng lần lượt 0,1% và 33%. Chỉ số PMI sản xuất đã trở lại vùng tăng trưởng và đạt mức 50,3 trong tháng 1, nhờ vào việc gia tăng số lượng đơn đặt hàng và hoạt động sản xuất mới.

Tổng vốn FDI giải ngân và FDI đăng ký tăng lần lượt 9,6% và 40,2% so với cùng kỳ. Lạm phát giảm xuống 3,4% so với cùng kỳ từ mức 3,6% vào ngày 23/12. Bên cạnh đó, lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu hơn trên diện rộng, xuống gần mức thấp nhất trong lịch sử.

Đầu tháng 1, quỹ ngoại Pyn Elite Fund (Non-Ucits) vừa báo cáo mua thêm 3,75 triệu cổ phiếu ASM để tăng sở hữu từ 13.130.200 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 3,9%), lên 16.880.200 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 5,02%), giao dịch được thực hiện ngày 15/1. Như vậy, sau ngày giao dịch, quỹ đến từ Phần Lan này đã chính thức trở thành cổ đông lớn tại Tập đoàn Sao Mai.

Quỹ Pyn Elite Fund đến từ Phần Lan có quy mô hơn 700 triệu EUR (~18.800 tỷ đồng) với danh mục đầu tư thiên về nhóm tài chính. Thời điểm cuối năm 2023, năm khoản đầu tư lớn nhất danh mục của quỹ đều là cổ phiếu ngân hàng, lần lượt là STB, HDB, TPB, CTG và MBB với tổng tỷ trọng lên đến gần 50%, theo sau là ACV, VRE, SHS, VEA và CMG.

Trả lời cho luận điển đầu tư, ông Petri Deryng – đồng sáng lập và quản lý danh mục đầu tư của quỹ Pyn Elite Fund từng chia sẻ rằng một trong những nguyên tắc then chốt là phải chọn cổ phiếu có tiềm năng lớn.

Chi tiết, quỹ ngoại này sẽ không chọn những cổ phiếu có đà tăng “đột biến” mà cần có thời gian tăng và cơ sở để tăng giá. Thay vào đó, nhóm quỹ này sẽ đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp trong vòng 5 – 10 năm tới, và quỹ sẽ tích lũy cổ phiếu phù hợp. Sau khi đầu tư với giá hợp lý, Pyn Elite Fund sẽ chờ đợi giá cổ phiếu đó tăng dần.

Trong năm 2023, Pyn Elite Fund ghi nhận mức hiệu suất đầu tư chỉ vỏn vẹn 1,69% và trở thành một trong những “cá mập” ngoại đầu tư kém sắc nhất toàn thị trường. Con số trên kém xa so với mức tăng 12,2% của VN-Index trong năm 2023. Nếu so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại các ngân hàng (khoảng 5%), hiệu suất đầu tư cả năm của Pyn Elite Fund đang rất khiêm tốn.

Theo Mộng Diệp/Kinh tế Chứng khoán