QC 1
Thứ 4, ngày 01/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhờ giá vốn hàng bán giảm hơn 1.200 tỷ, Nhựa Bình Minh báo lãi ròng 2023 tăng 150%

Lũy kế cả năm 2023, Nhựa Bình Minh đem về 1.041 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng gấp 150% so với cùng kỳ 2022 mặc dù doanh thu sụt giảm 625 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt 1.454 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng chiều, các khoản chi phí tại Nhựa Bình Minh đều ghi nhận tăng, trong đó có danh mục tăng gần gấp đôi. Chi tiết, chi phí tài chính tăng gần 4 tỷ đồng, đạt mức 43 tỷ đồng; chi phí bán hàng bị độn lên 1,9 lần, ghi nhận 224 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 26 tỷ đồng lên 37 tỷ đồng.

Ngược lại, giá vốn hàng bán có phần giảm nhẹ xuống gần 70 tỷ đồng, đạt con số 864 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, giá vốn và thuế, doanh nghiệp nhựa “bỏ túi” 257 tỷ đồng sau quý 4/2023, tương ứng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Nhựa Bình Minh quý 4/2023.

Lũy kế cả năm 2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.157 tỷ đồng, tương ứng giảm 12% so với cùng kỳ kinh doanh năm 2022. Ngoài ra, các khoản chi phí tại doanh nghiệp này đều tăng trừ chi phí tài chính giảm nhẹ xuống 146 tỷ đồng.

Nhờ giá vốn hàng bán giảm hơn 1.200 tỷ đồng, Nhựa Bình Minh báo lãi ròng đạt 1.041 tỷ đồng, tức gấp 150% so với cùng kỳ kinh doanh năm 2022.

Năm 2023, BMP đặt mục tiêu kinh doanh với mục tiêu doanh thu 6.357 tỷ đồng và lãi sau thuế 651 tỷ đồng, tăng 9% về doanh thu nhưng giảm 6% về lợi nhuận so với thực hiện 2022. Như vậy, sau một năm hoạt động, Nhựa Bình Minh chưa đạt được mục tiêu doanh thu nhưng lãi sau thuế vượt 160% kế hoạch năm.

Tính đến cuối quý 4/2023, Nhựa Bình Minh có tổng tài sản đạt 3.255 tỷ đồng, tăng 6,8% so với hồi đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp sở hữu 821 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 1.190 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn còn 174 tỷ đồng, giảm 38% và hàng tồn kho còn 364 tỷ đồng, giảm 37%.

Ngược lại, doanh nghiệp còn 565 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 33% so với đầu năm. BMP còn 154 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn; 82 tỷ đồng phải trả ngắn hạn và 55 tỷ đồng vay và nợ thuê ngắn hạn.

Gần đây, Nhựa Bình Minh gây chú ý với các nhà đầu tư khi chi trả cổ tức tổng cộng tới 118% qua 2 đợt: đợt 2/2022 và tạm ứng đợt 1/2023. Nhựa Bình Minh nổi tiếng là một trong những doanh nghiệp có chính sách chia cổ tức ổn định nhất trên sàn chứng khoán. Năm 2022, doanh nghiệp đã trích đến 99% lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 84% mệnh giá. BMP được dự báo sẽ còn trả cổ tức cao cho đến năm 2025.

Cổ đông hưởng lợi nhất phải kể đến là SCG khi “vớ bẫm” cổ tức từ Nhựa Bình Minh. Từ năm 2012 đến nay, chưa năm nào doanh nghiệp nhựa này quên chia cổ tức bằng tiền. Năm 2022, doanh nghiệp này dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84% bằng tiền, trong đó cổ đông Thái Lan bỏ túi 376 tỷ đồng. Đây cũng là mức cổ tức kỷ lục trong một năm của Nhựa Bình Minh.

Nhờ kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ “khủng” lên đến 65% mà SCG tiếp tục thu về 293 tỷ đồng. Ước tính, tổng số tiền cổ tức mà “đại gia” Thái Lan thu về từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh đã lên đến gần 1.800 tỷ đồng.

Diễn biến thị trường chứng khoán, phiên chiều 25/01, cổ phiếu BMP đang giao dịch trong vùng 104.300 đồng/cp, tương ứng giảm 4,14%.

Đáng chú ý, gần đây, câu lạc bộ thị giá 3 chữ số trên sàn chứng khoán đón thêm một thành viên mới là cổ phiếu BMP sau cú “nhấn ga” ngoạn mục phiên 22/12. Cổ phiếu này tăng kịch trần lên lập đỉnh lịch sử mới tại mức 100.000 đồng/cp. Con số này đưa BMP lọt vào top 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HOSE bên cạnh VCF, RAL, VJC và FRT.

Tính từ đầu năm 2023, BMP đã tăng gần gấp đôi thị giá. Vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh cũng theo đó tăng thêm 4.000 tỷ, lên mức xấp xỉ 8.200 tỷ đồng qua đó củng cố vị trí số 1 trong ngành nhựa trên sàn chứng khoán.

Theo Mộng Diệp/Kinh tế Chứng Khoán