QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nợ xấu của VIB tăng 47% trong năm 2023, lên tới hơn 8.300 tỷ đồng

Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của VIB tăng mạnh 47% so đầu năm, lên mức 8.374 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023. Theo đó, ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 11% so cùng kỳ, lên mức 4.333 tỷ đồng.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận khả quan như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 2,5% lên 860 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác gấp 4,4 lần lên 374 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối từ lỗ 52 tỷ của cùng kỳ sang lãi 244 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng từ mức lỗ 97 tỷ thành có lãi 30,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên kỳ này chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VIB tăng vọt gấp 4,8 lần khi chiếm 1.693 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của VIB chỉ đạt 1.902 tỷ đồng, suy giảm 14% so cùng kỳ 2022.

Luỹ kế 2023, thu nhập lãi thuần và các nguồn thu ngoài lãi của VIB đều tăng trưởng nên tổng thu nhập ghi nhận 22.160 tỷ đồng, tăng 23% so năm trước. Dự phòng rủi ro tín dụng vọt gấp 3,7 lần lên 4.846 tỷ đồng. Dù vậy, VIB vẫn lãi ròng 8.562 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 1% so với năm 2022.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của VIB tăng thêm 19,5% so với đầu năm, lên mức 409.880 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 266.345 tỷ đồng, tăng 14,8%. Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng tăng 51% lên 60.956 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi của khách hàng chiếm 236.577 tỷ đồng, tăng 18,2% so đầu năm.

Tổng nợ xấu của VIB tăng mạnh 47% so đầu năm

Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của VIB tăng mạnh 47% so đầu năm, lên mức 8.374 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn vẫn ở mức 2.198 tỷ, song nợ nghi ngờ tăng vọt hơn gấp đôi lên 3.697 tỷ đồng, còn nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 61% khi chiếm 2.479 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 2,45% của đầu kỳ lên tới 3,14%.

Liên quan về cổ phiếu, vào hồi đầu tháng 7-8/2023, Ngân hàng VIB ghi nhận loạt giao dịch “khủng” liên quan đến lãnh đạo và người thân trong bối cảnh ngân hàng này ghi nhận các kết quả kinh doanh tương đối tích cực. Cụ thể:

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Thành viên HĐQT Độc lập của ngân hàng VIB đã mua thành công 25 triệu cổ phiếu VIB để “đầu tư cá nhân”. Giao dịch này được thực hiện từ ngày 25/7 – 16/8 theo phương thức thỏa thuận.

Sau giao dịch, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh sở hữu tổng cộng 25 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 0,99% vốn điều lệ ngân hàng VIB. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/8, cổ phiếu VIB đạt 20.650 đồng/cổ phiếu. Ước tính theo mức giá này, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh có thể đã phải chi khoảng 516 tỷ đồng để sở hữu 25 triệu cổ phiếu VIB.

Cùng trong bối cảnh trên, ông Đặng Quang Tuấn, con trai ông Đặng Khắc Vỹ – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB đã bán thành công toàn bộ hơn 124,7 triệu cổ phiếu VIB đang sở hữu. Giao dịch này được thực hiện từ ngày 21/7 – 9/8 theo phương thức thỏa thuận. Ước tính theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu VIB vào ngày 9/8, ông Đặng Quang Tuấn có thể đã thu về gần 2.600 tỷ đồng từ thương vụ này.

Đáng chú ý, trong cùng thời gian giao dịch của ông Đặng Quang Tuấn diễn ra, Công ty CP Funderra – tổ chức có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ, đã đăng ký mua 124,7 triệu cổ phiếu VIB để đầu tư. Tại thời điểm đăng ký giao dịch này, Funderra không sở hữu bất kỳ cổ phiếu VIB nào. Nếu giao dịch của Funderra diễn ra thành công thì tổ chức này sẽ nắm giữ hơn 4,91% vốn điều lệ của ngân hàng VIB. Hiện chưa có báo cáo kết quả giao dịch của Funderra.

Ở một diễn biến khác, Ngân hàng VIB vừa phát hành 421,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 20%; qua đó, nâng vốn điều lệ thêm 4.215 tỷ đồng, lên mức 25.292 tỷ đồng.

Theo Tiểu Vy/Kinh tế Chứng Khoán