QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ông Trump lại tuyên bố muốn ký thỏa thuận hạt nhân với Nga và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nhắc lại quan điểm muốn ký kết thỏa thuận hạt nhân ba bên mới với Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

“Tôi tin rằng khi gặp được cả Nga và Trung Quốc, chúng tôi sẽ soạn thảo một thỏa thuận hạt nhân”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 21/10.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết thêm rằng vấn đề này đang được thảo luận với Nga và Trung Quốc và ông cũng đã đề cập tới chủ đề này trong các cuộc đàm phán thương mại gần đây với Trung Quốc.

Hiệp ước START-3 được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai.

Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm. Nga coi START mới là “hòn đá tảng đối với an ninh thế giới,” song Washington nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này.

START-3 được xem là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ. Tuy nhiên hiệp ước này dự kiến sẽ hết hạn vào đầu năm 2021.

Giống Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Nga và Mỹ đã cùng rút ra trong năm nay, chính quyền ông Trump cho rằng Start Mới không nên được gia hạn nếu Trung Quốc vẫn đứng ngoài lề.

Ông Trump tuyên bố mong muốn thực hiện thỏa thuận hạt nhân ba bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của Mỹ, Trung Quốc cho tới nay vẫn từ chối các cuộc đàm phán ba bên, cho rằng nước này còn kém xa Mỹ và Nga, 2 nước hiện chiếm hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới.

Ngoài Trung Quốc, các cuộc đàm phán của Mỹ với Nga cũng trở nên phức tạp do sự mất niềm tin ngày càng gia tăng giữa hai nước.

Sự thất bại trong việc gia hạn hiệp ước có thể đánh dấu sự chấp dứt của các thỏa thuận trong nhiều thập niên nhằm hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia nói rằng điều đó sẽ gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại tới các quốc gia khác, từ Ả rập Xê út tới Triều Tiên – hiện đang theo đuổi các chương trình hạt nhân.

Việc mất Start cũng sẽ gửi một tín hiệu tới thế giới rằng 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không quan tâm về việc kiểm soát vũ khí.

Theo Thanh Tú/VietnamFinance