QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phát hành trái phiếu bùng phát như… “nấm mọc sau mưa”

Theo thống kê, tháng 4/2022 chỉ ghi nhận vỏn vẹn 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ từ nhóm ngân hàng (chiếm đến 90,7% tổng giá trị). Đáng chú ý, nhóm bất động sản trong tháng này không phát hành một đợt trái phiếu nào.

Thị trường trái phiếu đã nóng trở lại (ảnh minh hoạ)

Số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022.

Cụ thể, trong tháng 5/2022, có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và 34 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 24.105 tỷ đồng.

Sang đến tháng 6/2022 (tính đến ngày 24/6/2022), số liệu của VBMA cho thấy có 1 đợt phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 100 triệu USD của CTCP VinGroup và 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6 với giá trị là 18.210 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy từ đầu tháng 5/2022 đến nay, nhóm các doanh nghiệp liên hệ đến NovaLand đứng đầu với tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt 8.657 tỷ đồng, gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đại Hùng (1.500 tỷ đồng), CTCP Nova Hotels & Resorts (300 tỷ đồng), CTCP Nova W Sand (300 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (6.557 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, phải kể đến nhóm: Trung Nam Group (2.800 tỷ đồng), Tập đoàn Hưng Thịnh (1.684,7 tỷ đồng), VinPearl (2.049,87 tỷ đồng), nhóm IMG (215,8 tỷ đồng). Ngoài ra, có thể kể đến một số đơn vị như: CTCP Đầu tư và Bất động sản Hưng Lộc (150 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Nam Long (500 tỷ đồng)….

Từ những thông số trên có thể thấy rõ thị trường trái phiếu đã “ấm dần” sau vụ việc 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh “gây bão” với thông tin bị huỷ bỏ, cũng như một loạt lãnh đạo của Tập đoàn này xộ khám với tội danh Lừa đảo…Chính nguyên cớ đó đã khiến cho thị trường trái phiếu trở nên nguội lành, còn nhà đầu tư như ngồi trên lửa với nỗi lo tiền mất tật mang.

Theo thống kê, tháng 4/2022 chỉ ghi nhận vỏn vẹn 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ từ nhóm ngân hàng (chiếm đến 90,7% tổng giá trị). Nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành. Đáng chú ý, nhóm bất động sản trong tháng này không phát hành một đợt trái phiếu nào.

Không chỉ có vậy, các ngân hàng thương mại chịu áp lực mua lại trái phiếu từ khách hàng bán ra càng khiến “room” tín dụng tăng cao. Tính đến hết ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35%. Tuy vậy, nhiều ngân hàng từ đầu tháng 6 đã cho biết sắp sửa cạn “room” tín dụng, và đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm nới thêm “room”.

Hiện tại, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được gửi lấy ý kiến Bộ Tư pháp, theo quy trình thì sau đó có thể hoàn chỉnh sớm để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Bộ Tài chính cho biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 tập trung quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu; quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn hoạt động, ảnh hưởng khả năng thanh toán gốc, lãi của doanh nghiệp…

Cùng với đó, phương án tổ chức thị trường trái phiếu thứ cấp đã được Bộ Tài chính phê duyệt, chờ Nghị định 153 sửa đổi ban hành thì sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện và hướng đến vận hành thị trường. Việc này được kỳ vọng nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ khâu phát hành đến giao dịch.

Theo NPV/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/phat-hanh-trai-phieu-bung-phat-nhu-nam-moc-sau-mua-139638.html