QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phiên giao dịch ngày 2/11/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 2/11/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV

Khuyến nghị mua cho cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 68.400VND/cp

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE – Mã: NLG) cho biết, doanh thu thuần quý 3/2021 đạt 151 tỷ VND (-76% YoY), lợi nhuận sau thuế đạt 295 tỷ (+822% YoY).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 787 tỷ VND (-41% YoY) do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam trong Quý 3 đã ảnh hưởng tới quá trình bàn giao dự án Akari City. Phần lớn doanh thu đến từ bàn giao một số căn hộ lẻ tại các dự án cũ đã triển khai. Lợi nhuận sau thuế đạt 709 tỷ VND (+227% YoY). Lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh nhờ (1) Ghi nhận 423 tỷ VND lợi nhuận từ đánh giá lại dự án Izumi sau khi mua thêm 30% cổ phần trong quý 1 (tỷ lệ sở hữu hiện tại của NLG tại dự án này là 70%) (2) Lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết nhờ bàn giao 309 căn từ dự án Southgate (3) Ghi nhận 362 tỷ VND lợi nhuận từ đánh giá lại tài sản khi hợp nhất CTCP Southgate trong quý 3.

KBSV vừa đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 68.400VND/cp. Hình minh họa

Tính cuối quý 3/2021, Nam Long đã hoàn thành lần lượt 16% và 62% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm 2021.

Trong quý 4/2021, KBSV ước tính Nam Long sẽ bán được 881 sản phẩm từ các dự án Flora Mizuki MP9-10, Southgate, Cần Thơ và dự án Izumi City, tương đương với tổng giá trị bán hàng đạt 3.865 tỷ VND. Lũy kế cả năm, Nam Long bán được 2.236 sản phẩm (+98% YoY) với tổng giá trị đạt 8.943 tỷ VND (+135%YoY).

Nam Long sẽ đẩy mạnh bàn giao tại ba dự án Akari City, Southgate và dự án Cần Thơ trong quý 4/2021. Chúng tôi ước tính, trong quý 4/2021, Nam Long sẽ bàn giao khoảng 1.480 sản phẩm tại 3 dự án này với doanh thu ghi nhận là 4.185 tỷ VND. Như vậy, cho cả năm 2021, Nam Long dự kiến ghi nhận 4.256 tỷ VND từ bán đất, căn hộ, biệt thự/nhà phố.

Kết quả kinh doanh duy trì đà tăng trưởng trong các năm tới. KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của NLG đạt lần lượt 5.109 tỷ VND (+130% YoY) và 1.441 tỷ VND (+69% YoY). Cho năm 2022, KBSV ước tính doanh thu của NLG đạt 7.108 tỷ VND (+39% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.809 tỷ VND (+26% yoy).

Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 68.400VND/cổ phiếu, cao hơn 18% so với giá đóng cửa ngày 29/10/2021.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu TCB với giá mục tiêu cao hơn là 64.100đ/cp

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank (HOSE – Mã: TCB), tín dụng Q3/21 tăng 33% svck nhưng chỉ tăng 3,9% so với quý trước, thấp hơn mức tăng 6,2%/6% so với quý trước trong Q1-Q2/21. Cùng với biên lãi suất (NIM) không đổi svck là 5,6%, TN lãi thuần (NII) tăng 31% svck. Tuy nhiên, so với Q2/21, NIM dự báo cả năm trong Q3/21 giảm 32 điểm cơ bản (đcb), chủ yếu do lợi suất tài sản giảm 26 đcb do TCB giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong Q3/21. Trong khi đó, TN ngoài lãi (Non-II) giảm 13,3% svck do TN khác giảm 81,2% svck. Về mặt chi phí, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm xuống 29,9% trong Q3/21 từ 33,2% trong Q3/20; trong khi chi phí dự phòng giảm 43% svck. Do đó, LN ròng tăng 40% svck trong Q3/21, thấp hơn mức tăng 67,2% svck trong Q2/21.

Tín dụng của TCB tăng lên 17% trong 9T21 từ 12,6% trong 6T21 và gần gấp đôi tỷ lệ 9,2% trong 9T20, nhờ dư nợ vay tăng 15,7% và trái phiếu doanh nghiệp tăng 25,1%. NIM dự báo cả năm trong 9T21 tăng 89 đcb svck lên 5,7% do chi phí vốn giảm 118 đcb svck nhờ tỷ lệ CASA tăng lên 49% cuối Q3/21 trong khi lợi suất tài sản chỉ giảm 12đcb svck, được hỗ trợ nhờ mở rộng cho vay bán lẻ vững chắc (+24,3% sv đầu năm). Do đó, NII tăng 46,3% svck trong 9T21. Non-II tăng 24,7% svck nhờ TN phí thuần (NFI) tăng 37,2% svck. Hệ số CIR giảm xuống 28,9% trong 9T21 từ 32,8% trong 9T20 do cải thiện hiệu quả hoạt động; và chi phí dự phòng giảm 9,2% svck do chất lượng tài sản vững chắc của ngân hàng. Nhờ vậy, LN ròng tăng 60,6% svck trong 9T20, gấp 3,2 lần tốc độ tăng trong 9T20, hoàn thành 85,5% dự báo cả năm của chúng tôi

Tại cuối Q3/21, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 0,57% từ mức 0,36% vào cuối Q2/21, trong khi dự phòng bao nợ xấu (LLR) giảm xuống còn 184,4% từ mức 258,9% vào cuối Q2/21. Trong khi đó, nợ tái cơ cấu tăng lên 2,8 triệu tỷ đồng (0,9% dư nợ vay cuối Q3/21) từ 2,7 triệu tỷ đồng vào cuối Q2/21.

VND nâng EPS giai đoạn 2021-23 lên 9-12% do tăng trưởng tín dụng và mở rộng NIM cao hơn kỳ vọng trước đó; CIR thấp hơn kỳ vọng trước đó; và chi phí tín dụng cao hơn. Do đó, giá mục tiêu mới của VND tăng lên 64.100 đồng/cp từ 57.100 đồng/cp trước đó, theo định giá thu nhập thặng dư (Chi phí vốn: 12,7%, tăng trưởng dài hạn: 4%) và P/B 2,2 lần trung bình giá trị sổ sách FY21-22, tỷ trọng bằng nhau. VND chuyển sang trung bình giá trị sổ sách FY21-22 từ giá trị sổ sách 2021 trước đó. Tiềm năng tăng giá là tăng trưởng tín dụng và NIM cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá là nợ xấu cao hơn dự báo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Có thể mua cổ phiếu CSV ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam (HOSE – Mã: CSV) ghi nhận doanh thu Q3/2021 đạt 356 tỷ, tăng 9% YoY, LNTT đạt 50 tỷ, giảm 7% YoY. Theo đó, lũy kế 9T2021, CSV ghi nhận doanh thu 1,055 tỷ, tăng 6% YoY, LNTT đạt 169 tỷ đồng, giảm 6% YoY. Như vậy, sau 9 tháng CSV đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch LNTT.

Doanh thu Q3/2021 tiếp tục tăng trưởng khả quan bất chấp COVID do giá hóa chất tăng cao so với cùng kỳ và các khách hàng của CSV là các doanh nghiệp lớn mảng tiêu dùng nên ít chịu ảnh hưởng hơn do COVID (Unilever, P&G, NET, Ajinomoto, Pinaco…). Tuy nhiên, LNST giảm nhẹ cho biên lãi gộp giảm 340bps YoY xuống 22,9% và các chi phí tăng thêm cho “3 tại chổ”.

Do đặc trưng về tính độc quyền của CSV tại thị trường hóa chất cơ bản miền Nam trong mảng bán buôn và các khách hàng lớn là doanh nghiệp tiêu dùng, FSC kỳ vọng doanh thu CSV sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới do nhu cầu tiêu dùng hồi phục mạnh sau khi giãn cách. Các chi phí sản xuất liên quan COVID cũng sẽ ít hơn sẽ giúp biên lợi nhuận phục hồi tích cực.

Cơ cấu nguồn vốn của CSV khá lành mạnh khi nợ vay chỉ chiếm 6,7%. Ngoài ra, CSV cũng nằm trong kế hoạch thoái vốn của Vinachem (65% xuống 51%).

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, CSV đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 12,3x (tương ứng EPS TTM là 3.876 VNĐ). Mức Stock Rating của CSV ở mức 85 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của CSV vượt lên trên đường trung bình 20 và 50 ngày với KLGD tăng đột biến so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của CSV cũng được nâng lên mức TĂNG. Tuy nhiên, mức Sức mạnh giá của CSV vẫn dưới 80 điểm. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 15,33% nếu Sức mạnh giá trên mức 80 điểm.

Xem xét mua cổ phiếu MST ở mức giá hiện tại

CTCP Đầu tư MST (HNX – Mã: MST) ghi nhận doanh thu Q3/2021 đạt 77 tỷ, tăng 275% YoY, LNST đạt 16 tỷ, tăng 3.558% YoY. Theo đó, lũy kế 9T2021, MST ghi nhận doanh thu 312 tỷ, tăng 392% YoY, LNST đạt 45 tỷ đồng, tăng 5.332% YoY. Như vậy, sau 9 tháng MST đã hoàn thành 28% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch LNST.

KQKD Q3/2021 khả quan nhờ doanh thu từ mảng xây dựng dự án I-Tower Quy Nhơn (76 tỷ đồng) và doanh thu tài chính từ tiền lãi phạt 18 tỷ do chậm thanh toán đối với Công ty BĐS Đô Thành. Năm 2021, MST đặt kế hoạch doanh thu 1.100 tỷ, LNST 96 tỷ đồng và cổ tức 15%. Doanh nghiệp cho biết COVID đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ dự án I-Tower Quy Nhơn cũng như việc thanh toán nghiệm thu công trình.

Trong ngắn hạn, MST sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để nghiệm thu bàn giao dự án I-Tower Quy Nhơn trong 1-2 quý tới. Đầu tháng 9, MST đã mua thành công 3.6 triệu cổ phiếu VC2 (tương đương 24% sở hữu), kỳ vọng sẽ giúp MST hoàn thiện hệ sinh thái để tham gia các hợp đồng thầu xây dựng lớn hơn và mảng xây dựng các dự án đầu tư công.

Đối với mảng BĐS, MST đang tiếp tục triển khai các dự án đang góp vốn như dự án An Bình Riverside, dự án xây dựng Ký túc xá số 4 tại ĐHQG Hà Nội. Đây sẽ là các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, MST đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 13,4x (tương ứng EPS TTM là 1.289 VNĐ). Mức Stock Rating của MST ở mức 91 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của MST đóng cửa phiên cuối tháng 10 tăng gần 10% trong phiên 29/10/2021 với KLGD tăng đột biến so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá đạt mức cao nhất 52 tuần và có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của MST được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Tân An/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/phien-giao-dich-ngay-2112021-nhung-co-phieu-can-luu-y-104755-104755.html