QC 1
Thứ 2, ngày 17/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quét mã khai báo thông tin: Chỉ 1 vài giây thay thế loạt thủ tục, giấy tờ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), nhiều kết quả nổi bật đã được ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam, trong đó đáng chú ý là những dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Khai báo lưu trú qua VneID

Thực hiện Đề án 06, thời gian qua, Công an TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) tập trung triển khai phần mềm thông báo lưu trú ASM tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Đây là mô hình số 9 trong 43 mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích của Đề án 06. Mô hình nhằm tạo thêm tiện ích trong công tác khai báo và quản lý lưu trú.

Qua triển khai, đến nay trên địa bàn Tam Kỳ có 23/130 cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, nhà công vụ…) đã thực hiện khai báo qua ASM; 90/130 cơ sở lưu trú được cấp tài khoản. Cùng với triển khai cấp tài khoản, cài đặt phần mềm, Công an Tam Kỳ đã làm việc với chủ cơ sở lưu trú để thí điểm lắp đặt thiết bị quét QR tại một số khách sạn có lượng khách lưu trú lớn. Thiết bị do Bộ Công an cung cấp, được kết nối trực tiếp với phần mềm ASM, nhằm tạo thuận lợi trong khai báo và quản lý lưu trú.

Ảnh minh hoạ

Ghi nhận thực tế tại khách sạn Anh Huy trên đường Phan Châu Trinh (phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ), sau khoảng 15 phút được cán bộ Công an Tam Kỳ cài đặt, hướng dẫn, nhân viên khách sạn này đã thực hiện thuần thục quy trình quét mã QR trên căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc trên ứng dụng VneID để khai báo lưu trú.

Trải nghiệm tiện ích này, chị Hồ Thị Thanh Phượng, nhân viên lễ tân tại khách sạn Anh Huy, cho biết: “Khi khách đến làm thủ tục lưu trú, chỉ cần đưa CCCD gắn chíp hoặc mã QR trên ứng dụng VneID cho máy quét là toàn bộ các thông tin tự động nhập vào phần mềm mà không cần nhập tay như trước. Điều này sẽ giúp khách thoải mái hơn vì không phải đứng chờ làm thủ tục quá lâu”.

Còn chị Đoàn Thị Thảo Linh, nhân viên lễ tân khách sạn Trâm Oanh trên đường Trương Chí Cương (phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ), sau khi trải nghiệm công nghệ khai báo lưu trú cho biết: “Khách sạn chúng tôi có tổng cộng 22 phòng. Những lúc kín phòng vào mùa cao điểm, việc làm thủ tục khai báo lưu trú rất tốn thời gian vì phải nhập liệu lần lượt nhiều trường thông tin trên phần mềm. Với máy quét này, chỉ mất vài giây là thông tin khách hàng tự động nhập chính xác lên hệ thống. Trường hợp khách quên đem theo CCCD thì có thể dùng mở mã QR trên ứng dụng VneID để quét mà không cần phải giữ giấy tờ như trước”.

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, phần mềm ASM được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an triển khai từ ngày 27/2/2023, kết nối với hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phát triển ứng dụng của thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Phần mềm khai báo lưu trú qua ứng dụng VneID tích hợp khá nhiều tiện ích hữu hiệu cho cơ sở kinh doanh lưu trú như quản lý phòng nghỉ, nhân viên, khách đến lưu trú, các dịch vụ kinh doanh…

Thượng tá Trương Công Thái, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết với việc triển khai phần mềm thông báo lưu trú ASM, khách đến lưu trú có thể sử dụng VNeID quét mã tại cơ sở lưu trú phục vụ kê khai tự động, không cần phải xuất trình các loại giấy tờ để xác minh nhân thân. Phần mềm sẽ khắc phục những hạn chế, thiếu sót nguy cơ lộ lọt, mất dữ liệu công dân, tiềm ẩn phát sinh các vấn đề liên quan đến tội phạm, mất an ninh trật tự.

Phát huy tối đa các nhóm tiện ích

Triển khai mô hình số 6 trong 43 mô hình của Đề án 06 về khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID, theo báo cáo của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Quảng Nam, đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã bố trí đầu đọc mã QR để khám, chữa bệnh BHYT sử dụng thẻ CCCD và VNeID. Kết quả rà soát tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ quét mã QR trên CCCD thành công đạt 60,9% lượt khám.

Thường xuyên đến khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Bích Thấn (xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ), cho biết trước kia dùng thẻ BHYT giấy không cẩn thận là bị nhàu nát, chưa kể đôi khi còn bị thất lạc. Bây giờ, bệnh viện cho dùng thẻ CCCD thay BHYT nên khi làm thủ tục khám nhanh hơn vì chỉ cần đưa vào máy quét là được xác nhận, không cần đem theo nhiều giấy tờ.

Ảnh minh hoạ

Theo Sở Y tế Quảng Nam, triển khai Đề án 06, đến nay, tổng số dữ liệu làm sạch thông tin tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đạt 94,3%; cập nhật tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân cho người dân trên hệ thống Hồ sơ sức khoẻ điện tử là 91,9%. Ngoài ra, Sở Y tế đã phê duyệt, cấp phép thành công 51 đơn vị sử dụng hồ sơ sức khỏe chuyển dữ liệu Giấy khám sức khoẻ lái xe lên Cổng giám định BHYT liên thông phục vụ Đề án 06.

Đến nay, 100% các cơ sở y tế đã triển khai thanh toán không tiền mặt với nhiều hình thức, trong đó 3 bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện thành công kết nối liên thông dữ liệu 2 chiều với phần mềm Quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh BHYT.

Xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Đại tá Hồ Song Ân, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 2 năm 2022 và 2023, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành 1 chỉ thị, 3 nghị quyết, 7 kế hoạch, 14 quyết định, 16 thông báo và hơn 100 công văn triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các nhiệm vụ có liên quan.

Việc triển khai Đề án 06 đạt nhiều kết quả, thể hiện trên 5 nhóm tiện ích gồm dịch vụ công (DVC) thiết yếu; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; phát triển công dân số; kết nối, chia sẻ tạo lập dữ liệu dùng chung; phục vụ chỉ đạo, điều hành. Đáng chú ý, Công an tỉnh Quảng Nam đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng, đó là cấp hơn 1,4 triệu CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện cấp trên địa bàn từ ngày 22/6/2023; đã tạo lập, đăng ký thành công hơn 760 nghìn tài khoản định danh điện tử.

Về triển khai nhóm tiện ích về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, trong đó có 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công ngày càng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là 11 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng công an chủ trì, nhiều thủ tục có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%.

Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Quảng Nam xác định chủ đề thực hiện Đề án 06 năm 2024 là năm “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.

Theo Nam Xuân/ VietnamFinance