QC 1
Thứ 7, ngày 18/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quý 1/2024 Ocean Group lỗ 29,6 tỷ đồng, thay loạt nhân sự trước Đại hội cổ đông

Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã: OGC) ghi nhận quý 1 kinh doanh ảm đạm với doanh thu thuần chỉ đạt 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận bị âm tới 29,6 tỷ đồng. Công ty vẫn chưa thể xóa lỗ lũy kế tới 2.577 tỷ đồng.

Doanh thu sụt giảm, thua lỗ

Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã: OGC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu thuần chỉ đạt 120 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 132 tỷ đồng của quý 1/2023. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 30,8 tỷ đồng, giảm 18,3%. Sự sụt giảm này, theo Ocean Group giải trình là do tình hình kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ kém hơn.

Ocean Group báo lỗ 29,6 tỷ đồng trong quý 1/2024

Trong đó, doanh thu bán hàng giảm mạnh nhất chỉ đạt 87 tỷ đồng, còn doanh thu từ mảng dịch vụ lại tăng trưởng lên gần 34 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm mạnh chỉ đạt 6 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi và tiền cho vay. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng đột biến gấp 6 lần lên tớ 25,6 tỷ đồng.  

Trong kỳ, các chi phí bán hàng chỉ tăng nhẹ lên 21,8 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm mạnh xuống 24 tỷ đồng. Nhưng tập đoàn vẫn bị lỗ gộp 24,9 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế bị lỗ 29,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý 1/2023 chỉ lỗ 11,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của OGC giảm nhẹ xuống còn 4.682 tỷ đồng. Trong đó tập đoàn ghi nhận lượng tiền và các khoản tương đương tiền là hơn 143 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản phải thu hơn 114 tỷ đồng nhưng OGC phải trích dự phòng cho khoản mục nợ phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 173,7 tỷ đồng.

Tương tự, giá trị hàng tồn kho là hơn 340 tỷ đồng, nhưng công ty phải trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho tới 102 tỷ đồng.

Trong quý 1, OGC còn phải trích dự phòng gần 14,6 tỷ đồng cho các khoản đầu tư chứng khoán với giá trị ghi nhận 21,75 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 3, tổng nợ phải trả của tập đoàn giảm nhẹ xuống còn 3.155 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ dài hạn chiếm hơn 2.481 tỷ đồng, mà chủ yếu là khoản vay nợ tới 1.517 tỷ đồng.

Trong vòng 4 năm gần đây, kết quả kinh doanh của Ocean Group có tín hiệu khởi sắc, bắt đầu có lãi song vẫn ở mức thấp. Ngoại trừ năm 2021 tập đoàn này báo lỗ tới 280 tỷ đồng, thì các năm khác vẫn có lãi tích cực, như năm 2020 lãi 205 tỷ đồng, năm 2022 lãi 59 tỷ đồng và năm 2023 lãi 141 tỷ đồng, bám sát kế hoạch đề ra. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu của tập đoàn cũng dần cải thiện tăng lên.

Có thể thấy, Ocean Group đã vượt qua cuộc khủng hoảng từ biến cố lao lý của lãnh đạo hơn 1 thập kỷ trước. Sau khi đổi chủ, tập đoàn đã thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, bước đầu có lãi trở lại và củng cố niềm tin cho cổ đông, giúp cổ phiếu OGC trên sàn hồi phục.

Dù vậy, tập đoàn vẫn chưa có sự tăng trưởng bứt phá, nhất là khởi động lại các dự án bất động sản tiềm năng để đem về dòng tiền lớn, thoát khỏi cảnh thua lỗ. Hiện nay, tập đoàn vẫn đang chịu áp lực xử lý khối lỗ lũy kế lên tới 2.577 tỷ đồng, khiến cho vốn chủ sở hữu bị “bốc hơi” 50% hiện chỉ còn 1.527 tỷ đồng.

Bất ngờ thay loạt nhân sự cấp cao

Tập đoàn Đại Dương vừa triệu tập Đại hội cổ đông bất thường năm 2024 để xem xét việc thay đổi nhân sự cấp cao của công ty. Trước đó, 4 lãnh đạo cấp cao có đơn xin từ nhiệm từ ngày 8/1/2024 gồm: bà Phạm Thị Hồng Nhung, thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc; bà Trần Thị Ngọc Bích, thành viên độc lập HĐQT; bà Nguyễn Thị Thanh Hường, thành viên HĐQT; ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng ban Kiểm soát.

Cùng ngày 8/1, tập đoàn đã bổ nhiệm ông Phạm Hùng Việt giữ chức vụ Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Hiện, Hội đồng quản trị chỉ còn 2 người là bà Lê Thị Việt Nga và bà Nguyễn Thị Lan Hương. Ban điều hành chỉ còn duy nhất ông Phạm Hùng Việt vừa được bổ nhiệm.

Dàn lãnh đạo từ nhiệm ngay trước thềm Đại hội cổ đông Ocean Group năm 2024

Sự thay đổi nhân sự cấp cao này diễn ra sau khi nhóm cổ đông mới mua vào lượng lớn cổ phiếu OGC trên sàn chứng khoán. Cụ thể, vào tháng 12/2023, Công ty CP Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam hoàn tất mua 51,7 triệu cổ phiếu OGC (tương đương 17,24% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt mua 27 triệu cổ phiếu OGC (tương đương 9,02% vốn).

Đây là 2 doanh nghiệp mới được thành lập, chưa đầy 1 tuần tuổi trước thời điểm thực hiện thương vụ mua lô lớn cổ phiếu OGC.

Cụ thể, Công ty CP Thương mại phát triển nhà và đô thị Việt Nam được thành lập ngày 25/12/2023, trụ sở tại Tòa nhà VNT Tower, 19 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ của một số công ty trong hệ sinh thái Ocean Group. Người đại diện pháp luật là ông Phan Thành Long, sinh năm 1992.

Nếu tính theo giá cổ phiếu OGC là 7.050 đồng/CP ở thời điểm mua vào, ước tính Công ty Đô thị Việt Nam chi ra khoảng 364,7 tỷ đồng để mua lô cổ phiếu OGC, gần bằng số vốn điều liệu của doanh nghiệp này ở mức 367,2 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 12, Công ty CP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt được thành lập ngày 1/12/2023, do bà Đinh Thị Nhi (sinh năm 1994) làm Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 189,2 tỷ đồng, đã gom 27 triệu cổ phiếu OGC để trở thành cổ đông lớn nắm 9,02% vốn Ocean Group.

Nhóm cổ đông sáng lập của Công ty Sông Hồng Bắc Việt  gồm ông Nguyễn Đức Tâm sở hữu nhiều nhất với 47,7% vốn (9 triệu cổ phần); ông Lê Thanh Hải sở hữu 46,46% và bà Đặng Thị Thủy sở hữu 5,84%.

Giữa lúc biến động sở hữu cổ đông lớn ở thượng tầng, Ocean Group cũng ghi nhận sự dịch chuyển của dòng tiền lớn trong nội bộ nhóm chủ doanh nghiệp này. Hiện nay, IDS Equity Holdings là cổ đông lớn nhất sở hữu 51% cổ phần OGC (150 triệu cổ phần) sau khi Ocean Group rơi vào khủng hoảng.

Đồng thời, IDS Equity Holdings cũng sở hữu 22,32% vốn tại Ocean Hospitality (mã: OCH) là 1 công ty chủ lực trong hệ sinh thái Ocean Group (OGC sở hữu 55,53% OCH) và nắm giữ nhiều tài sản giá trị nhất.

Khoản đầu tư vào Ocean Group, theo đại diện nhóm cổ đông IDS Equity Holdings từng chia sẻ là khoảng 70 triệu USD, tương đương hơn 1.600 tỷ đồng ở thời điểm năm 2020.

Bất ngờ là, đến năm 2023 Ocean Group đã đầu tư ngược trở lại vào IDS Equity Holdings thông qua việc “công ty chắt” là Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng (công ty con của Công ty cổ phần Bánh Givral) đã mua lại 30% cổ phần của IDS Equity Holdings (mệnh giá cổ phần 10.000 đồng/CP). Giá trị gốc của khoản đầu tư này là 2.085 tỷ đồng, còn lớn hơn cả vốn chủ sở hữu của Ocean Group.

Trong vòng quay vốn nghìn tỷ, điều gì đang thực sự diễn ra với dòng tiền và khối tài sản khổng lồ của hệ sinh thái Ocean Group dưới thời điều hành của Chủ tịch Lê Thị Việt Nga?

Theo Thu Hằng/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn