QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quý 1 VietinBank lãi ròng 2.539 tỷ đồng, nợ xấu tăng “sốc” lên 16.000 tỷ đồng

Trong quý 1/2019, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 2.539 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 2.308 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối nợ xấu tiếp tục “phình” to  lên tới gần 16.000 tỷ đồng và có tới hơn 64% là nợ có nguy cơ mất vốn. 

Tín dụng của VietinBank quý 1/2019 chỉ tăng 0,8% nhưng nợ xấu tăng rất mạnh lên gần 16.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) vừa công bố BCTC hợp nhất và riêng lẻ quý 1/2019 với các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng cao.

Cụ thể, đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của VietinBank sụt giảm 1,5% so với đầu năm nay xuống mức hơn 1,14 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,8% so với đầu năm (tương ứng giảm 6.599 tỷ đồng) xuống còn 845.319 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng giảm 0,1% xuống mức 824.613 tỷ đồng.

Mặc dù dư nợ cho vay sụt giảm, nhưng thu nhập lãi thuần của ngân hàng kỳ này vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.950 tỷ đồng.

Mảng hoạt động dịch vụ bất ngờ có thu nhập 969 tỷ đồng, tăng tới 64% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng lãi đột biết 414 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, mảng mua bán chứng khoán kinh doanh chỉ lãi 131 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, còn chứng khoán đầu tư bị lỗ gần 83 tỷ đồng.

Trong quý 1, chi phí hoạt động của ngân hàng giảm nhẹ xuống 3.238 tỷ đồng, nên lợi nhuận thuần trước trích dự phòng rủi ro đạt 6.394 tỷ đồng, tăng 19% so với quý 1/2018. Nhưng do Vietinbank phải tăng trích lập dự phòng rủi ro trong kỳ gần 1.000 tỷ đồng (tăng 38%), nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 3.153 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.539 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với mục tiêu lợi nhuận 9.500 tỷ đồng cả năm nay, VietinBank đã hoàn thành được 32,6% kế hoạch.

Trước đó, quý 4/2018 Vietinbank bất ngờ báo lỗ 709 tỷ đồng do thực hiện phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, cùng với phương án tăng vốn chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, dẫn đến cạn dư địa tăng trưởng tín dụng. Tín dụng giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập lãi thuần giảm mạnh trong quý 4/2018. Do đầu năm nay, ngân hàng tập trung cho vay phân khúc có NIM cao hơn, bán lẻ, tăng thu nhập ngoài lãi, kiểm soát rủi ro… nên đã cải thiện đáng kể tăng lợi nhuận quý 1.

Đáng chú ý, mặc dù tín dụng sụt giảm trong quý đầu năm nhưng khối nợ xấu của VietinBank lại tăng mạnh lên tới 15.963 tỷ đồng, tức tăng hơn 2.200 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên mức 1,85% dư nợ. Nợ xấu tăng đột biến cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngân hàng này sụt giảm mạnh.

Chất lượng nợ xấu của VietinBank thời điểm cuối quý 1/2019 (nguồn: BCTC VietinBank)

Theo báo cáo, nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn của Vietinbank tiếp tục tăng thêm 1.000 tỷ đồng lên tới 10.488 tỷ đồng và chiếm hơn 65% tổng nợ xấu. Khối nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng rất mạnh trong vài quý gần đây, cụ thể đến cuối quý 3/2018 nợ xấu mới chỉ ở mức 5.217 tỷ đồng, tăng gấp đôi lên mức 9.470 tỷ đồng vào cuối quý 4/2018 và tăng gấp ba lần lên gần 16.000 tỷ đồng vào cuối quý 1 năm nay. Ngân hàng đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn khiến cho lợi nhuận bị teo tóp nhanh chóng, và Vietinbank đang bị tụt lại phía sau trong cuộc đua lợi nhuận với các nhà băng như Vietcombank, Techcombank, BIDV…

Ngoài khối nợ xấu gần 16.000 tỷ đồng, Vietinbank còn đang “ôm” trái phiếu đặc biệt VAMC hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đến cuối quý 1/2019, Vietinbank nắm giữa khối chứng khoán nợ do các TCKT trong nước phát hành lên tới 13.945 tỷ đồng và buộc phải trích lập dự phòng tới 2.234 tỷ đồng.

Trước đó, HSC đưa ra nhận định có khoảng 13.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tăng thêm trong danh mục tài sản nắm giữ của VietinBank vào cuối năm 2018 là trái phiếu đặc biệt VAMC. Song ngân hàng đã không thuyết minh chi tiết khoản mục này trong các kỳ báo cáo gần đây.

Theo Hải Hà/Kinh tế môi trường