Mới đây, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang ngày một tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp.
Đây là lần thứ 4 trong năm nay IMF điều chỉnh dự báo trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn ngày càng tăng sau nhiều cú sốc kinh tế xảy ra liên tiếp như đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga – Ukraine, thảm hoạ biến đổi khí hậu.
Phát biểu trước thềm Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – Kristalina Georgieva nhấn mạnh: Bên cạnh triển vọng kinh tế toàn cầu u ám, các nguy cơ suy thoái đang gia tăng. Chỉ trong chưa đầy 3 năm, thế giới chứng kiến nhiều cú sốc kinh tế. Sau đại dịch Covid-19, nguồn cung hàng hoá toàn cầu không bắt kịp sự gia tăng của nhu cầu tiêu dùng, khiến giá cả leo thang trên toàn thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức hơn khi cuộc xung đột Nga – Ukraine và thảm hoạ tự nhiên khiến giá lương thực gia tăng.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo: “Tất cả các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Khu vực đồng Euro bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Chuỗi cung ứng hàng hoá của Trung Quốc bị gián đoạn do đại dịch. Thị trường bất động sản của Trung Quốc bị suy thoái nghiêm trọng. Mỹ vốn có một thị trường lao động dồi dào và sôi động, nay cũng đang tăng trưởng chậm”.
Trước đó, Báo cáo Thương mại và Phát triển năm 2022 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng cảnh báo, việc các ngân hàng trung ương gần đây liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát là “một canh bạc liều lĩnh”. Vì chính sách tiền tệ này có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái toàn cầu kéo dài, gây thiệt hại nặng nề hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cú sốc đại dịch Covid-19.
Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển Rebeca Grynspan cho biết: “Chỉ tập trung thực hiện chính sách tiền tệ, mà không giải quyết các vấn đề bên cung hàng hoá, năng lượng và thực phẩm, cuộc khủng hoảng giá cả có thể trầm trọng thêm. Chúng ta vẫn còn thời gian để lùi lại khỏi bờ vực suy thoái. Chúng tôi kêu gọi áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả chiến lược, giảm thuế và các quy định chặt chẽ hơn nhằm phòng chống đầu cơ hàng hóa. Chúng ta cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng đầu cơ giá hàng hóa”.
Tình trạng lạm phát gia tăng trên khắp thế giới, các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm được xem là dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh này, một nỗ lực chung của các quốc gia phát triển là cần thiết, để ngăn gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hoá, bảo đảm cuộc sống của người dân.
Bà Georgieva cho biết thêm rằng: Thể chế tài chính toàn cầu này có kế hoạch tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 trong dự báo có thể được công bố tại hội nghị thường niên, dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Washington (Mỹ). Đây là hội nghị trực tiếp của IMF và WB đầu tiên kể từ năm 2019 – trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trước đó, tháng 7 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,2% và năm 2023 xuống còn 2,9%. Theo Bà Georgieva, các điều kiện tài chính thắt chặt trong thời gian dài sẽ làm phức tạp triển vọng kinh tế toàn cầu .
Theo Hải An/Kinh tế Môi trường
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/quy-tien-te-quoc-te-canh-bao-nguy-co-suy-thoai-kinh-te-toan-cau-gia-tang-72031.html