QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sẵn sàng cho bước ngoặt lịch sử?

Với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 – 28.2, Mỹ hy vọng, hai bên sẽ mang lại bước tiến mới trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Đông Bắc Á. Trong khi đó, Triều Tiên kỳ vọng, đây sẽ là bước ngoặt lịch sử, giúp “cởi trói” để nền kinh tế nước này phát triển mạnh mẽ hơn.

Kỳ vọng đột phá kinh tế

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, số ra ngày 18.2 có bài xã luận nhận định, Triều Tiên đang đứng trước bước ngoặt lịch sử. Bài xã luận viết: “Đã đến lúc chúng ta thắt chặt dây giày và chạy thật nhanh, nhắm đến mục tiêu cao, xa hơn trong thời khắc mang tính quyết định này”; đồng thời hối thúc người dân Triều Tiên nỗ lực hơn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cùng ngày, báo Rodong Sinmun có bài viết khác cho biết, Triều Tiên sẽ phát triển quan hệ với tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền và thân thiện với nước này, bất kể sự khác biệt về lý tưởng và hệ thống xã hội. Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh, Triều Tiên “sẵn sàng bắt tay và tạo nên lịch sử mới” ngay cả với quốc gia từng thù địch trong quá khứ, nếu nước đó có mong muốn cải thiện quan hệ song phương. Đây được coi là thông điệp mạnh mẽ mà chính quyền Bình Nhưỡng phát đi trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai. Sự chú ý dành cho sự kiện này tập trung vào việc Mỹ có thể đề nghị dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế Triều Tiên, để đổi lấy các bước đi cụ thể từ Bình Nhưỡng nhằm hướng đến phi hạt nhân.

Báo Kyodo News (Nhật Bản) cũng cho hay, người dân Bình Nhưỡng đặt nhiều hy vọng về đột phá kinh tế. Theo phóng viên Tomoyuki Tachikawa của Kyodo News, một số người dân địa phương bày tỏ hy vọng nền kinh tế Triều Tiên sẽ được hồi sinh, nhờ cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Ghi nhận của phóng viên cho biết, vài năm gần đây, những khẩu hiệu thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như phản đối “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” từng thịnh hành giờ không còn phổ biến ở Bình Nhưỡng. Gần đây, những biểu ngữ và bảng hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng kinh tế được dựng lên tại Thủ đô, nhấn mạnh sự nghiêm túc của Triều Tiên về việc thúc đẩy kinh tế quốc gia thay vì tăng cường khả năng vũ khí.

Trước đó, trên mạng xã hội Twitter ngày 8.2, Tổng thống Trump cho rằng, Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un sẽ trở thành một siêu cường kinh tế; đồng thời bày tỏ tin tưởng vào khả năng của người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng. Theo Tổng thống Mỹ, “Triều Tiên sẽ trở thành một loại tên lửa khác, tên lửa kinh tế!”. Phát biểu này càng củng cố kỳ vọng của dư luận vào kết quả bất ngờ và mang tính lịch sử tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai.

Sẵn sàng phá vỡ bế tắc

Trước khi tới Hàn Quốc để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun thừa nhận, hai bên không có định nghĩa cụ thể và còn bất đồng về khái niệm “phi hạt nhân hóa”. Điều này khiến cho đàm phán hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên gặp khó khăn. Đối với Washington, phi hạt nhân hóa có nghĩa rằng Triều Tiên phải từ bỏ và giao nộp toàn bộ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, cũng như cho phép các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra quá trình tuân thủ cam kết của nước này. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại có định nghĩa hoàn toàn khác khi cho rằng, phi hạt nhân hóa là các bước đi tương xứng của cả hai bên trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, bởi Mỹ là một cường quốc vũ trang hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Đông Bắc Á.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã bật “đèn xanh” giúp tháo gỡ bế tắc hiện nay trong đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên khi cho biết, Mỹ không vội vã. Ông Donald Trump để ngỏ khả năng xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, ngay cả khi Triều Tiên chưa từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nêu rõ, điều này chỉ có thể xảy ra nếu có bước đi “đầy ý nghĩa” từ phía Triều Tiên.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với Mỹ trong tiến trình phi hạt nhân hóa, bằng cách thực hiện các dự án kinh tế chung với Triều Tiên. Các dự án phát triển kinh tế liên Triều là một trong ba mục tiêu được Tổng thống Moon đề ra trong chiến lược cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Các dự án này dự kiến sẽ mang lại 1,6% tăng trưởng kinh tế cho mỗi bên, thiết lập trật tự kinh tế mới giúp mang lại hòa bình bền vững trên bán đảo Đông Bắc Á. Để Hàn Quốc triển khai được các dự án này, Mỹ cần phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Triều Tiên.

Dự báo kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp tới, các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố nhằm chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ là mục tiêu trước mắt và phi hạt nhân hóa sẽ nằm trong tầm ngắm xa của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-un có thể đồng ý kéo dài thời gian đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa; cho phép các thanh sát viên quốc tế đến thị sát các cơ sở hạt nhân của nước này. Đổi lại, Mỹ sẽ giảm nhẹ phần nào các biện pháp trừng phạt. Với kịch bản này, cả Washington và Bình Nhưỡng đều có thể đạt mục tiêu đề ra.

Theo Tạp chí Việt Mỹ