Những ngày qua thông tin từ năm 2020 việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP sẽ được thực hiện, đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn. Một số quan điểm cho rằng, khi thực hiện, bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ chân thực và toàn diện hơn do khu vực kinh tế chưa được quan sát đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong GDP.
Một số ý kiến lại cho rằng, việc khảo sát, lượng hóa nền kinh tế chưa được quan sát để tính thêm vào GDP cần cân nhắc thận trọng. Lý do mà những người đưa ra ý kiến này xuất phát từ việc, khi tính thêm vào GDP có thể làm đẹp thành tích hơn nhưng lại kéo tỷ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống khiến các nhà làm chính sách quên đi hiểm họa có thật là bội chi, nợ công… (GDP danh nghĩa tăng thì các chỉ tiêu neo vào GDP danh nghĩa như bội chi/GDP hay nợ công/GDP, thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống). Và quan trọng hơn là có thu được thuế hay không vì việc đưa khu vực kinh tế ngầm ra “ánh sáng” là không dễ…
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tính toán quy mô nền kinh tế chưa được quan sát tại 158 quốc gia trên thế giới giai đoạn 1991 – 2015. Theo đó, tính trung bình, con số này trên toàn cầu tương đương 31,9% GDP. Cao nhất là Zimbabwe với 60,6%. Thấp nhất là Thụy Sỹ với 7,2%.
Ở Việt Nam, dễ nhận thấy là hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện khắp mọi nơi, song những thống kê và hiểu biết về khu vực này vẫn còn hạn chế.
Hoạt động kinh tế ngầm không được phản ánh vào số liệu chính thức sẽ khiến GDP và các chỉ số khác trở nên thiếu chính xác. Khi muốn phát triển kinh tế bao trùm thì Chính phủ không thể bỏ sót khu vực nào trong hoạch định chính sách. Vậy làm sao Chính phủ thiết kế được một chính sách có tính chất bao trùm nếu như bỏ sót một tỷ phần khá lớn hoạt động của nền kinh tế? Một khi không quan sát và nhận diện hết được các đặc tính riêng có của một khu vực nào đó, các chính sách sẽ không thực tế.
Vậy nên, Đề án về kinh tế chưa được quan sát là cần thiết, tất nhiên để thực hiện cần có thời gian. Trong trường hợp Quốc hội chưa tính lại được thì Chính phủ phải sử dụng song song hai con số: Nợ công/GDP cũ và nợ công/GDP mới. Điều này vẫn có thể làm được, mặc dù có đôi chút khó khăn và kết quả cũng chỉ là tương đối (theo gợi ý của một số tổ chức quốc tế).
Quan trọng là đánh giá đúng khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ giúp Chính phủ có chính sách quản lý điều hành tốt hơn. Việc thực hiện phải lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, làm sao để tỷ lệ của khu vực kinh tế ngầm này ngày càng giảm đi, chuyển sang khu vực kinh tế chính thức.