Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của Quỹ Tiền tệ quốc tế công bố ngày 11/10 dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đạt 7%, đứng đầu nhóm ASEAN-5. Tăng trưởng của cả châu Á dự kiến là 4% trong năm 2022.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia trước đó với điểm nổi bật là: hạ dự mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của cả khu vực châu Á.
Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng GDP thực của châu Á sẽ đạt 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021.
Như vậy, đây là lần thứ 4 IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này, trong bối cảnh thế giới bất ổn và nhiều nền kinh tế lớn đang chìm trong lạm phát cao hoặc/và suy giảm tăng trưởng như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Theo IMF khu vực châu Á năng động bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá cả hàng hóa leo thang, sự sụt giảm sức cầu từ các nền kinh tế lớn cũng như hậu quả của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo IMF, các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% vào năm 2023, giảm lần lượt 20 điểm phần trăm và 10 điểm phần trăm so với dự báo được tổ chức này đưa ra hồi tháng 7.
Sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc, với dự báo GDP tăng chỉ tăng 3,2% trong năm 2022 (so với mức tăng 8,1% trong năm 2021) sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước trong khu vực châu Á.
Tuy nhiên, IMF đánh giá Việt Nam là một điểm sáng. Theo đó, IMF tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% trong năm 2022, tăng so với dự báo 6% trong dự báo đưa ra hồi đầu năm.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN-5), gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Nhóm ASEAN-5 được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay, so với mức 3,4% vào năm 2021 nhưng sẽ tụt xuống 4,9% trong 2023.
Việt Nam cũng được dự báo suy giảm tăng trưởng trong 2023, xuống mức 6,2%.
Tại châu Á, một số nền kinh tế phát triển suy giảm tăng trưởng. Nhật được IMF dự báo tăng trưởng 1,7%; Singapore tăng 3%…
IMF cũng đánh giá tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu có thể sẽ diễn ra trên diện rộng, trong đó các quốc gia chiếm khoảng 1/3 kinh tế toàn cầu dường như sẽ đối mặt với tăng trưởng âm trong năm nay hoặc năm tới.
Trước đó, một lãnh đạo của IMF cho biết định chế này dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ mất 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026.
IMF cho rằng tại Mỹ, việc thắt chặt các điều kiện tài chính và tiền tệ sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống 1% trong năm tới. Tại Trung Quốc, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống 4,4% do lĩnh vực bất động sản suy yếu và nước này tiếp tục đóng cửa liên quan đến đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ trải qua đợt suy giảm kinh tế nghiêm trọng nhất, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực. Mức tăng trưởng dự kiến của khu vực này chỉ đạt 0,5% vào năm 2023.
Theo Kỳ Thư/Vietnam Finance
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/imf-ha-trien-vong-tang-truong-gdp-chau-a-nhung-van-du-bao-viet-nam-la-diem-sang-20180504224275487.htm