Tính từ ngày đầu tiên ra mắt tại sàn giao dịch Nasdaq, cổ phiếu công ty xe điện VinFast đã “chào sân” thị trường Mỹ được tròn 1 tháng. Trong phiên giao dịch ngày 15/9, cổ phiếu VinFast đã quay trở lại gần ngưỡng 17 USD/cổ phiếu, sau thời gian “bay cao, bay xa” tại Phố Wall.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (15/9) tại Phố Wall, mã giao dịch VFS của VinFast ghi nhận mức giá đóng cửa là 16,8 USD/cổ phiếu, tăng hơn 4%.
Tuần này, cổ phiếu công ty kết tuần trong sắc xanh, tăng 9,56% và ghi nhận mức cao nhất là 17,93 USD vào phiên giao dịch ngày 12/9.
Nhờ sự phục hồi này, vốn hoá công ty đã quay về trên mốc 40 tỷ USD, xếp vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng các công ty xe lớn nhất thế giới, theo dữ liệu của Companiesmarketcap.
Ngày 15/9 cũng đánh dấu cột mốc 1 tháng VinFast ra mắt tại thị trường chứng khoán Mỹ. Theo dữ liệu từ Google, mã cổ phiếu của công ty xe điện Việt Nam đã giảm 41,78% trong vòng 1 tháng qua, trải qua nhiều lần biến động mạnh mẽ khiến nhà đầu tư “thót tim”.
Nhìn lại ngày đầu tiên giao dịch với tư cách là công ty đại chúng, cổ phiếu công ty tăng tới 255%, là mức tăng tốt nhất của một công ty niêm yết thông qua SPAC (công ty lập ra với mục đích đặc biệt) trên một sàn giao dịch của Mỹ từ đầu năm tới nay.
Màn chào sàn thành công đưa thị giá VinFast lên khoảng 85 tỷ USD, cổ phiếu tăng lên tới 37 USD tại New York, đồng nghĩa với mức tăng hơn 270% so với giá IPO của SPAC. Mức định giá gây ấn tượng khiến VinFast có giá trị hơn cả BMW AG, và hơn cả Ford và Rivian Automotive cộng lại xét về giá trị vốn hóa thị trường.
Trong khoảng 2 tuần sau khi niêm yết tại Mỹ, cổ phiếu hãng xe điện Việt Nam đã tạo ra một “cơn sốt” đúng nghĩa trên thị trường nhờ những mức tăng “điên rồ”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8, mã VFS của VinFast tăng 40,35%, đóng cửa ở mức 68,7 USD. Trong phiên, cổ phiếu có lúc lập đỉnh mới cao nhất lên tới 73,9 USD, cao hơn gần 20 USD so với mức kỷ lục vừa lập ra vào phiên trước đó. Vốn hoá công ty cũng lên tới 158 tỷ USD, “chiễm chệ” nằm ở top 3 nhà sản xuất ô tô có vốn hoá lớn nhất thế giới.
Cũng trong tuần kết thúc vào ngày 25/8, cổ phiếu VinFast có 3 lần lập kỷ lục cao mới, khởi động tuần từ chưa đầy 20 USD cho tới thời điểm kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tuần ở mức gần 70 USD.
Nhờ liên tục ghi nhận các mức tăng mới, thương hiệu VinFast đã trở thành chủ đề “nóng” trên khắp các phương tiện truyền thông Mỹ.
Tờ CNN đã ngay lập tức phỏng vấn CEO Lê Thị Thu Thuỷ của VinFast toàn cầu trong chương trình tài chính buổi sáng “First Mover”, trong khi Wall Street Journal, Bloomberg, Reuters cùng rất nhiều đầu báo khác liên tục cập nhật tình hình cổ phiếu công ty, gọi mức tăng của VinFast là “điên rồ”, “gây sốc” và đưa ra nhiều nhận định về định hướng giá cổ phiếu của đại diện từ Việt Nam.
Cho đến ngày 28/8, mã “VFS” của VinFast tiếp tục tăng gần 20%, đưa cổ phiếu lên ngưỡng 82,35 USD. Có thời điểm trong phiên, cổ phiếu VinFast chạm ngưỡng 93 USD, lập kỷ lục mới về giá và đưa vốn hoá VinFast lên tiệm cận 200 tỷ USD.
Đáng chú ý, công ty mới chạm mức vốn hoá 100 tỷ USD vào phiên giao dịch ngày 24/8, tức là VinFast gần như chỉ mất 3 phiên giao dịch để nhân đôi mức vốn hoá công ty.
Tuy nhiên, sau nửa tháng đầu “thăng hoa”, cổ phiếu VinFast đã bước vào chuỗi ngày trượt dốc kể từ sau phiên giao dịch ngày 28/8.
Theo đó, cổ phiếu công ty giảm trong 9 phiên giao dịch liên tiếp, đưa giá cổ phiếu về quanh vùng 16-17 USD với các mức sụt giảm cực mạnh. Vốn hoá thị trường của công ty cũng gần như “rơi tự do” từ mức gần 200 tỷ USD xuống còn quanh 40 tỷ USD sau 1 tháng ra mắt. Cổ phiếu công ty chỉ mới “xanh” trở lại từ 3 phiên giao dịch trước.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, việc cổ phiếu mới ra mắt tăng giảm mạnh mẽ trong thời gian mới ra mắt là điều hết sức bình thường, và sau 1 tháng niêm yết, cổ phiếu VinFast đã đi qua thời kỳ “bão giá” để tiến vào 1 chu kỳ ổn định hơn.
Về việc cổ phiếu công ty tăng hay giảm trong tương lai sẽ phụ thuộc vào tình hình làm ăn cũng như định hướng của VinFast trong thời gian tới.
Được biết, VinFast đang có kế hoạch đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong số này, 200 triệu USD dự kiến được dùng để xây dựng nhà máy. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành từ năm 2026 và có thể sản xuất 30.000 – 50.000 xe/năm.Nếu kế hoạch được thực hiện, nhà máy tại Indonesia sẽ là nhà máy thứ 3 của VinFast, bên cạnh nhà máy chính ở Hải Phòng (Việt Nam) và một nhà máy mới ở Bắc Carolina (Mỹ), dự kiến khởi công vào năm 2025.Bên cạnh đó, nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast cũng cho biết họ có kế hoạch mở rộng cơ sở tại Ấn Độ, Malaysia, Trung Đông, châu Phi, đồng thời mở rộng tại châu Âu… Hãng cũng cho biết muốn phát triển kênh phân phối riêng và có thể mở showroom tại các thị trường đó.Tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN (ASEAN BIS) tại Jakarta hôm 4/9, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã chia sẻ rằng hệ sinh thái xe điện ngày càng phát triển ở Đông Nam Á sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của VinFast. Trong đó, bà Thuỷ đã đề cập tới Indonesia, đất nước giàu nickel và sở hữu ngành sản xuất pin lớn ở Đông Nam Á.Bà Thủy cho rằng: “VinFast có thể nhập tất cả linh kiện từ khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi có thể biến ngành xe điện của ASEAN trở nên lớn mạnh và xuất khẩu xe điện đến phần còn lại của thế giới”. |
Theo Thuỷ Bình/Vietnam Finance
Nguồn: https://m.vietnamfinance.vn/sau-1-thang-chao-san-chung-khoan-my-vinfast-con-lai-gi-20180504224288919.htm