QC 1
Thứ 7, ngày 18/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tài chính xanh: Việt Nam ‘đi trước về sau’

“Sau khi tổng kết giai đoạn 2010 – 2020 về thực hiện chiến lược xanh quốc gia, về cơ bản, Việt Nam mới chỉ làm được 1/4 kế hoạch đề ra. Những gì chúng ta đã làm được chủ yếu chỉ là xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, còn phần thực thi thì hầu như không có gì”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho biết.

Tài chính xanh đóng vai trò là kênh dẫn vốn, điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh. Trong những năm qua, nhu cầu phát triển tài chính xanh đang rất cấp bách tại Việt Nam. Tuy vậy, do một số hạn chế còn tồn đọng, thị trường tài chính xanh vẫn chưa phát triển như đúng tiềm năng của nó.

Nhiều rào cản với tài chính xanh

Trong những năm qua, tài chính xanh đang trở thành xu hướng không thể trì hoãn tại Việt Nam. Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai nhiều kế hoạch liên quan đến phát triển tài chính xanh và đạt được những kết quả nhất định.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, tín dụng xanh đã tăng trưởng tích cực trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay với tốc độ trung bình hơn 20%/năm. Thống kê cho thấy, tính đến ngày 30/9/2023, tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với gần 45% và nông nghiệp xanh với hơn 30%.

Tính đến nay, có 43 tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Chẳng hạn như Agribank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ cho nông nghiệp sạch với lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm, hay BIDV cũng cung cấp gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực xanh…

Đối với thị trường trái phiếu xanh, theo thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, ngân hàng.

Ở thị trường cổ phiếu xanh, Việt Nam đang từng bước thực hiện theo Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) bền vững (Sustainable Stock Exchanges Initiative – SSE). Một số công ty đã phát hành cổ phiếu xanh ESG như Vinamilk, VinFast, FPT…

Ảnh minh họa

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: “Việt Nam đang đi cùng với thế giới về mặt tư duy về tài chính xanh. Không lấy ví dụ đâu xa, trong khi Trung Quốc cải cách 10 năm thì Việt Nam mới bắt đầu cải cách, thế nhưng đối với tài chính xanh, Trung Quốc chỉ đi trước chúng ta khoảng 3, 4 năm”. Nói cách khác, Việt Nam không thua xa các nước trong khu vực về nhận thức liên quan đến tài chính xanh và đã có những chính sách tương đối hoàn chỉnh về tài chính xanh, có chiến lược, kế hoạch hành động liên quan đến tài chính xanh.

Tuy vậy, theo ông Tuấn, mặc dù đã đạt được một số tiêu chí cơ bản nhưng đến nay thị trường tài chính xanh vẫn còn quá nhỏ so với tiềm năng và mục tiêu đề ra. Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (thậm chí lên tới 20 năm) và chi phí đầu tư lớn trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tài chính thường là vốn huy động ngắn hạn, trung hạn nên cung – cầu của các bên tham gia thị trường nhiều khi vẫn “chưa gặp nhau”.

Ngoài ra, trong cơ cấu dư nợ tín dụng cho các dự án xanh, hầu hết các dự án có quy mô nhỏ và chỉ tập trung vào mỗi nông nghiệp và năng lượng, mà vẫn chưa có sự xuất hiện nhiều của nhiều lĩnh vực như xây dựng, giao thông hay đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo – ngành vốn dĩ phải đi đầu trong chuyển đổi xanh.

Trong khi đó, việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có, một phần là lượng vốn huy động qua kênh thị trường cổ phiếu nói chung bị suy giảm trong 3 năm qua, chỉ chiếm khoảng 2,5% – 3% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế.

“Sau khi tổng kết giai đoạn 2010 – 2020 về thực hiện chiến lược xanh quốc gia, về cơ bản, Việt Nam mới chỉ làm được 1/4 kế hoạch đề ra. Những gì chúng ta đã làm được chủ yếu chỉ là xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, còn phần thực thi thì hầu như không có gì”, ông Tuấn nhận định.

Không chỉ vướng ở phía cung, ở phía cầu, “hiện có đầy rẫy các yếu tố ngăn cản các doanh nghiệp tham gia thị trường tài chính xanh”, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, địa phương vẫn đang trong tình trạng “chuyển đổi xanh đến tận ngõ nhưng vẫn chưa quan tâm nhiều”. Có những doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu, tiếp cận như thế nào và làm sao để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng xanh khi mà khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

Công nghệ cũng là một trong những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể chuyển đổi xanh. Ông Tuấn cho biết: “Chiến lược tăng trưởng xanh xác định là về công nghệ. Thế nhưng nhiều khi để đáp ứng được tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp phải thay thế cả một thế hệ công nghệ. Điều này là vô cùng tốn kém, nhất là khi Chính phủ chưa có đủ chính sách ưu đãi hoặc các công cụ tài chính hấp dẫn”.

Mở khóa thị trường tài chính xanh

Ông LIM Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, từng nhấn mạnh: “Tài chính xanh không chỉ là hiện tại mà còn là tương lai của Việt Nam”. Tuy vậy, để phát triển và tận dụng tốt tiềm năng của kênh dẫn vốn này, Việt Nam cần phải có những chiến lược tổng thể, triển khai một cách đồng bộ và có hệ thống.

Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đầu tiên, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu…

Tiếp đến, cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cả nhà nước và tư nhân cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh như nêu trên.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh… cũng như cập nhật các tiêu chí trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời xây dựng bộ tài liệu mẫu về việc hướng dẫn hoạt động phát hành trái phiếu xanh trong nước và quốc tế làm cơ sở để các đơn vị tham gia thống nhất thực hiện.

Theo các chuyên gia, Chính phủ, doanh nghiệp cần quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, thị trường quỹ và thị trường phái sinh. Chính phủ, các bộ ngành cần có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh và tài chính xanh.

Song song với đó, các bên cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục – đào tạo, tập huấn, chương trình phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh, đầu tư và kể cả tiêu dùng xanh cho các bên liên quan.

Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp, tổ chức tài chính cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững, xây dựng văn hóa xanh, chủ động lập báo cáo ESG, báo cáo phát triển bền vững; đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan, nhất là các bộ phận liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường – xã hội và ESG.

Theo Mai Lý/Vietnam Finance