QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tăng gần 150% sau nửa năm, cổ phiếu VPB có thể đi xa sau thương vụ bán vốn FE Credit?

Nếu xét từ thời điểm đầu năm 2021, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (HOSE: VPB) đã tăng 80% về giá từ vùng 32.xxx đồng.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 4/5/2021 trong sắc đỏ của các chỉ số. Xu hướng bán tháo sau hiệu ứng “sell in May” đồng loạt diễn ra khiến rổ VN30 chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (HOSE: VPB) cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Cập nhật tại thời điểm 11h24′, mã hiện đang giảm 1,5% về mức 57.600 đồng; khớp hơn 15,1 triệu cổ phiếu. Tạm tính tại thời điểm này, chuỗi 5 phiên tăng ấn tượng từ ngày 23/4/2021 của cổ phiếu VPB đã bị chặn lại.

Tuy nhiên, nếu xét từ thời điểm đầu năm 2021, cổ phiếu này đã tăng 80% về giá từ vùng 32.xxx đồng.

Trước đó, trong phiên 29/4, sau khi tăng 6,4%, cổ phiếu VPB chính thức lập đỉnh tại mốc 58.500 đồng; đây cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử của VPBank qua đó đưa vốn hoá thị trường của nhà băng này lên 143.603 tỷ đồng.

Thị giá cổ phiếu VPB tăng gần 150% trong 6 tháng gần nhất (nguồn Cafef.vn)

Về giá trị vốn hoá, VPBank hiện đang đứng vị trí thứ 5 nhưng chỉ còn cách ngân hàng lớn thứ tư về vốn hoá (Techcombank) chưa đến 100 tỷ đồng và kém 8.312 tỷ đồng so với vốn hoá của ngân hàng nắm vị trí thứ ba (VietinBank).

Cách đây 3 năm, khi lần đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên khi trở thành công ty niêm yết, VPBank đã đặt ra mục tiêu ở giai đoạn 2018 – 2022 nằm trong Top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam. Để đạt được mức vốn hoá như VietinBank hiện tại, giá cổ phiếu VPB cần tăng thêm khoảng 3.500 đồng lên 62.000 đồng.

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên tổ chức cũng vào cuối tháng 4/2021, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho SMBC ước tính giúp ngân hàng thu về lượng vốn gần 1,4 tỷ USD. Nguồn tiền thu về từ thương vụ bán FE Credit trước hết sẽ nâng hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng từ mức 11% hiện nay có thể lên trên 20%. Trong tương lai, ngân hàng có thể sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 24.567 tỷ đồng hiện tại lên 75.000 tỷ đồng, từ nguồn thặng dư vốn và phát hành cho cổ đông chiến lược.

Mới đây, VPBank đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 với những chuyển biến tương đối tích cực.

Cụ thể, tính đến hết quý I/2021, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 436.000 tỷ đồng – tăng 4,1% so với cuối năm 2020. Tín dụng ngân hàng hợp nhất tại thời điểm 31/3/2021 đạt hơn 332.000 tỷ đồng – tăng 2,8% so với cuối năm 2020 trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 3,6%.

Nhờ đa dạng hóa doanh thu, tăng trưởng tín dụng hợp lý, giảm thiểu chi phí vốn và tối ưu hóa chi phí hoạt động, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank quý I/2021 tăng tới 37,6% so với cùng kỳ năm 2020 – đạt 4.000 tỷ đồng trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt mức tăng trưởng 55,2%. Với kết quả này, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản ROA và tỷ suất lợi nhuận trên vốn ROE tương ứng đạt 3% và 23,5%, so với mức cuối năm 2020 là 2,6% và 22% – thuộc nhóm cao của toàn ngành.

Trong quý I/2021, thu nhập từ phí tiếp tục có đóng góp lớn vào doanh thu của VPBank khi tăng trưởng hợp nhất đạt 42%. Động lực tăng trưởng chính trong quý I đến từ việc đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và hoạt động thanh toán.

Việc kịp thời điều chỉnh chiến lược về sản phẩm và chiến lược huy động của Ngân hàng tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại ngân hàng mẹ từ mức 15,5% cuối năm 2020 lên mức 17% cuối kỳ 1 năm 2021.

Song song với xu hướng nâng cao tỷ trọng tiền gửi CASA, tiếp tục nắm bắt cơ hội thanh khoản của thị trường cùng với việc linh hoạt điều tiết bảng cân đối và cơ cấu nguồn vốn, chi phí vốn của VPBank cũng đã giảm đáng kể ngay từ quý I/2021. Chi phí huy động vốn (COF) của ngân hàng riêng lẻ giảm tới 1,3% so với cả năm 2020 và giảm 0,6% so với quý 4 năm 2020, tại ngân hàng hợp nhất, COF cũng giảm 1,2% so với năm 2020.

Cùng với đó, chi phí hoạt động (OPEX) của ngân hàng tiếp tục được kiểm soát hiệu quả trong kỳ – giảm gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng lý giải đây là kết quả của quá trình chuyển đổi số mà VPBank triển khai mạnh mẽ những năm qua, đặc biệt với nhiều dự án triển khai thành công trong năm 2020. Nhờ đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất của VPBank tiếp tục giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống còn 23,5% trong quý 1/2021, tiếp tục ở mức dẫn đầu thị trường.

Về chất lượng tín dụng, đến cuối quý 1/2021, tỷ lệ nợ xấu (phân loại theo Thông tư 02) tại ngân hàng hợp nhất ở mức 3%. Tại ngân hàng riêng lẻ, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 1,79% so với mức 1,98% cuối năm 2020. Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng 56% tại ngân hàng hợp nhất với số tuyệt đối tương đương 705 tỷ đồng, còn tại FE Credit thu nhập này tăng gần 110% so với cùng kỳ.

Các tỷ lệ an toàn của VPBank trong quý I/2021 tiếp tục được duy trì ở mức tốt, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước trong đó tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) ở mức 73,5% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 29,9% (so với yêu cầu 40%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 của Ngân hàng hợp nhất đạt gần 12%, tiếp tục duy trì ở mức an toàn và cao hơn mức tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Đức Hậu T/H/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tang-gan-150-sau-nua-nam-co-phieu-vpb-co-the-di-xa-sau-thuong-vu-ban-von-fe-credit-92904.html