Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 0,9% so với tháng trước…
Trong tháng 8/2023, giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Tám tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%.
Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%. Trong mức tăng 0,88% của CPI tháng 8/2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông; nhóm giáo dục; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2023 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,1%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng, dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Về bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 8 diễn ra khá sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 47%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn .
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2023 ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2023 ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa cao điểm và các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng năm 2023 ước đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Phan Mỹ/Thương Gia
Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/thang-82023-cpi-va-tong-muc-ban-le-deu-tang-nhe-post535119.html