QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thẻ tín dụng: “Con dao hai lưỡi” đáng sợ khiến người dùng “nợ ngập đầu”

Thanh toán một món ăn vài trăm ngàn đồng chỉ cần quẹt thẻ, shopping không mang tiền mặt cũng chỉ cần quẹt thẻ,…Cứ thế quẹt thoải mái cho tất cả những gì bạn thích. Có những chiếc thẻ tín dụng bên mình như thế, bạn có chịu không?
Ảnh minh hoạ

Thẻ tín dụng: Hiểm họa khiến bạn luôn ngập trong nợ nần

Nền kinh tế tiêu thụ cùng chính sách thúc đẩy tiêu dùng đã khiến người Việt chi tiêu nhiều hơn, trong đó có cả việc mạnh tay xài trước trả sau qua hình thức thẻ tín dụng. Không ngày nào bạn không nhận được điện thoại chào mời mở thẻ tín dụng của các ngân hàng trong và ngoài nước với đủ các hình thức hấp dẫn: hoàn tiền đến 100% cho khách mua sắm, tặng quà đắt tiền khi mở thẻ…

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, năm 2015, số lượng thẻ nội địa đạt gần 80 triệu, tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái; trong khi số lượng thẻ tín dụng quốc tế đạt 2,65 triệu, tăng 31%. Doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa tăng 22,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 700.000 tỷ đồng, song giao dịch rút tiền vẫn còn lớn, chiếm hơn 80%.

Trong khi đó, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng nóng đến 38%, đạt 24.000 tỷ đồng. Tiêu chuẩn để sở hữu một chiếc thẻ tín dụng khi các ngân hàng mọc lên như nấm là không quá khó. Chỉ cần chứng minh thu nhập ổn định là bạn có thể gia nhập vào nhóm người chi tiêu phong cách “quẹt thẻ”.

Từ hạn mức vài chục triệu đồng, nhiều ngân hàng đã đẩy cuộc đua mở thẻ với hạn mức lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí có thể lên tới 1 tỷ đồng tùy yêu cầu khách hàng được tín chấp hay phải thế chấp. Số liệu thống kê của một ngân hàng cho thấy, chủ thẻ người nước ngoài trung bình chi tiêu 40 – 50 USD/lần, còn chủ thẻ Việt Nam chi tiêu khoảng 130 USD/lần. “Chủ thẻ người Việt Nam xài sang hơn cả người nước ngoài”, ngân hàng này nhận xét.

Đối với nhiều người, thẻ tín dụng đã trở thành một con dao hai lưỡi, gây tổn thương cho chính tài sản của bản thân.

Chúng ta cần hiểu rằng thẻ tín dụng không khiến bất cứ ai trở nên giàu có hơn nhưng lại kích thích khả năng chi tiêu, cho phép bạn có thể chi trả cho những thứ nằm ngoài tình hình tài chính hiện tại của bạn.

Thẻ ghi nợ (hoặc trả trước) chỉ cho phép bạn chi tiêu số tiền bạn đã kiếm được nhưng thẻ tín dụng cung cấp tiền bạc theo hình thức cho vay.

Bất kì cá nhân nào sở hữu thẻ tín dụng đều có thể chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được trong khi chỉ cần trả lại một khoản tiền nhỏ mỗi tháng. Rất tuyệt vời, phải không?

Ngược lại, khi thẻ tín dụng nằm trong tay người trẻ tuổi đang bị ảnh hưởng lớn từ mạng xã hội, chúng kích động họ mua những thứ tuyệt vời ngoài tầm tay. Thẻ tín dụng thậm chí đang trở thành xu hướng thời trang và cách khắng định đẳng cấp của giới trẻ ngày nay.

Scott Pape – một nhà đầu tư nổi tiếng tại Australia từng lên tiếng yêu cầu các ngân hàng tại đây nên mở lớp giáo dục tài chính ở trường học thay vì dụ dỗ trẻ vị thành niên lao vào cuộc sống hưởng thụ.

“Đó không phải là một điều đáng tự hào và họ đang gửi đi một thông điệp quảng cáo sai lầm”, Pape nói.

Một số chuyên gia thậm chí đã kêu gọi cấm hoàn toàn thẻ tín dụng, giải thích rằng “người tiêu dùng đang phạm sai lầm có hệ thống” trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm tín dụng. Sự can thiệp của chính phủ sẽ ngăn người tiêu dùng tự làm hại mình.

Theo Pape, từ “tín dụng” (credit) không sai nhưng đã khiến nhiều người hiểu nhầm bản chất của các sản phẩm tài chính gắn từ ngữ này.

Từ credit trong tiếng Anh thường được xem như những thành tích hoặc quá trình đã hoàn thành một cách tích cực như tín chỉ các môn học ở bậc đại học, cao đẳng.

Nợ thẻ tín dụng ở Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2017, vượt qua 1 nghìn tỷ USD, tương đương 16.883 USD/ hộ gia đình. Australia cũng đang phải vật lộn với vấn đề này và vấn đề bắt nguồn từ chính tư duy xã hội đang tồn tại: tôn vinh tính tiêu dùng bằng những từ ngữ như “tín dụng”.

Giống như hình ảnh minh họa trên bao thuốc lá, thẻ tín dụng của Apple hay Google nên đi kèm một số cảnh báo về nợ nần.

Thanh toán nợ nần không nên bị xem là một chủ đề cấm kị bởi càng tránh nói về nó, chúng ta càng không bao giờ đạt được nó. Một nguyên nhân rất lớn dẫn đến tiêu dùng lãng phí là chủ nghĩa tiêu dùng, mạng xã hội và áp lực theo kịp những người nổi tiếng.

Bởi xung quanh chúng ta đều ngập tràn những quảng cáo khuyến khích chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng hoàn toàn lấn át tư tưởng kiểm soát chi tiêu. Chúng ta bị thúc ép bởi những ham muốn ngắn hạn và thẻ tín dụng bỗng trở thành công cụ hoàn hảo.

Chi tiêu vượt quá giới hạn, sống vượt quá khả năng tài chính giờ đây không chỉ được xã hội chấp nhận mà thậm chí đó là tiêu chuẩn. Những người trẻ tuổi cần sớm nhận ra rằng đó không phải con đường đúng đắn và hơn bao giờ hết, họ nên hiểu được sự nguy hiểm của thẻ ghi nợ.

Vì là khoản vay có phát sinh lãi suất nên thẻ credit card thường được các ngân hàng khuyến khích sử dụng với rất nhiều ưu đãi. Nhưng khi kích hoạt chiếc thẻ cũng là lúc bạn bắt đầu thế chấp “uy tín” để mượn nợ hợp pháp từ ngân hàng theo những điều kiện ràng buộc kèm theo.

Nếu các ràng buộc này đơn phương bị phá vỡ, lúc đó, bạn chính thức rơi vào rắc rối với ngân hàng. Thông thường, khách hàng sử dụng thẻ credit card sẽ được tận hưởng ưu đãi miễn lãi suất tối đa 45 ngày. Nếu số tiền thanh toán ít hơn tổng dư nợ phải trả, phần nợ còn lại sẽ được tính lãi suất và chuyển sang kỳ kế tiếp. Nợ thẻ tín dụng là loại nợ đáng sợ nhất bởi lãi suất rất cao. Hiện lãi suất các ngân hàng tính đều khá cao, từ 20 – 30% /năm. Nhiều người sử dụng mắc nợ vì những lý do “lãng xẹt” như không nhớ ngày thanh toán và vì thế các ngân hàng cộng dồn khoản phạt trả chậm. Quan trọng hơn, bạn sẽ bị đưa vào nhóm nợ xấu nếu đến hạn chưa thanh toán dư nợ tối thiểu trong kỳ.

Chẳng hạn, tại HSBC, biểu phí thông báo rõ nếu không thanh toán số dư trên tài khoản trước ngày đáo hạn mỗi tháng, toàn bộ số này sẽ bị phạt lãi suất. Cụ thể: thẻ Visa Bạch kim 27,8%/ năm, thẻ Visa Vàng 28%/năm và Bạch kim 31,2%/năm… Ví dụ cho bạn dễ hình dung hơn: Nếu trễ hạn thanh toán dù chỉ 1 ngày, lập tức toàn bộ hơn 50 triệu đồng số dư trong tài khoản đã chi tiêu trong tháng bị biến thành khoản vay với lãi suất lên tới gần 30%/năm, nghĩa là phải trả lãi 1,25 triệu đồng mỗi tháng. Chưa kể còn trả thêm chi phí chậm thanh toán bằng 4% khoản nợ tối thiểu.

Bên cạnh đó, vai trò chính của thẻ tín dụng là thanh toán chứ không phải để rút tiền mặt. Tuy nhiên, không ít người vẫn quên khuấy điều này dù tất cả các nhà phát hành đều tính phí rút tiền mặt khá cao (từ 3 – 4% số tiền rút). Chưa kể, khoản tiền này sẽ được xem như khoản vay cá nhân với lãi suất được tính ngay từ thời điểm rút tiền. Để hình dung vòng xoáy nợ nần từ thẻ credit card, có thể dẫn lại câu chuyện Hàn Quốc từng rơi vào khủng hoảng với cuộc vỡ nợ do bùng nổ “xài trước trả sau” của thẻ tín dụng.

Khi cuộc khủng hoảng ập tới, một người trưởng thành ở Hàn Quốc trung bình có 4,6 thẻ tín dụng và người dân nước này gánh nợ đã lên tới 100 tỷ USD. Rõ ràng, nếu nợ của hộ gia đình vẫn cao trong một thời gian dài, tất yếu sẽ làm tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Vì sợ nợ nần, theo số liệu mới công bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tỷ lệ người Mỹ dưới 35 tuổi sử dụng thẻ tín dụng đang ở mức thấp nhất trong gần 3 thập niên qua. Kinh tế khó khăn khiến giới trẻ Mỹ dè xẻn hơn và không để chi tiêu vượt xa khả năng thanh toán của mình nên họ cảnh giác với những cám dỗ từ thẻ tín dụng. Chỉ cần “quẹt” là có thể thanh toán bất cứ thứ gì khiến người sử dụng quên đi cảm giác “xót” tiền” và quên luôn mình có bao nhiêu tiền.

Thẻ thông minh, chi tiêu phải thông minh

Khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng có thể chọn 1 trong 3 cách thức như sau: Thanh toán tổng dư nợ phải trả mỗi kỳ; trả trước khoản thanh toán tối thiểu; trả bất kỳ khoản tiền nào nhiều hơn khoản thanh toán tối thiểu và ít hơn tổng dư nợ phải trả vào trước hoặc trong ngày đến hạn thanh toán.

Thông thường, người tiêu dùng chỉ nhìn vào tiện ích của dịch vụ mà không xem xét kỹ càng đến khả năng trả nợ, hay sự cần thiết của khoản vay, dẫn đến chi tiêu vượt quá khả năng trả nợ. Đến khi lâm vào cảnh nợ nần, chậm trễ trong thanh toán, người vay mới bắt đầu xem lại hợp đồng và than phiền về vấn đề lãi suất, phí phạt… Vì vậy, cần chủ động trao đổi với nhân viên tư vấn về các yếu tố này trước khi quyết định ký kết. Thực tế, các quy định về phí ngân hàng đều có đưa ra để khách hàng đọc nhưng thường khách hàng rất ít khi xem và có xem thì cũng không hiểu kỹ cho đến khi rơi vào rắc rối mới tá hỏa!.

Một cách để duy trì điểm tín dụng ở mức tốt khi sử dụng thẻ tín dụng là không bao giờ sử dụng quá 50% khả năng vay tín dụng. Vì dụ, hạn mức tín dụng của bạn là 5.000 USD thì nên sử dụng tối đa là 2.500 USD từ thẻ tín dụng và nhớ, đừng vượt quá vì tỷ lệ nợ sẽ ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng của mình. Tính toán tỷ lệ nợ trên thu nhập bằng tổng số tiền phải trả tiền hàng tháng (tính cả các khoản vay thế chấp nếu có) chia cho thu nhập ròng hàng tháng; nếu vượt quá 39% thì mức nợ đang trong tình trạng nguy hiểm.

Việc chi tiêu hợp lý để đạt điểm tín dụng cao là rất cần thiết bởi điều này cho thấy bạn có kỹ năng quản lý tài chính tốt, chi tiêu thông minh và có trách nhiệm. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tài chính bằng cách hoạch định kế hoạch rõ ràng và sử dụng các ứng dụng điện thoại để quản lý tiền nong một cách hiệu quả nhất. Đừng để mang tiếng là người nợ nần vì có thể hồ sơ nợ của bạn cũng được lưu ý tại nhiều công ty tuyển dụng.

Theo Hoài Sơn/Thời báo chứng khoán