QC 1
Thứ 5, ngày 04/07/2024 | Hotline: 0889.066.066

Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ như thế nào?

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương đương với năm 2018, tức khoảng 14% là hoàn toàn hợp lý, có thể thực hiện được.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, với xu thế chung hiện nay, tăng trưởng tín dụng của năm 2019 chỉ nên nằm trong mức từ 12,5 đến 14%, không nên là quá cao. Bởi phần huy động vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nền kinh tế chủ yếu sẽ tăng trưởng nhờ vào việc huy động vốn, cổ phần tăng thêm hoặc vốn trái phiếu từ thị trường chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), xu hướng tăng trưởng tín dụng ổn định trong năm 2018 sẽ tiếp tục trong năm 2019 vì kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt, thâm dụng vốn trong nền kinh tế giảm, nên không có lý do gì để tăng mạnh tín dụng năm 2019.

Ông Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng nếu như trước đây, việc tăng trưởng kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, thì giờ đây, cơ cấu kinh tế đã tốt hơn. Nền công nghiệp phụ trợ, ngành dịch vụ, nông nghiệp đã phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Khi thâm dụng tín dụng được cải thiện, thì nên có chính sách tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong dài hạn. “Tôi nghĩ tăng trưởng tín dụng trong khoảng 14 – 15% là hợp lý”, ông Thành nói.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2019, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương đương với năm 2018, tức khoảng 14%; trong đó, tín dụng sẽ vẫn được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo kiểm soát rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Hoài Dương/Thời báo Chứng Khoán