QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường chứng khoán ngày 13/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Nhiều CTCK xem xét cắt margin cổ phiếu họ FLC; Ngân hàng sắp bán hơn 48 triệu cổ phiếu HNG để thu hồi nợ của Hoàng Anh Gia Lai; Vốn hoá FPT Retail “bốc hơi” 1.817 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần giao dịch;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 13/1/2022.

Ngân hàng sắp bán hơn 48 triệu cổ phiếu HNG để thu hồi nợ của Hoàng Anh Gia Lai: CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa thông báo giao dịch bán 48,1 triệu cổ phiếu CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Theo công bố thông tin, đây là giao dịch mà ngân hàng bán cổ phiếu để thu hồi nợ. Phương thức thực hiện là bán thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Thời gian dự kiến từ 17/1/2022 đến ngày 15/2/2022. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico sẽ giảm từ 16,07% xuống còn 11,73%. Tạm tính mức giá đóng cửa ngày 12/1 của HNG, giá trị giao dịch ước tính 577 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2021, vay ngắn hạn của HAGL ở mức 1.528 tỷ đồng, vay dài hạn 6.792 tỷ đồng.

HAGL vừa thông báo giao dịch bán 48,1 triệu cổ phiếu của HAGL Agrico. Ảnh nguồn internet

Nhiều CTCK xem xét cắt margin cổ phiếu họ FLC: Theo thông tin chia sẻ từ môi giới của nhiều công ty chứng khoán (CTCK), trong ngày 12/01 họ nhận được thông báo các mã cổ phiếu liên quan đến cổ phiếu FLC gồm FLC, ROS, KLF, ART, HAI, AMD, GAB sẽ bị chặn giao dịch mua bằng tiền vay margin. Để tìm hiểu về sự việc này, người viết đã liên hệ đến hàng loạt CTCK. Tại Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới xác nhận Mirae Asset sẽ cắt margin đối với cổ phiếu họ FLC. Thông tin này cũng được xác nhận ở một số CTCK hàng đầu khác…

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 512 tỷ đồng trong phiên 12/1, tập trung gom cổ phiếu bất động sản: Khối ngoại giao dịch tích cực khi tiếp tục mua ròng trên cả ba sàn giao dịch. Cụ thể, dòng vốn ngoại tiếp tục mua vào 43 triệu cổ phiếu, trị giá 1.953 tỷ đồng, trong khi bán ra 36,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.440 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 6,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 512 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 433 tỷ đồng (gấp 4,3 lần phiên trước), tương ứng khối lượng 4,3 triệu cổ phiếu. KBC đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị 138 tỷ đồng. Đứng sau KBC cũng là 3 cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản gồm DXG, KDH và VHM, trong đó, DXG được mua ròng 98 tỷ đồng. KDH và VHM được mua ròng lần lượt 90 tỷ đồng và 70 tỷ đồng. Chiều ngược lại, CTG bị bán ròng mạnh nhất với 63 tỷ đồng. HSG và HCM bị bán ròng lần lượt 48 tỷ đồng và 33 tỷ đồng.

Vốn hoá FPT Retail “bốc hơi” 1.817 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần giao dịch: Là mã gây nhiều chú ý khi liên tục kịch trần, đưa thị giá từ vùng 60.000 đồng/cp tăng một mạch lên hơn 104.000 đồng/cp sau chưa đầy 1 tháng, FRT của FPT Retail đang giảm mạnh trước lực bán áp đảo. Tính đến phiên 12/1/2022, FRT hồi phục về mức giá 80.600 đồng/cp, giảm 23% thị giá chỉ sau 1 tuần giao dịch. Tương ứng, vốn hoá Công ty “bốc hơi” 1.817 tỷ đồng. Cần nhấn mạnh, những động lực từ kinh doanh, các ngành hàng theo giới quan sát đã sớm phản ánh vào thị giá FRT trước đó. FRT cũng là một trong những mã tăng miệt mài từ đầu năm 2021, từ mức 20.000 đồng/cp tính đến hiện tại đã tăng hơn 4 lần thị giá.

Cổ phiếu tăng gấp 3 từ đáy, Chủ tịch TAR ráo riết chốt lời: Vào ngày 17/12/2021, Lê Thị Tuyết – Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) bán 7 triệu cp, hạ sở hữu tại TAR từ mức 11,6 triệu cp (25,14%) xuống còn 4,6 triệu cp (9,99%). Chưa dừng lại, vị lãnh đạo tiếp tục muốn bán nốt 4,6 triệu cp trong đợt giao dịch mới từ ngày 13/01/2022. Chiếu theo giá chốt phiên 12/01/2022, ước tính bà Tuyết có thể thu về thêm 196 tỷ đồng. Bên cạnh bà Tuyết, 2 thành viên HĐQT cũng rục rịch thoái vốn. Cụ thể, bà Phạm Lê Khánh Huyền và bà Phạm Lê Khánh Hân (kiêm Phó Tổng Giám đốc) đăng ký bán lần lượt 396.000 cp (0,86%) và 528.000 cp (1,14%) trong cùng khoảng thời gian từ 06-28/01/2022… Đà thoái vốn ồ ạt của lãnh đạo và người thân tại TAR được kích hoạt khi giá cổ phiếu đang tăng tích cực. Từ mức thấp nhất 14.500 đồng/cp vào giữa tháng 7/2021, TAR đã tăng gấp 3 lần, đạt đỉnh ở 44.800 đồng/cp (chốt phiên 22/12/2022). Hiện, giá cổ phiếu điều chỉnh nhẹ về quanh mức 42.500 đồng/cp (chốt phiên 12/01/2022).

Mua bán theo hô hào của các hội nhóm đang rủi ro rất cao: Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI nêu quan điểm: “Mọi người nên giành phần lớn danh mục của mình theo trường phái đầu tư giá trị. Mua bán theo hô hào của các hội nhóm đang rủi ro rất cao”. Cùng quan điểm vơi ông Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI Phạm Lưu Hưng nhận định: “Ba chữ cái trong đầu tư chỉ là điểm khởi đầu của hành trình đầu tư. Để có thể nắm giữ và đi hết giai đoạn thăng trầm của cổ phiếu là một câu chuyện khác và tâm thế đầu tư khác”. Sau những cú đổ đèo của “món quà của thượng đế”, tưởng chứng giới đầu cơ sẽ bừng tỉnh nhưng hiện trong các room trên Zalo vẫn không thiếu những khuyến nghị về cổ phiếu tăng nóng trên thị trường với cam kết “Room có truyền thống đầu tư dài hạn kết hợp lướt sóng và đều ăn bằng lần”.

Theo Nguyễn Thanh/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-chung-khoan-ngay-1312022-thong-tin-truoc-gio-mo-cua-108521.html