QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường chứng khoán Việt tháng 5: Những mã nào đi ngược thị trường tăng mạnh nhất?

Nối tiếp những biến động tiêu cực trong tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi xuống trong tháng 5 khi VN-Index đóng ở mức 1.292,68 điểm – giảm 74,12 điểm (-5,42% so với cuối tháng 4); HNX-Index giảm 50,07 điểm (-13,69%) xuống 315,76 điểm; UPCoM-Index cũng giảm 8,86 điểm (-8,5%) xuống 95,45 điểm.

Bất chấp nhịp điều chỉnh sâu trong tháng vừa qua, thị trường chứng khoán vẫn xuất hiện những cổ phiếu lội ngược dòng ấn tượng với đà tăng hàng chục phần trăm. Vị trí quán quân tăng điểm thuộc về cổ phiếu MAC của CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (Maserco) với mức tăng xấp xỉ 64% và chốt tháng tại mốc 10.000 đồng thị giá.

Cũng ghi nhận mức tăng trên 60% trong tháng 5 vừa qua còn có cổ phiếu CCV của CTCP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam và DDH của CTCP Đảm bảo Giao thông đường thủy Hải Phòng song đây là 2 mã đều có thanh khoản èo uột.

Đáng chú ý, giữa làn sóng bán tháo mạnh, không thể không kể đến mức tăng tốt của một bluechips hiếm hoi là REE của Cơ điện lạnh. Dù chỉnh nhẹ trong phiên cuối tháng song REE vẫn ghi nhận tăng 26,3% trong tháng 5 và là bluechips duy nhất lọt top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HOSE. Theo đó, vốn hóa thị trường của REE cũng được kéo lên mức đỉnh hơn 33.000 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu PND của Xăng dầu Dầu khí Nam Định ngược dòng thị trường nhờ nhiều phiên tăng điểm liên tục và kết phiên cuối tháng 5 tại mức 32.700 đồng – tăng hơn 49% trong vòng 1 tháng. Cổ phiếu COM của CTCP Vật tư – Xăng dầu cũng ghi nhận mức tăng hơn là 41% và đóng cửa tháng tại mức 65.900 đồng/cổ phiếu.

Khối ngoại “lật kèo” mua ròng gần 3.000 tỷ đồng

Bất chấp việc nhà đầu tư trong nước bán tháo mạnh mẽ trong tháng 5 vừa qua, khối ngoại lại giao dịch ngược lại và là điểm sáng. Thống kê cho thấy, trên HoSE, trong tháng vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài mua 8.509 triệu cổ phiếu, ETF, chứng chỉ quỹ và bán ra 7.920 triệu cổ phiếu. Về khối lượng nhóm này đã mua ròng 589 nghìn cổ phiếu Việt Nam.

Xét theo giá trị, nhóm này đã mua 29.851 tỷ đồng và bán ra 27.065 tỷ đồng, giá trị mua ròng 2.786 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp khối ngoại mua ròng chứng khoán Việt Nam, tháng 4 nhóm này mua ròng gần 4.000 tỷ đồng.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được khối ngoại mua nhiều nhất với giá trị ròng 2.300 tỷ đồng, NLG được mua nhiều thứ hai với khoảng 664 tỷ đồng; DPM được mua nhiều thứ ba với 513 tỷ đồng, tiếp theo là các mã như FPT, GMD, DPM, CTG, HDB, VRE. Ở chiều ngược lại, khối ngoại xả ròng nhiều nhất SSI 780 tỷ đồng; HPG cũng bị bán 730 tỷ đồng; VIC bị bán 436 tỷ đồng, các mã khác cũng nằm trong top bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh như VND, NVL, DXG.

Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng cải thiện đáng kể từ mức chiếm 5-6% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 hiện đang hồi phục về vùng 10%. Trước đó, giai đoạn 2018-2019, giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ lệ 18-19% toàn thị trường.

Dự kiến, cơ cấu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn tăng lên nữa trong thời gian tới khi mà dòng vốn nội có dấu hiệu suy thoái dần. Bởi hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều chung một nhận định rằng chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn, mỗi nhịp điều chỉnh là cơ hội để mua vào sở hữu. Chỉ số P/E của Vn-Index trong dự báo thu nhập năm 2022 hiện ở mức 12,7 hấp dẫn hơn so với mức trung bình 17,6 của Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn hiện đang giao dịch dưới mức P/E 10 bất chấp tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Trái lại, nhà đầu tư trong nước có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường để quay lại sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, lãi suất huy động nhiều ngân hàng cũng có xu hướng tăng trong khi nhiều nhà đầu tư đã lỗ nặng trong suốt chu kỳ gần nửa năm vừa qua, việc gửi tiền lấy lãi là một lựa chọn khả dĩ hơn.

Những tia sang trên thị trường chứng khoán Việt

Theo thông tin từ thitruongtaichinhtiente.vn, diễn biến trên thị trường chứng khoán (TTCK) từ năm 2020 đến nay, có thể thấy thị trường đã có 4 lần giảm mạnh, trong đó đã có cú sụt giảm tới hơn 70 điểm chỉ trong tháng 1/2021 và đặc biệt có tháng giảm sâu kỷ lục vào tháng 3/2020 khi VN-Index lao dốc tới 24,9%. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trên thị TTCK đang rất chú ý với thông báo của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) về việc sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát đang không ngừng gia tăng tại Mỹ.

Song song với quá trình tăng lãi suất ngân hàng thường là quá trình chạy ngược chiều của giá chứng khoán trên TTCK. Tại Mỹ, chỉ số chứng khoán S&P 500 đã giảm tới hơn 12% từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi đã trải qua tháng 4 với mức giảm sâu nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID (cuối năm 2019). So với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 1/2022, S&P 500 đã giảm tới gần 20%; S&P 500 và Nasdaq đều đã trải qua 6 tuần giảm giá liên tiếp, đặc biệt Dow Jones đã giảm đến tuần thứ bảy liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng!

Tại nước ta, cổ phiếu ngân hàng vốn có vai trò lớn trong việc làm trụ cột dẫn dắt thị TTCK trong những năm COVID-19 cũng đã chứng kiến sự sụt giảm về giá. Tổng giá trị vốn hóa toàn ngành giảm tới hơn 224.500 tỷ đồng chỉ trong 5 phiên giảm gía những ngày qua. Hiện đã có 8 cổ phiếu có thị giá rớt xuống dưới 15.000 đồng/cp và 2 mã đã quay về gần mệnh giá xuất phát là VAB (10.100 đồng/cp) và ABB (10.600 đồng/cp)!. 2 cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhất là VCB và BID cũng mất 8% và 14% trong tuần qua.

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều cổ phiếu đã giảm gần 30% như PGB, OCB, STB. Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất là STB (gần 115 triệu đơn vị), SHB (hơn 97 triệu đơn vị), VPB (hơn 86 triệu đơn vị) đều giảm giá khá sâu. Tính chung toàn bộ TTCK trên sàn HOSE đến ngày 25/5, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.268,43 điểm, đã mất 256,27 điểm, tương đương giảm 16,76% so với mức hồi phục được thiết lập ngày 4/4/2022 và càng kém xa mức đỉnh của quí I/2022 đã lập được trong phiên giao dịch ngày 6/1/2022, ở mốc 1.328,57 điểm.

Lác đác có những đợt tăng điểm, nhưng xen kẽ lại nhiều phiên giảm rất sâu, thậm chí có phiên đã đưa chỉ số chung của TTKC VN tụt xuống dưới mốc sàn kháng cự 1200 điểm. Trong đó, vào giữa tháng 5, ngày 16/5/2022 chỉ số VN-Index giảm tới 10,82 điểm so với hôm trước đó, tụt xuống chỉ còn 1.171,95 điểm. Tổng cộng đến thời điểm đó, VN-Index đã giảm tới hơn 23% từ mức đỉnh và rơi về mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua!

Tuy nhiên, khi nhìn nhận về xu hướng biến động của TTCK sau tháng 5/2022 có thấy nhiều nhân tố tích cực, đã và đang xuất hiện những tia sáng kích hoạt để VNIndex có thể tăng tốc sau khi đã điều chỉnh giảm khá sâu sau 5 tháng đầu năm 2022. Các nhân tố đó gồm:

Một là, trong khi chỉ số chứng khoán quí I/2022 điều chỉnh giảm so với đầu năm 2022 thì cũng trong quý này, 86% số công ty niêm yết đại chúng quy mô lớn và có đăng ký giao dịch đã công bố báo cáo có lãi cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý cũng tăng 33,7%.

Hai là, tình hình đại dịch COVID-19 đã hết căng thẳng theo hướng cả nước chủ động gia tăng tiêm chủng và sẵn sàng bảo vệ tại chỗ, vừa làm vừa chống COVID thay vì chạy COVID như 2 năm trước đây.

Ba là, các dòng cổ phiếu trụ cột của TTCK như NHTM, các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp nông lâm hải sản… đều đang tìm lại được tốc độ phát triển của thời kỳ trước COVID.

Bốn là, thị trường khu vực và thế giới đang rất khát nhiều nhóm hàng đặc chủng của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng về lương thực, thực phẩm, may mặc, giầy dép và điện tử… Do đó, Việt Nam có điều kiện để chủ động chọn hàng, chọn thị trường và cơ chế xuất hàng thích ứng với năng lực sản xuất và phòng ngừa COVID trong điều kiện mới.

Các tia sáng nói trên cùng với các cơ chế chính sách và khát vọng phát triển được cổ súy mạnh mẽ từ mọi cấp, mọi ngành đã và đang thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh vượt qua sức ỳ do đại dịch COVID tác động.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các nhà đầu tư chuyên nghiệp có bản lĩnh đủ bình tĩnh để nhìn thị trường bằng cái nhìn dài hạn hơn, tin tưởng hơn kèm theo việc phân tích tìm kiếm những doanh nghiệp có xu hướng phát triển tốt, có cơ sở làm ăn nghiêm túc để đầu tư kích hoạt … thì giá cổ phiếu sẽ kéo nhau tăng lên trong tương lai không xa, sẽ giúp nhà đầu tư có lợi nhuận đích thực thay vì ngồi chờ thời cơ.

Giá của vốn luôn luôn phụ thuộc vào năng lực cầu của thị trường, trong đó năng lực cầu của thị trường vốn lại phụ thuộc vào năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế do con người tạo ra qua từng thời kỳ. Thị trường không dành cho những nhà đầu tư yếu bóng vía, hay những nhà đầu tư chỉ nặng về tưởng tượng hô hào và càng không thuộc về các hành vi chụp giật, lừa đảo trong việc thả mồi, phóng đại mức lãi gấp đôi, gấp ba chỉ trong thời gian ngắn.

Theo Nguyễn Thanh/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-thang-5-nhung-ma-nao-di-nguoc-thi-truong-tang-manh-nhat-126981.html