QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tiêu thụ lúa gạo tăng vọt, Lộc Trời (LTG) đạt doanh thu kỷ lục 16.517 tỷ đồng

Năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời kinh doanh khởi sắc với doanh thu đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm ngoái. Đây là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử kinh doanh.

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 5.819 tỷ đồng, tăng mạnh tới 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong kỳ này, giá vốn hàng bán đạt 4.297 tỷ đồng, tăng 84,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp đạt 1.522,5 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn thu từ hoạt động tài chính đóng góp hơn 111 tỷ đồng doanh thu, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 4 đạt 247,8 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ quý 4/2022.

Tiêu thụ lúa gạo tăng vọt, Lộc Trời (LTG) đạt doanh thu kỷ lục 16.517 tỷ đồng

Lũy kế cả năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.517 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2022.  Đây là mức doanh thu thuần cao nhất trong lịch sử kinh doanh của Lộc Trời sau khi chinh phục mốc doanh thu vượt 10.000 tỷ đồng vào năm 2021 và tiếp tục duy trì tăng trưởng cao cho đến nay.

Xét cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh lúa gạo đóng góp chủ yếu 68% vào doanh thu của Lộc Trời, tương ứng hơn 11.232 tỷ đồng trong năm 2023, tăng trưởng 75% so với năm trước.

Con số này đã bù đắp cho sự sụt giảm đáng kể ở các mảng kinh doanh khác như thuốc bảo vệ thực vật (giảm 27%) chỉ đạt 4.218 tỷ đồng; kinh doanh hạt giống đạt 713 tỷ đồng; kinh doanh bao bì (giảm 12%) đạt 120 tỷ đồng, mảng xây dựng và các mảng khác (giảm 15%) đạt 232 tỷ đồng.

Tuy vậy, kết thúc năm 2023, Lộc Trời thu về lợi nhuận sau thuế là 265 tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Lộc Trời

Lý giải về kết quả trên, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, lợi nhuận giảm là do các chi phí tăng cao trong năm qua, đặc biệt là chi phí lãi vay.

Cụ thể, chi phí tài chính năm 2023 của công ty tăng mạnh 94,6% so với năm trước lên gần 958 tỷ đồng. Trong đó chi phí lãi vay chiếm 582 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần.

Bên cạnh đó, các chi phí khác đều tăng mạnh trong năm 2023 như chi phí bán hàng tăng 10,5% lên tới 977 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 80,6% lên tới 718 tỷ đồng…

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 11.710 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm hơn nửa là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và tăng mạnh gấp 2,8 lần, đạt hơn 6.476 tỷ đồng.

Đáng chú ý, là các khoản phải thu lớn từ khách hàng Nguyễn Thị Ánh Vân (591 tỷ đồng), ông Hồ Văn Tuấn (561 tỷ đồng), Công ty TNHH sản xuất TMDV Cường Nguyên AGRI (811 tỷ đồng), Công ty CP Lương Thực Hưng Phước (588 tỷ đồng)…

Lộc Trời ghi nhận các khoản nợ phải thu từ nhiều cá nhân, tổ chức lớn

Bên cạnh đó, Lộc Trời ghi nhận giá trị hàng tồn kho đến cuối năm 2023 là 1.970 tỷ đồng, giảm 6,75% so với đầu năm. Trong đó công ty trích lập dự phòng 47,5 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho.

Báo cáo cũng cho thấy, tổng Nợ phải trả của Lộc Trời đến cuối năm 2023 tăng gấp 1,5 lần so với đầu năm, lên mức 8.396 tỷ đồng. Số nợ này chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm 8.307 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn 6.300 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Tập đoàn Lộc Trời đã phát hành hơn 20,1 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông, tương ứng giá trị 201 tỷ đồng. Số cổ phiếu này sẽ được giao dịch chính thức vào ngày 3/1/2024.

Theo Diệp Anh/ Tạp chí Việt – Mỹ